Tại Việt Nam, nơi sử dụng xe máy phổ biến thì xe máy điện cũng đang trở thành sự lựa chọn mới của người dân.

Giao thông vận tải là một trong những ngành tiêu tốn nhiều nhiên liệu hóa thạch, phát thải khí nhà kính lớn. Mới đây, Thủ tướng Chính phủ đã có quyết định phê duyệt Chương trình hành động về chuyển đổi năng lượng xanh, giảm phát thải khí carbon và khí metan của ngành giao thông vận tải, với mục tiêu tổng thể là phát triển hệ thống giao thông xanh. Đến năm 2050, Việt Nam đặt mục tiêu thực hiện mạnh mẽ sự chuyển dịch theo hướng 100% phương tiện giao thông đường bộ sử dụng điện.

leftcenterrightdel

Người dân TP Huế (tỉnh Thừa Thiên Huế) đi xe đạp điện, hưởng ứng phong trào giao thông xanh. Ảnh: HƯƠNG GIANG 

Không nằm ngoài sự chuyển dịch đó, tỉnh Thừa Thiên Huế hiện đang tích cực triển khai đề án giao thông công cộng theo hướng giao thông xanh và chuyển đổi sang phương tiện sử dụng điện. Lãnh đạo tỉnh Thừa Thiên Huế đã làm việc với các tổ chức quốc tế như Chương trình phát triển Liên hợp quốc (UNDP) để thúc đẩy phát triển hệ thống giao thông xanh tại TP Huế và trên địa bàn toàn tỉnh. Vấn đề này cũng đã đưa vào Quy hoạch tỉnh Thừa Thiên Huế thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050 và đang hoàn thiện để trình Chính phủ phê duyệt.

Từ năm 2016, đô thị Huế đã được Tổ chức Quốc tế về Bảo tồn thiên nhiên tại Việt Nam (WWF) vinh danh là "thành phố xanh" đầu tiên của Việt Nam; năm 2020 đoạt giải thưởng là thành phố du lịch sạch ASEAN. Do đó, để thúc đẩy phương tiện giao thông thân thiện với môi trường, đồng chí Phan Quý Phương, Phó chủ tịch UBND tỉnh Thừa Thiên Huế cho biết, tỉnh luôn mong muốn được học hỏi những mô hình giao thông sử dụng điện của các nước trên thế giới, những định hướng và mục tiêu của Chính phủ cũng như các mô hình thí điểm triển khai tại Việt Nam để có thể học tập và triển khai tại Thừa Thiên Huế.

Chia sẻ thêm về lợi ích của giao thông xanh, ông Patrick Haverman, Phó trưởng đại diện thường trú UNDP tại Việt Nam nhấn mạnh, giao thông xanh đưa đến tiềm năng là phương thức giao thông của tương lai, phù hợp với một trong các mục tiêu dài hạn của TP Huế về phát triển đô thị carbon thấp. Do đó, TP Huế cần xây dựng quy hoạch phát triển giao thông xanh tổng thể lồng ghép với các hoạt động phát triển khác. Trong đó, cần có các lộ trình phù hợp, hệ thống mạng lưới hạ tầng giao thông được thiết kế để tích hợp, thân thiện với môi trường, đồng thời, cần xây dựng khung thể chế chính sách đối với hoạt động quản lý, vận hành và khuyến khích các sáng kiến xanh hóa. Bên cạnh đó, sự tham gia của các bên liên quan và xem xét tích hợp các chính sách của nhiều ngành khác nhau là những yếu tố quan trọng góp phần bảo đảm tính bền vững của các giải pháp giao thông xanh, gia tăng khả năng tiếp cận của đô thị, thúc đẩy phương tiện sử dụng điện.

Có thể nói, đẩy mạnh giao thông xanh là một yếu tố quan trọng trong việc xây dựng và phát triển đô thị bền vững, nâng cao chất lượng cuộc sống người dân ở các đô thị. 

QUANG MINH