Chỉ sau một thời gian ngắn, chương trình nhận được sự hưởng ứng tích cực của cộng đồng, nhiều trẻ mồ côi có hoàn cảnh khó khăn đã được nhận đỡ đầu, có điều kiện vươn lên trong cuộc sống...
Sự hỗ trợ ý nghĩa, thiết thực
Cùng cán bộ, hội viên Hội LHPN huyện Vĩnh Tường (Vĩnh Phúc) và đại diện Ngân hàng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn-Chi nhánh huyện Vĩnh Tường đến nhận đỡ đầu, trao quà tặng cháu Lê Quyền Anh, sinh năm 2015, trú tại thôn Phú Nông, xã Kim Xá và cháu Nguyễn Thị Quỳnh, sinh năm 2016, trú tại thôn Hậu Lộc, xã Vĩnh Ninh, huyện Vĩnh Tường, chúng tôi càng cảm nhận rõ ý nghĩa nhân văn của Chương trình “Mẹ đỡ đầu-Kết nối yêu thương”. Cháu Lê Quyền Anh mồ côi mẹ, bố đi xây dựng gia đình mới, hiện ở cùng ông bà ngoại. Ông bà ngoại của Quyền Anh đã già yếu, hoàn cảnh kinh tế rất khó khăn.
Mới đây, ông ngoại phát hiện bị ung thư phổi, dì ruột của Quyền Anh ở cùng ông bà lại bị thần kinh khiến hoàn cảnh gia đình càng thêm éo le. Cháu Nguyễn Thị Quỳnh thì mồ côi cha, mẹ sức khỏe yếu, không có việc làm ổn định, gia đình thuộc diện hộ nghèo... Chia sẻ với hoàn cảnh của hai cháu, Ngân hàng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn-Chi nhánh huyện Vĩnh Tường đã nhận đỡ đầu, hỗ trợ mỗi cháu 500.000 đồng/tháng trong vòng 3 năm...
 |
Hội Liên hiệp Phụ nữ tỉnh Vĩnh Phúc nhận đỡ đầu cháu Đặng Gia Huy ở thôn Tiền Phong, xã Nhân Đạo, huyện Sông Lô. Ảnh: NGUYỄN ANH |
Hoạt động hỗ trợ, chăm sóc trẻ mồ côi được các cấp Hội Phụ nữ tỉnh Vĩnh Phúc triển khai đã lâu. Tuy nhiên, từ khi Hội LHPN tỉnh Vĩnh Phúc phát động Chương trình “Mẹ đỡ đầu-Kết nối yêu thương” vào tháng 6-2022 thì hoạt động này càng được đẩy mạnh. Chỉ sau gần một tuần phát động chương trình, các cấp hội phụ nữ huyện Vĩnh Tường đã vận động được hơn 90 triệu đồng từ hội viên và các nhà hảo tâm để hỗ trợ, đỡ đầu 5 trẻ mồ côi.
Tại huyện Bình Xuyên, theo đồng chí Nguyễn Thị Xuân Hồng, Chủ tịch Hội LHPN huyện, thực hiện chương trình, đến nay, đã có 12 cháu mồ côi được đỡ đầu, trong đó 8 cháu được Hội LHPN huyện tuyên truyền, vận động các tập thể, cá nhân nhận đỡ đầu đến năm 18 tuổi hoặc trong thời gian 3-5 năm; 4 cháu được Công an huyện và Công an tỉnh nhận đỡ đầu trong thời gian 3 năm với mức hỗ trợ từ 500.000 đồng đến 1.000.000 đồng/cháu/tháng; tổng kinh phí cho hoạt động này là 336 triệu đồng...
Quyết tâm để 100% trẻ mồ côi có “mẹ đỡ đầu”
Đồng chí Nguyễn Thị Thu Hà, Chủ tịch Hội LHPN tỉnh Vĩnh Phúc cho biết: "Hưởng ứng Chương trình “Mẹ đỡ đầu” do Trung ương Hội LHPN Việt Nam phát động, Hội LHPN tỉnh triển khai Chương trình “Mẹ đỡ đầu-Kết nối yêu thương” trên địa bàn toàn tỉnh.
Đây là chương trình mang ý nghĩa nhân văn sâu sắc nhằm chung tay, góp sức cùng các cấp, ngành, địa phương trong việc quan tâm hỗ trợ, chăm sóc, nuôi dưỡng trẻ mồ côi có hoàn cảnh khó khăn, bước đầu đã nhận được sự chung sức, đồng lòng của nhiều cơ quan, tổ chức, doanh nghiệp, cá nhân. Từ đầu tháng 5-2022 đến nay, các cấp hội phụ nữ trong tỉnh trực tiếp đỡ đầu hoặc vận động, kết nối để các tập thể, cá nhân nhận đỡ đầu 177 trẻ mồ côi với mức hỗ trợ 500.000-1.000.000 đồng/cháu/tháng, thời gian hỗ trợ từ 3 đến 7 năm hoặc đến khi 18 tuổi, tổng số tiền hỗ trợ gần 5 tỷ đồng".
Để Chương trình “Mẹ đỡ đầu-Kết nối yêu thương” có sức lan tỏa sâu rộng, huy động tối đa nguồn lực của xã hội nhằm triển khai hiệu quả, các cấp Hội Phụ nữ tỉnh Vĩnh Phúc đã phối hợp đẩy mạnh công tác tuyên truyền, vận động ủng hộ trong cán bộ, hội viên và đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức, người lao động; vận động, khuyến khích các tập thể, cá nhân, cơ quan, tổ chức, doanh nghiệp, các nhà hảo tâm nhận đỡ đầu, trực tiếp chăm sóc, nuôi dưỡng các cháu mồ côi với mức hỗ trợ thấp nhất là 500.000 đồng/cháu/tháng, thời gian nhận đỡ đầu từ 3 năm trở lên, phấn đấu nhận đỡ đầu cho đến khi trẻ đủ 18 tuổi.
“Chúng tôi mong rằng trong thời gian tới sẽ có nhiều hơn các tập thể, cá nhân chung tay làm “mẹ đỡ đầu” trẻ mồ côi, hướng tới mục tiêu 100% trẻ mồ côi trên địa bàn tỉnh có “mẹ đỡ đầu” đến khi các cháu trưởng thành. Ban Thường vụ Hội LHPN tỉnh cam kết sẽ chỉ đạo các cấp hội phân bổ nguồn lực hỗ trợ bảo đảm công khai, minh bạch, đúng đối tượng. Chúng tôi cũng đề nghị các cấp hội và cán bộ, hội viên phụ nữ với vai trò vừa là “mẹ đỡ đầu”, vừa là “cầu nối”, cần phát huy tinh thần trách nhiệm và tấm lòng của người mẹ, thường xuyên phối hợp với gia đình, nhà trường kịp thời thăm hỏi, động viên các con; tăng cường vận động, kết nối với các tổ chức, cá nhân hưởng ứng chương trình, nhận đỡ đầu trẻ mồ côi, đồng thời đẩy mạnh tuyên truyền, giới thiệu về mục đích, ý nghĩa và các hoạt động của chương trình nhằm nâng cao nhận thức của hội viên phụ nữ đối với công tác chăm sóc, bảo vệ trẻ em”, đồng chí Nguyễn Thị Thu Hà chia sẻ.
PHƯƠNG HIỀN