Khi xảy ra cháy nhà, nhất là ở khu đông dân, lực lượng cứu hỏa dù có nhanh đến mấy cũng khó có thể dập cháy, cứu người ngay mà chủ yếu là chống cháy lan. Do đó, điều quan trọng nhất là mỗi người dân, gia đình phải thường xuyên và đặc biệt coi trọng công tác phòng cháy.
Diệt ngay mầm mống “hỏa tặc”
Như ở bài viết trước chúng tôi đã đề cập: “Giặc lửa” luôn có ở mỗi nhà, chỉ cần chúng ta sơ hở, bất cẩn là có thể xảy ra cháy. Muốn tránh hỏa hoạn, các gia đình phải luôn chủ động tìm diệt những nguy cơ gây cháy ở bên trong và cả xung quanh nhà mình.
Theo các chuyên gia về PCCC, việc trước tiên là từng gia đình phải "quản chặt" các nguồn lửa, tiếp đó là ngăn chặn nguồn lửa tiếp xúc với các vật liệu bám cháy.
Về nguồn lửa gây cháy trong nhà, chủ yếu là từ hệ thống điện và bếp đun nấu, thắp hương, đốt vàng mã, tàn thuốc lá, hàn xì khi thi công, sửa chữa... Theo khuyến cáo của Bộ Công an, các gia đình phải thiết kế, bố trí hệ thống điện bảo đảm chất lượng và có khả năng chịu tải lớn, lắp aptomat tổng và từng khu vực để tự động ngắt điện khi quá tải, không để chập cháy. Trường hợp hệ thống điện đã cũ, chủ nhà cần kịp thời có phương án khắc phục nhằm tránh những nguy cơ có thể xảy ra chập cháy. Đặc biệt, tránh sử dụng nhiều thiết bị điện có công suất lớn vào cùng một ổ cắm; trước khi mua thêm thiết bị điện để sử dụng cần kiểm tra khả năng chịu tải của dây dẫn, ổ cắm; không câu móc điện tùy tiện; thường xuyên kiểm tra, sửa chữa, thay thế thiết bị điện và mạng điện, bếp gas hư hỏng; tuyệt đối tránh suy nghĩ đơn giản “dùng tạm rồi sửa sau” vì cháy có thể xảy ra ngay sau đó. Khi sử dụng bàn là, đun nấu và thắp hương, đốt vàng mã, hàn xì... phải có người lớn túc trực đến lúc tắt hết các nguồn nhiệt có thể gây cháy.
 |
Nhiều nhà ở phố Nguyễn Văn Tố (Hoàn Kiếm, Hà Nội) làm “chuồng cọp” bịt kín phía trước nhà, vừa khó thoát hiểm, vừa gây khó khăn cho công tác chữa cháy và cứu nạn nếu xảy ra hỏa hoạn. |
Cùng với "quản chặt" nguồn lửa, các gia đình phải tuân thủ nguyên tắc không để hàng hóa, vật dụng dễ cháy gần bếp nấu, nơi thắp hương, đèn dầu-nến và các thiết bị điện sinh nhiệt, các công tắc, ổ cắm điện... đề phòng tình huống chập điện hoặc đổ nến, đổ đèn dầu. Cần thực hiện chế độ dọn nhà thường xuyên, xếp đặt ngăn nắp và loại bỏ những vật dụng không cần thiết; tuyệt đối không tích trữ xăng dầu, bình gas trong nhà...
Quá trình tìm hiểu viết loạt bài này, chúng tôi thấy có một hiện tượng cần cảnh báo, đó là ở nhiều ngôi nhà cũ, gia chủ hoặc người thuê nhà thường dán giấy hoặc tấm nhựa xốp lên tường (phủ cả đường dây điện) cùng với bố trí nhiều đèn điện để trang trí. Trong khi đó, hệ thống điện ở những ngôi nhà cũ đã xuống cấp, rất dễ chập cháy và bắt lửa ngay vào giấy, nhựa xốp dán tường này...
Nói về việc phòng cháy trong gia đình, cựu chiến binh Phạm Xưởng ở phường Việt Hưng (Long Biên, Hà Nội) nêu kinh nghiệm: “Việc triệt tiêu nguy cơ “hỏa tặc” ở mỗi nhà là quan trọng nhất. Mọi người cần hết sức cảnh giác, nhất là người đàn ông phải thường xuyên kiểm tra, rà soát, để ý đến. Đặc biệt, cần thực hiện chế độ kiểm tra an toàn hằng ngày trước lúc đi ngủ, trước khi đóng cửa ra khỏi nhà và hằng tuần dành thời gian kiểm tra kỹ các nguy cơ gây cháy cả bên trong và xung quanh nhà. Nhiều gia đình chỉ mải lo làm ăn, về đến nhà là ngủ nghỉ, giải trí, ít để ý việc này; khi xảy ra cháy là mất tất cả”.
