Hiện nay, nhiều chợ online trên các mạng xã hội như: Facebook, Zalo, group hội nhóm đang hoạt động rầm rộ, quy tụ đến hàng trăm thành viên. Thế nhưng, cùng với đó đã xuất hiện nhiều chiêu trò bán hàng kém chất lượng, thậm chí là lừa đảo. Chị Nguyễn Mai H. ở Ba Đình, Hà Nội cho biết: “Thấy trang facebook địa chỉ gần nhà đăng bài: “Giải cứu sườn nướng BBQ” cho biết công ty gửi nhầm cửa hàng gần một tạ sườn BBQ, nay nhờ xả hộ, giá không lời lãi, kèm hình ảnh những khay sườn toàn thịt, rất hấp dẫn nên tôi đã đặt mua. Thế nhưng mua về thì sườn chỉ toàn xương, chẳng lẽ lại cãi nhau với chủ facebook...”. Một tài khoản tên N. trên facebook kể, chị cần mua thực phẩm nên đã vào nhóm “Chợ ông Tạ” trên facebook đặt mua rau và thịt từ một tài khoản có tên “Ngọc Ngân”. Sau khi xem hàng, chị N. chốt đơn và được người bán yêu cầu chuyển khoản để tránh tình trạng "bom hàng". Đã mua hàng online nhiều lần nên chị N. không nghi ngờ gì và chuyển luôn 1,3 triệu đồng cho người bán. Tuy nhiên, chỉ ít phút sau người bán đã chặn tài khoản của chị, xóa bài đăng và thoát khỏi nhóm.
 |
Một tài khoản facebook bán thực phẩm online. |
Một người bạn của chúng tôi kể, anh đặt mua gà ta trên facebook. 20 phút sau, có người gọi điện: “Anh ơi, anh xuống lấy gà đi”. Thấy gà được gói cẩn thận, anh không kiểm tra, rút tiền trả rồi mang lên nhà. Thế nhưng khi mở ra thì phát hiện là gà công nghiệp, hàng đông lạnh. Quá bức xúc vì chủ facebook quảng cáo gà ta nên anh gọi điện định mắng người bán. Thế nhưng đầu dây bên kia cho biết họ vẫn chưa giao hàng! Liên lạc với số điện thoại vừa gọi xuống lấy gà, anh được biết đó là shipper, được một người khác thuê giao hàng. Thì ra lợi dụng việc người mua có thói quen comment để lại tên, địa chỉ, số điện thoại trên trang mạng khi mua hàng, đối tượng xấu đã cướp đơn để giao hàng kém chất lượng, lừa đảo khách hàng. Không chỉ lừa đảo trên các trang mạng xã hội, một số đối tượng còn mạo danh các siêu thị, cửa hàng tiện lợi lớn đưa ra các chương trình khuyến mãi trong khung thời gian nhất định để hối thúc người mua chuyển tiền đặt cọc, sau đó thì "cao chạy xa bay". Vì số tiền bị lừa không quá lớn nên các nạn nhân thường không tố cáo, khiếu nại tới các cơ quan chức năng.
Theo khoản 1 Điều 15, Nghị định số 167/2013/NĐ-CP của Chính phủ, người dùng thủ đoạn gian dối để chiếm đoạt tài sản của người khác sẽ bị phạt tiền từ 1 đến 2 triệu đồng. Trường hợp bằng thủ đoạn gian dối để chiếm đoạt tài sản của người khác trị giá từ 2 triệu đồng đến dưới 50 triệu đồng (hoặc dưới 2 triệu đồng nhưng tái phạm, gây ảnh hưởng xấu đến an ninh trật tự...) thì theo Điều 174, Bộ luật Hình sự 2015, sửa đổi bổ sung năm 2017, có thể bị phạt cải tạo không giam giữ đến 3 năm hoặc phạt tù từ 6 tháng đến 3 năm. Luật sư Nguyễn Thanh Tùng, Phó trưởng Văn phòng Luật sư Phạm Hồng Hải và các cộng sự (Đoàn Luật sư TP Hà Nội) cho biết: “Nếu số tiền mỗi người bị lừa dưới 2 triệu đồng nhưng nhiều người cùng làm đơn tố cáo một đối tượng thì tổng số tiền sẽ nâng lên, hoặc làm cơ sở để xác định hành vi đó gây ảnh hưởng xấu đến an ninh trật tự thì người vi phạm vẫn có thể bị xử lý hình sự”.
Trao đổi với chúng tôi, ông Trần Văn Trọng, Chánh văn phòng Hiệp hội Thương mại điện tử Việt Nam cho biết: “Để tham gia mua sắm trực tuyến được an toàn, người tiêu dùng cần học hỏi thêm những kỹ năng mua sắm trực tuyến như: Tìm kiếm hàng hóa, sản phẩm phù hợp với nhu cầu; xác định được các đơn vị bán hàng uy tín, thanh toán trực tuyến, giao nhận và chăm sóc, khiếu nại sau bán hàng. Có thể lựa chọn những địa chỉ mua sắm uy tín bằng cách tham khảo thông tin trên các diễn đàn, các hội nhóm, bạn bè và khảo sát trực tiếp qua website chứa thông tin của những đơn vị này. Đối với những địa chỉ mới, không có thông tin, hãy cẩn trọng trong việc đưa ra quyết định mua sắm và lựa chọn hình thức an toàn là kiểm tra hàng hóa nhận được trước khi thanh toán. Khi có dấu hiệu bị lừa đảo hãy chia sẻ với cộng đồng để mọi người cùng phòng, tránh, đồng thời phản ánh, khiếu nại tới các cơ quan chức năng".
KIM DUNG - MINH LÝ