Khi phụ nữ dân tộc thiểu số làm nghiên cứu viên

Sằm Thị Xinh, 22 tuổi, người dân tộc H’Mông ở thôn Vằng Quan, xã Phúc Lộc là một trong 32 nghiên cứu viên của dự án. Ngày đầu tham gia dự án, tay lóng ngóng khi được trao chiếc máy ảnh, Xinh lo lắm vì không biết sử dụng. “Lúc đầu, em thấy khó lắm. Khi giảng viên bảo là làm nghiên cứu và đồng nghiên cứu, em nghĩ, làm sao mình làm được. Em hình dung làm nghiên cứu giống như phải vượt qua một quả đồi rất cao vậy. Thế nhưng, được tham gia tập huấn, bọn em hiểu ra làm nghiên cứu là cùng nhau tìm ra vấn đề và thảo luận về vấn đề đó”, Sằm Thị Xinh chia sẻ. May mắn được chồng động viên, cô có thêm tự tin và hoàn thành công việc của một nghiên cứu viên.

Những cảm giác bỡ ngỡ ấy cũng là cảm xúc chung của nhiều chị em khi tham gia nhóm nghiên cứu cộng đồng thôn Vằng Quan. Nhiều chị phải thu xếp công việc nhà, “nhường” việc chăm con cho chồng để đi nghiên cứu. “Khi tham gia dự án con còn nhỏ, chưa đến một tuổi nên lúc đầu tôi lo lắm”, chị La Thị Đoàn ở thôn Vằng Quan tâm sự. May mắn được chồng động viên: “Cứ đi đi, ở nhà chồng làm việc cho, làm thêm cả phần của vợ nữa nên mẹ không nói đâu”, nên chị Đoàn vui lắm. Có lúc, hai vợ chồng bồng bế đứa con nhỏ cùng đi nghiên cứu và phỏng vấn.

leftcenterrightdel
Chị Dương Thị Hội chia sẻ kinh nghiệm nuôi lợn đen tại nhà. 
Theo anh Nguyễn Đức Thành, Quản lý dự án phát triển của CARE, xã Phúc Lộc và Bành Trạch, nơi có đông đồng bào dân tộc Tày, Dao, H’Mông sinh sống, là hai địa phương hưởng lợi từ dự án của CARE. Thông qua phương pháp nghiên cứu cùng cộng đồng (còn gọi là đồng nghiên cứu), các chị em đã được tập huấn về đa dạng văn hóa, phương pháp kể chuyện qua hình ảnh và phương pháp nghiên cứu có sự tham gia của cộng đồng. Thông qua quá trình thực hiện nghiên cứu về nhiều lĩnh vực như: Ô nhiễm nguồn nước; chăn nuôi lợn đen bản địa; chăn nuôi trâu theo phương pháp bán chăn thả;... các nhóm đã xác định những vấn đề của địa phương, sau đó trình bày và vận động các cơ quan Nhà nước, đoàn thể cùng giải quyết.

Tại thôn Nà Khao và Bản Luộc thuộc xã Phúc Lộc, nhóm nghiên cứu nhận thấy, ngày nay có ít người chăn nuôi lợn đen bản địa mà thường nuôi lợn lai. Tuy giá bán lợn lai thấp hơn giá lợn đen nhưng nuôi lợn lai chỉ mất 4 tháng, mỗi năm có thể xuất chuồng ba lứa lợn. Trong khi đó, lợn đen phải mất 8 tháng mới có thể xuất chuồng được một lứa. Tuy nhiên, lợn đen dễ nuôi, ít dịch bệnh, thức ăn chủ yếu là rau rừng và ngô. Hơn nữa, thịt lợn đen lại ngon, thơm và mềm hơn nên các thương lái thường đến tận nơi để mua. Vì thế, tại thôn Bản Luộc đã “mọc lên” một tổ hợp tác nuôi lợn với 15 thành viên do chị Dương Thị Hội, dân tộc Tày, làm tổ trưởng. Theo chị Hội, dù mới thành lập cách đây không lâu, song tổ hợp tác đã có một số thành công bước đầu. Cụ thể, chị em đã trao đổi kinh nghiệm nuôi lợn hay ăn, chóng lớn; cùng mua thức ăn nuôi lợn để hưởng giá rẻ, xuất chuồng cùng thời điểm để được giá cao… Người phụ nữ 50 tuổi này hy vọng, trong thời gian tới, tổ hợp tác sẽ có thêm nhiều thành viên, từ đó góp phần khôi phục lại nghề nuôi lợn đen truyền thống đang bị mai một ở địa phương.

Đi học là cách duy nhất để có tương lai tươi sáng

Trở lại thôn Vằng Quan, nơi có nhiều trẻ em bỏ học. Để tìm hiểu nguyên nhân này, nhóm phụ nữ thôn Vằng Quan đã thực hành một loạt nghiên cứu tại nhiều thôn trong xã và đưa ra một kết quả khiến nhiều người lo lắng. Là một xã nghèo nên tại Phúc Lộc chỉ có một trường THCS, không có trường THPT. Theo số liệu mà nhóm nghiên cứu ghi lại được, tỷ lệ trẻ em nghỉ học vẫn còn, có em bỏ học ở lớp 5, song đa số học xong lớp 9 là không đi học tiếp. Nguyên nhân bỏ học chủ yếu là do đường xa, các em thường phải đi bộ từ nhà đến trường trung bình từ 3 đến 4km, chủ yếu là đường dốc, đường rừng. Một lý do khác là nhiều phụ huynh lo ngại con gái họ khi đi đường xa dễ bị kẻ xấu lợi dụng, xâm hại, nên bắt con ở nhà giúp bố mẹ đi chăn bò…

Trong đề xuất của mình, nhóm nghiên cứu đã đưa ra nhiều biện pháp có thể tạo ra sự thay đổi như: Tổ chức các cuộc họp với phụ huynh để giới thiệu tầm quan trọng của việc đi học, xây dựng thư viện nhỏ ở bản và tổ chức các hoạt động sinh hoạt hè vui vẻ và hấp dẫn cho trẻ em trong khu vực. Tại thôn Vằng Quan, dưới sự dẫn dắt của cô Sằm Thị Xinh, các em nhỏ tham gia câu lạc bộ sinh hoạt hè với các trò chơi tình huống, từ đó các em được trang bị thêm kỹ năng sống. “Con rất thích tham gia câu lạc bộ hè. Được bố mẹ cho phép, con và em đã đạp xe 7km để tới đây. Thời gian sinh hoạt chỉ 2-3 giờ mỗi buổi, song có được những lời khuyên rất bổ ích như: Không nghe theo lời người lạ, không cho người lạ vào nhà, không đi tắm sông…”, em La Văn Trương, học sinh lớp 5 trường Tiểu học Phúc Lộc chia sẻ. Với Trương và các bạn, hay ngay cả với cô Sằm Thị Xinh và các nghiên cứu viên, “đi học là cách duy nhất để có một tương lai tươi sáng hơn”.

Bài và ảnh: LINH OANH