Đi không được, ở chẳng xong   

Chúng tôi trở lại tâmTà Cạ, chứng kiến những vết tích vẫn hằn rõ nơi đây. Dòng suối Huồi Giảng cạn trơ, nhấp nhô những khối đá, cây cối ngổn ngang. Những ngôi nhà đổ sập, đất đá vùi lấp quá nửa, phía trên là những dãy núi lộ rõ vết nứt kéo dài. Ngồi bên ngôi nhà được dựng tạm, bà Lô Thị Tâm vẫn chưa hết bàng hoàng khi nhớ lại trận lũ kinh hoàng ập đến, san lấp 3 căn nhà của mẹ con bà và hàng chục nhà dân khác. Thế nhưng, điều bất an hơn cả là mùa mưa sắp đến, bà chưa biết ở đâu. “Đầu tiên đi họp, họ nói phải đi nơi khác, không cho ở đây nữa, từ 2 đến 6 tháng sẽ có nơi ở mới, nhưng đến bây giờ vẫn không có. Không có nhà ở, mọi người phải đi ở trọ, giáp Tết không biết làm thế nào thì bảo con về sửa lại nhà cũ để ở tạm. Nhà tôi còn có hai người con mất nhà cửa, hiện chúng đang phải đi ở nhờ bên trường mầm non”, bà Tâm buồn rầu cho biết.

Cũng giống như gia đình bà Tâm, gia đình anh Lô Thành Tâm đang phải ở tạm trong ngôi nhà xiêu vẹo bởi sự tàn phá của trận lũ. Anh Tâm vừa nói vừa thở dài: “Chính quyền địa phương thông báo nhà tôi nằm trong diện phải di dời, nhưng chúng tôi cũng chẳng biết phải di dời đi đâu và khi nào đi. Tết vừa rồi, gia đình phải đi ở trọ, nay thì phải về đây ở tạm, gia đình cũng rất sợ, trời mưa to, nước về lại phải chạy đến nhà anh em để trú ẩn thôi”. Không có sự lựa chọn, gia đình bà Lô Thị Tâm, gia đình anh Lô Thành Tâm cũng như hàng chục hộ dân khác đang phải “đánh đu” với “tử thần” bên dòng suối Huồi Giảng.

leftcenterrightdel
  Hàng chục hộ dân vẫn đang phải sống tạm bợ trong những ngôi nhà xiêu vẹo sau khi trận lũ đi qua.

Năm 2017, chồng đột ngột qua đời khi con gái thứ hai chưa tròn một tuổi, đầu năm 2022, chị La Thị Vân, giáo viên Trường Mầm non xã Tà Cạ từ đồng lương chắt bóp được cùng với vay mượn anh em họ hàng đã hoàn thành xây dựng ngôi nhà có diện tích 100m2, trị giá hơn 400 triệu đồng. Vào nhà mới chưa được bao lâu thì trận lũ quét ập đến. Trong chốc lát, toàn bộ tài sản cùng ngôi nhà bị dòng nước lũ nuốt chửng. Hơn 6 tháng nay, 3 mẹ con chị phải tá túc tạm trong căn phòng của Trường Mầm non xã. Gặp chúng tôi, chị nói trong nước mắt: "Lúc xảy ra lũ quét, cấp ủy, chính quyền địa phương và các đoàn công tác của tỉnh nói với các hộ dân chúng em là sẽ xây khu tái định cư, nhưng đến nay vẫn chưa thấy triển khai thêm gì cả, cũng không biết khu tái định cư đó ở đâu. Thời điểm đó cũng gần Tết, em nghĩ ở đây tạm cho qua Tết, đến nay, mùa mưa sắp đến rồi, em cũng lo lắm, nhưng tới đâu để có nơi ở an toàn thì chưa thấy địa phương thông báo gì”.

