Theo dự báo đến 1 giờ ngày 1-11, vị trí tâm ATNĐ ở vào khoảng 7,8 độ Vĩ Bắc, 107,0 độ Kinh Đông, cách Côn Đảo khoảng 110km về phía Đông Nam. Sức gió mạnh nhất ở vùng gần tâm áp thấp nhiệt đới mạnh cấp 6-7, giật cấp 9. Do ảnh hưởng của áp thấp nhiệt đới kết hợp với không khí lạnh, ở vùng biển Tây Nam quần đảo Trường Sa, vùng biển từ Bình Thuận đến Cà Mau (bao gồm các huyện đảo Phú Quốc, Côn Đảo) có gió Đông Bắc mạnh cấp 6-7, giật cấp 9, biển động mạnh; rủi ro thiên tai cấp độ 3. Vào khoảng 1 đến 2 giờ sáng ngày 2-11, ATNĐ sẽ vào khu vực tỉnh Cà Mau, kèm theo nước biển và triều cường có thể dâng cao 4-4,5m. Vì thế sẽ tràn hết toàn bộ hệ thống đê điều, rất nguy hiểm. Đặc biệt, có 5 vị trí đê biển đang thi công.
Các lực lượng gồm Bộ đội Biên phòng, dân quân và công an kết hợp chằng chéo nhà cửa giúp dân.
Trước tình hình trên, các tỉnh, thành phố ven biển vùng ĐBSCL gồm: Bến Tre, Trà Vinh, Bạc Liêu, Sóc Trăng, Kiên Giang và Cà Mau đang tích cực chuẩn bị phương án chủ động ứng phó. Cụ thể, tại Cà Mau, theo ông Nguyễn Long Hoai, Chánh Văn phòng Ban chỉ huy PCTT&TKCN tỉnh cho biết nhiều địa phương trong tỉnh có hệ thống cơ sở hạ tầng còn yếu nên thường chịu thiệt hại rất lớn khi có bão, ATNĐ tác động. Đặc biệt, khi kết hợp với nước dâng do bão, triều cường và các hiện tượng như lốc xoái cục bộ, “vòi rồng” hay đi kèm với bão ở khu vực vĩ độ thấp sẽ gây ảnh hưởng nghiêm trọng đến các hoạt động trên biển và vùng bờ biển. Khi có dự báo xuất hiện áp thấp nhiệt đới và có thể là bão, tỉnh đã triển khai nhiều biện pháp giúp người dân chủ động ứng phó với thời tiết nguy hiểm. Bên cạnh việc đẩy mạnh tuyên truyền, nâng cao nhận thức của người dân về phòng chống thiên tai, Ban chỉ huy PCTT&TKCN các huyện, thành phố trong tỉnh còn theo dõi chặt chẽ diễn biến thời tiết nguy hiểm, kịp thời thông báo cho nhân dân, nhất là dân cư tập trung tại các cửa sông, ven biển, các chủ tàu cá, thuyền trưởng biết để chủ động phòng tránh, duy trì thông tin liên lạc nhằm xử lý kịp thời những tình huống xấu có thể xảy ra. Tỉnh cũng đã có công văn gửi đến các trường yêu cầu cho học sinh được nghỉ học.
“Đến thời điểm hiện tại, tỉnh kết hợp với lực lượng Bộ đội Biên phòng tổ chức thông báo, kêu gọi 1.136 phương tiện/4.909 ngư dân đang hoạt động trên biển biết vị trí, hướng di chuyển của vùng áp thấp nhiệt đới để chủ động phòng tránh. Hiện vẫn còn 406 phương tiện/2.802 ngư dân đang di chuyển trên biển tìm về các cửa biển để tránh trú. Tuy nhiên, khó khăn hiện tại của Cà Mau là 112 phương tiện với khoảng 897 lao động của tỉnh đang đánh bắt xa bờ chưa liên lạc được”, ông Hoai thông tin.
Được biết, người dân Cà Mau hiện nay cũng chủ động hơn trong việc phòng tránh bão, khi trang bị cho những chuyến tàu xa khơi đầy đủ phao cứu sinh cùng thiết bị vô tuyến, viễn thông để có thể tiếp nhận thông tin thời tiết ở bất cứ vị trí nào trên biển, góp phần giảm thiểu rủi ro khi có thiên tai ập đến bất ngờ. Ông Đoàn Văn Khởi, chủ tàu ở cửa biển Sông Đốc cho biết: “Bà con đã chủ động cho tàu mình vào nơi neo đậu từ nhiều ngày trước. Thời tiết hôm nay không khác chi 20 năm trước khi bão Linda đổ vào Cà Mau. Và ngư dân đã sẵn sàng ứng phó với thời tiết diễn biến xấu nhất”.
Còn tại Bạc Liêu, Trao đổi với phóng viên, ông Lai Thanh Ẩn, Chánh Văn phòng Thường trực Ban chỉ huy PCTT&TKCN tỉnh Bạc Liêu cho biết, tỉnh đã nghiêm cấm không cho tàu thuyền ra khơi hoạt động bắt đầu từ 9 giờ ngày 31-10. Khi có bản tin cuối cùng về áp thấp nhiệt đới thì cho tàu thuyền trở lại hoạt động bình thường.
Cũng theo ông Ẩn, đối với dân cư cùng ven biển, tỉnh yêu cầu các địa phương chuẩn bị sẵn sàng các phương án, khi trường hợp khẩn cấp thì có thể áp dụng phương pháp sơ tán dân tại chỗ, tức là người ở nhà tạm điều qua trú ở nhà kiên cố hơn, và không tiến hành di dân sâu. Đồng thời, Ban chỉ huy PCTT&TKCN tỉnh Bạc Liêu cũng đề nghị Bộ chỉ huy Bộ đội Biên phòng kiểm đếm chính xác số lượng tàu thuyền và thuyền viên còn ở trên biển; thông tin liên lạc thường xuyên về diễn biến của áp thấp nhiệt đới cho các tàu thuyền còn hoạt động ngoài khơi biết để tìm nơi trú tránh hoặc thoát ra khỏi vùng ảnh hưởng của áp thấp nhiệt đới; mở các cột đèn tín hiệu báo bão tại các Đồn Biên phòng và bố trí người trực đảm bảo đèn tín hiệu hoạt động 24/24 giờ để phục vụ tàu thuyền; bắn tín hiệu báo ATNĐ theo quy định….
Tương tự, tại Bến Tre, Trà Vinh và Sóc Trăng, hiện các tàu, thuyền đang khẩn trương vào bờ và liên lạc với hệ thống tin ven bờ thường xuyên. Bên cạnh đó, các địa phương cũng chỉ đạo đơn vị chức năng thông tin, tuyên truyền rộng rãi về diễn biến của ATNĐ đồng thời hướng dẫn, giúp đỡ người dân thực hiện các giải pháp ứng phó với diễn biến của ATNĐ.
Tin, ảnh: THÚY AN