Khi mái trường bị ô nhiễm tệ nạn

​Tệ nạn học đường từ lâu không chỉ dừng lại ở nạn quay cóp, gian lận thi cử, mà rất nhiều học sinh mắc vào nghiện ngập, cờ bạc, chơi bời lêu lổng. Nguyễn Thị Hồng Hạnh, học sinh lớp 12 của một trường THPT ở Hưng Yên chia sẻ: “Một số bạn trong lớp em thường xuyên rủ nhau đánh bài ăn tiền và hút thuốc lá trong những giờ nghỉ giải lao. Các bạn có rất nhiều cách để che giấu và trốn tránh thầy cô, bố mẹ”.

Giờ đây, cờ bạc, rượu chè, ma túy, bạo lực, mại dâm… thâm nhập vào trường học ngày càng có xu hướng gia tăng. Cách đây vài năm, một đoạn clip dài gần 2 phút ghi lại cảnh nhóm học sinh mặc đồng phục đánh hội đồng một bạn nữ ngay trong lớp học được phát tán trên mạng xã hội khiến dư luận giật mình. Nhưng đến nay thì những clip dạng này khá nhiều. Chỉ cần tra trên mạng cụm từ "bạo lực học đường" sẽ thấy hàng nghìn dữ liệu hiện ra, với những cảnh “học sinh lấy ghế đánh bạn bất tỉnh”, "nữ sinh đánh ghen", “nhóm học sinh đánh bạn, xé áo ngay trên bục giảng”, uống rượu rồi đánh chửi nhau... Chỉ cần một cái “nhìn đểu”, trêu đùa hoặc những lý do không đáng là có thể dẫn đến bạo lực chân, tay hoặc bạo lực bằng hành vi xúc phạm nhân phẩm. ​Không chỉ dừng lại ở đó, rượu, bia, ma túy, mại dâm cũng đã “du nhập” vào đời sống của những cô cậu học trò. Theo số liệu thống kê do Cục Phòng, chống tệ nạn xã hội (Bộ Lao động-Thương binh và Xã hội) phối hợp với Trung tâm Hỗ trợ sáng kiến phát triển cộng đồng (SCDI) khảo sát, công bố hồi tháng 7-2017, có đến 8% người nghiện ma túy ở độ tuổi vị thành niên, học sinh.

Trong dịp nghỉ hè, nguy cơ tệ nạn trong học sinh, sinh viên có xu hướng gia tăng, nhất là tệ nạn phát sinh từ mê game, hút "bóng cười", cờ bạc, uống rượu, bia... Bởi lẽ, nghỉ hè là lúc nhà trường không còn quản lý nữa, phụ huynh thì bận đi làm không có thời gian quan tâm đến con em mình. Thời gian nghỉ hè là cơ hội để các em có thể giao lưu, đi chơi hay tham gia các hoạt động xã hội, nhưng với nhiều gia đình thì nghỉ hè là thời gian "con muốn làm gì, đi đâu cũng được", cho con tiền đi chơi game, hoặc "nhốt" con cả ngày ở nhà với máy vi tính… Chính điều này tạo điều kiện cho các em đến gần hơn với tệ nạn.             

Làm gì để phòng tránh tệ nạn cho học sinh?

Câu trả lời trước hết nằm ở chính các em học sinh, sinh viên. Hiện nay, một bộ phận giới trẻ cho rằng, khi xã hội ngày càng phát triển thì những kiểu ăn chơi sành điệu là hợp thời, là tiên tiến. Tâm lý tuổi mới lớn luôn muốn thử những điều mới mẻ và rất dễ sa vào những “cái bẫy tệ nạn”. Do đó, các bạn học sinh, sinh viên cần hết sức cảnh giác, thận trọng và phải đủ tỉnh táo trước khi quyết định tham gia vào các trò chơi dễ dẫn tới tệ nạn xã hội, không phù hợp với đạo đức, pháp luật. 

Gia đình và nhà trường trực tiếp có trách nhiệm trong giáo dục, quản lý học sinh. Cha mẹ nuông chiều con quá mức, để con muốn gì được nấy chính là đã đưa con vào con đường hư hỏng. Đối với nhà trường, nhiều nơi buông lỏng quản lý, giáo dục học sinh, sinh viên. Nhiều giáo viên thiếu quan tâm quản lý học sinh, ít nắm bắt đời sống tinh thần, quan hệ xã hội của học sinh và ngại nhắc nhở học sinh ngoài nội dung học tập... Những thiếu sót này cần phải nghiêm túc chấn chỉnh. Cả gia đình và nhà trường cần xác định rõ trách nhiệm của mình trong việc giáo dục, quản lý, vì sự tiến bộ của học sinh. 

Vai trò của các địa phương, tổ chức đoàn thể trong việc phòng ngừa tệ nạn xã hội trong học sinh, sinh viên cũng vô cùng quan trọng, nhất là vào dịp nghỉ hè, bằng việc tạo các sân chơi lành mạnh, vui vẻ cho giới trẻ. Tuy chưa rộng rãi nhưng vài năm trở lại đây, một số địa phương đã quan tâm hơn đến công tác giáo dục hè cho học sinh, như: Tổ chức liên hoan ca, múa, nhạc; thi kể chuyện và các môn thể thao; mở các lớp dạy đàn, hát, vẽ, bơi…; giáo dục kỹ năng sống thông qua các chương trình “Học kỳ Quân đội”, “Học kỳ Công an”, trại hè… Những hoạt động này hướng các em đến cuộc sống tinh thần, thể chất lành mạnh, góp phần giúp các em tránh xa những tệ nạn đang vây quanh.

Tệ nạn học đường không chỉ là vấn đề của gia đình và nhà trường, mà là nỗi lo chung của toàn xã hội, phải có sự chung tay phối hợp với trách nhiệm cao thì mới bài trừ, ngăn chặn được. Song quan trọng nhất là bản thân mỗi bạn trẻ phải xây dựng cho mình bản lĩnh vững vàng, trước hết cần nhận thức đầy đủ về vấn đề tệ nạn xã hội, có tinh thần hướng thiện, tập trung vào việc học tập rèn luyện; kiên quyết nói không với những cám dỗ, rủ rê của những bạn bè xấu…

​THU TRANG