Bối rối vì thủ tục

Trở lại Tà Cạ, hiện trạng trước mắt chúng tôi ngay phía trên đỉnh núi khu vực tâm lũ xuất hiện nhiều vết nứt lớn, nguy cơ trôi trượt xuống nhà dân bất kỳ lúc nào. Thế nhưng đi đâu, đi thế nào đang là bài toán với người dân khi đã tay trắng sau lũ quét. Còn nhớ ngay khi lũ xảy ra, Chủ tịch UBND tỉnh Nghệ An Nguyễn Đức Trung đã tức tốc có mặt ở vùng lũ, trực tiếp thăm hỏi, động viên nhân dân và chỉ đạo công tác cứu hộ, khắc phục mưa lũ. Vì sự an nguy của người dân, Chủ tịch UBND tỉnh Nghệ An chỉ đạo các đơn vị chức năng, chính quyền địa phương phải rà soát khu vực dân cư, nơi có nguy cơ sạt lở, lũ ống, lũ quét, kịp thời di dời và tính toán những vị trí để quy hoạch tái định cư cho người dân. Thế nhưng, đến thời điểm này, việc thực hiện tái định cư vẫn đang trong giai đoạn làm thủ tục.

Ngày 31-12-2022, UBND huyện Kỳ Sơn đã ban hành Quyết định số 864/QĐ-UBND về việc “Phê duyệt quy hoạch chi tiết tỷ lệ 1/500 xây dựng cơ sở hạ tầng khu tái định cư di dời khẩn cấp cho nhân dân thị trấn Mường Xén và xã Tà Cạ”. Dự kiến tổng kinh phí đầu tư dự án khoảng 94 tỷ đồng, bao gồm nguồn hỗ trợ từ vốn ngân sách tỉnh 30 tỷ đồng, từ Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam tỉnh 25 tỷ đồng, từ doanh nghiệp 10 tỷ đồng và các nguồn vốn hợp pháp khác. Trước mắt, giai đoạn 1 sẽ bố trí kinh phí 35 tỷ đồng để triển khai tái định cư tại bản Cầu Tám, xã Tà Cạ, thời gian thực hiện từ năm 2022-2023. Trao đổi với chúng tôi, đồng chí Thò Bá Rê, Phó chủ tịch UBND huyện Kỳ Sơn cho biết: “Mùa mưa đang đến gần, địa phương rất cần một quyết sách đúng theo tinh thần khẩn cấp. Hiện nay, huyện đang xúc tiến làm khu tái định cư. Lúc đầu huyện xác định thời gian khoảng 6-9 tháng là làm xong khu tái định cư, nhưng quá trình triển khai đến bây giờ còn phụ thuộc vào văn bản, hướng dẫn của các ngành thẩm định. Tại thời điểm này, chúng tôi cũng chưa thể khẳng định lúc nào làm được, vì huyện không quyết định được thời gian”.

Khi phóng viên cho rằng đây là dự án cấp bách, nhưng triển khai như vậy là rất chậm, lãnh đạo UBND huyện Kỳ Sơn cho biết: Lúc đầu triển khai theo dự án cấp bách, nhưng khi triển khai trình đi trình lại thì không phải dự án cấp bách. Bản chất là cấp bách nhưng thủ tục lại phải theo quy định của đầu tư công, có những văn bản 6 tháng mới hoàn thành được. Hiện chỉ còn khoảng hai tháng là đến mùa mưa, chúng tôi cũng rất mong các ngành nhanh chóng xúc tiến các thủ tục để sớm có kinh phí triển khai... 

Mới đây nhất, Sở Tài chính tỉnh Nghệ An đã có văn bản đề nghị Ban vận động Quỹ Vì người nghèo và cứu trợ tỉnh, UBND, Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam huyện Kỳ Sơn chịu trách nhiệm và bảo đảm tính chính xác về số liệu, cung cấp để UBND tỉnh Nghệ An thực hiện chủ trương sử dụng nguồn kinh phí đóng góp tự nguyện trên để xây dựng khu tái định cư tại huyện Kỳ Sơn.

Mặc dù người dân không được phép tiếp tục sinh sống ở vùng tâm lũ, thế nhưng sau trận lũ quét năm 2022, hàng trăm hộ dân bị hư hỏng nhà cửa, hàng chục hộ dân mất nhà hoàn toàn, giờ không biết đi đâu. Mùa mưa đang đến gần, chính quyền, các ngành chức năng tỉnh Nghệ An cần có quyết sách kịp thời, theo đúng tinh thần cấp bách, nhằm bảo đảm tính mạng cũng như sự “an cư lạc nghiệp” của hàng chục hộ dân sau mưa lũ.         

Bài và ảnh: HOÀNG KHÁNH TRÌNH