Vậy là niềm mong mỏi của nhân dân trên địa bàn cũng như của cán bộ, chiến sĩ Tiểu đoàn 263 qua các thời kỳ về một mái nhà chung to đẹp nhằm tri ân công lao các anh hùng liệt sĩ nay đã thành hiện thực.

Tiểu đoàn 263 được thành lập tháng 11-1963 tại huyện Thạnh Phú, tỉnh Bến Tre, trên cơ sở các lực lượng địa phương của các tỉnh Bến Tre, Tiền Giang, Long An và một số đơn vị của Quân khu 8. Dưới sự đùm bọc, chở che của nhân dân, tiểu đoàn đã tham gia chiến đấu hàng trăm trận, lập nhiều chiến công.

Các đại biểu cắt băng khánh thành Khu tưởng niệm cán bộ, chiến sĩ Tiểu đoàn 263 hy sinh trong trận Cầu Ván. 

Tại khu vực Cầu Ván, xã An Lục Long, huyện Châu Thành, vào ngày 3-5-1968, trong một trận chiến đấu không cân sức với địch, hơn 100 cán bộ, chiến sĩ của tiểu đoàn đã anh dũng hy sinh. Có mặt tại lễ khánh thành, cựu chiến binh Huỳnh Văn Ly, nguyên Phó tiểu đoàn trưởng Tiểu đoàn 263, Trưởng ban liên lạc cựu chiến binh Tiểu đoàn 263 nghẹn ngào nhớ lại: “Trận đánh diễn ra khi Tiểu đoàn 263 trên đường hành quân về Mỹ Tho. Tương quan lực lượng của ta và địch chênh lệch quá lớn, địch sử dụng hỏa lực mạnh, cùng máy bay, xe tăng và nhiều phương tiện cơ giới. Cán bộ, chiến sĩ tiểu đoàn đã chiến đấu kiên cường, quả cảm đến viên đạn cuối cùng. Hơn 100 đồng đội của tôi đã hy sinh anh dũng khi tuổi đời còn rất trẻ”.

Sau trận đánh, với niềm xót thương vô hạn, nhân dân địa phương đã vượt qua sự kiểm soát gắt gao của địch, tìm kiếm, tổ chức an táng và lập miếu thờ các liệt sĩ Tiểu đoàn 263. Đến nay, hài cốt các liệt sĩ của Tiểu đoàn 263 hy sinh trong trận Cầu Ván đã được quy tập về Nghĩa trang Liệt sĩ liên huyện Châu Thành-Tân Trụ (Long An). Trên địa bàn xã An Lục Long, vào ngày 7-4 (âm lịch) hằng năm, nhân dân địa phương làm lễ giỗ chung tưởng nhớ, tri ân công lao của các anh. Ông Phạm Văn Lựa, nguyên Bí thư Chi bộ ấp Cầu Ván, xã An Lục Long bùi ngùi nhớ lại: “Trước ngày giải phóng, bà con không dám tổ chức lễ giỗ công khai để tránh tai mắt của địch. Đất nước hòa bình, thống nhất, hằng năm, lễ giỗ các liệt sĩ của Tiểu đoàn 263 được chính quyền địa phương và người dân tổ chức trang trọng, chu đáo”.

Khu tưởng niệm được UBND tỉnh Long An xếp hạng Di tích lịch sử-văn hóa cấp tỉnh và là "địa chỉ đỏ" giáo dục truyền thống, ghi nhớ công lao các liệt sĩ đã hiến dâng tuổi xuân cho Tổ quốc. Đồng chí Phạm Tấn Hòa, Phó chủ tịch UBND tỉnh Long An nhấn mạnh, tinh thần chiến đấu, hy sinh anh dũng, bất khuất của cán bộ, chiến sĩ Tiểu đoàn 263 mãi là bài học về lòng yêu nước, quả cảm cho thế hệ sau trong xây dựng quê hương. Đảng bộ, chính quyền, nhân dân địa phương sẽ chung tay bảo tồn, phát huy giá trị khu tưởng niệm. Các cấp, các ngành của địa phương sẽ tiếp tục phối hợp sưu tầm, xác minh đầy đủ danh tính các liệt sĩ hy sinh tại trận Cầu Ván, đưa vào danh sách ghi danh tại khu tưởng niệm.

Bài và ảnh: THÀNH CHÂU - LÂM QUẾ