Khắc phục “nhà không lối thoát”
Nhà không có lối thoát hiểm là nguyên nhân chính dẫn đến nhiều người thiệt mạng trong các vụ cháy. Theo Đại úy Nguyễn Danh Luân, cán bộ Phòng Tuyên truyền và Xây dựng phong trào toàn dân PCCC và cứu nạn, cứu hộ (CNCH) thuộc Cục Cảnh sát PCCC&CNCH (Bộ Công an), đây là một bất cập lớn từ quy hoạch, kiến trúc và tâm lý chỉ coi trọng “chống trộm”, làm ảnh hưởng không nhỏ đến công tác PCCC&CNCH, nhất là đối với nhà đô thị. Như ở Hà Nội, qua khảo sát cho thấy có hàng trăm nghìn ngôi nhà mặt đường, nhà trong khu vực đô thị chỉ có lối duy nhất để thoát hiểm là cửa ra vào ở tầng trệt.
 |
Các gia đình cần trang bị bình chữa cháy và hướng dẫn cách sử dụng cho các thành viên để kịp thời dập lửa khi xảy ra sự cố, không để xảy ra cháy lớn. |
Làm thế nào để khắc phục tình trạng nhà không lối thoát hiểm? Theo tìm hiểu của chúng tôi, hiện nay pháp luật nước ta chưa có quy định bắt buộc việc xây dựng nhà ở riêng lẻ phải có lối thoát hiểm. Thiết nghĩ, đây là “lỗ hổng” lớn, nên trước hết, Nhà nước cần sớm ban hành quy định nhà ở của dân phải có ít nhất 2 lối thoát hiểm như khuyến cáo của lực lượng PCCC&CHCN. Khi có quy định này, thiết kế nhà phải tuân thủ mới được cấp phép xây dựng; nhà đã xây mà không có lối thoát hiểm thì phải cải tạo, bổ sung.
Trao đổi với nhiều người có “nhà ống” ở đô thị, chúng tôi thấy đa số bày tỏ sẵn sàng đục tường, hoặc cải tạo cửa sổ, “chuồng cọp” để làm lối thoát hiểm, nhưng vẫn lo sợ... trộm đột nhập! Tuy nhiên, giải quyết vấn đề này không quá khó vì hiện đã có nhiều loại thiết bị báo động cùng với các loại khóa cửa hiện đại để chống trộm. Vì thế, kể cả khi chưa có quy định bắt buộc phải để cửa thoát hiểm thì các gia đình cũng nên làm ngay, bởi nếu cháy nhà mà mọi người không thoát ra nhanh thì chỉ vài phút là bất tỉnh, thiệt mạng vì ngạt khói. Thực tế, lực lượng PCCC&CHCN rất khó có thể cứu được các nạn nhân trong những ngôi nhà không có lối thoát hiểm.
Gia đình “diễn tập” tình huống cháy
Đó là cách làm rất hay, đơn giản mà đem lại giá trị không gì so sánh được-sự an toàn tính mạng, tài sản của cả gia đình. Chúng tôi rất tâm đắc với kinh nghiệm của anh Phan Trọng Phẩm, nhân viên Công ty K.I.P có trụ sở ở Hà Nội. Anh Phẩm bộc bạch: “Được dự buổi tập huấn về PCCC do công ty tổ chức, tôi thực sự giật mình vì lâu nay cả gia đình chưa biết gì về PCCC. Về nhà, tôi vào mạng mở những video clip hướng dẫn về PCCC, cách thoát nạn khi xảy ra cháy cho vợ con xem. Sau đó, cả gia đình cùng bàn phương án “nhà mình phải làm gì để phòng cháy?”, “khi xảy ra sự cố cháy thì sẽ phản ứng thế nào, thoát khỏi nhà ra sao?”... Thấy ai cũng hứng thú với chủ đề này, nhất là hai con nhỏ, tôi tổ chức cho gia đình “diễn tập” ứng phó với một số tình huống cháy trong nhà. Từ đó, mọi người đều có ý thức cảnh giác phòng cháy. Thi thoảng, tôi lại đố các con về cách xử lý khi có tình huống cháy trong nhà và cháy khi đang ở trường học, trong siêu thị... Nếu gia đình nào cũng có ý thức và kiến thức PCCC, có kỹ năng thoát hiểm thì chắc chắn số vụ hỏa hoạn và thiệt hại do cháy gây ra sẽ giảm rất nhiều”.
 |
Không chỉ ở trong nhà mà các gia đình cần thường xuyên kiểm tra, kịp thời khắc phục những nguy cơ cháy ở xung quanh nhà mình. |
Có thể khẳng định, tinh thần cảnh giác, sự chủ động đề phòng, ứng phó với “hỏa tặc” của mỗi người, mỗi gia đình là yếu tố quyết định đến hiệu quả của công tác PCCC, nhất là trong việc triệt mầm mống “hỏa tặc” từ sớm. Tuy nhiên, để mọi người, mọi nhà đều có ý thức thường trực về phòng cháy, biết cách PCCC và ứng phó kịp thời, hiệu quả, giảm tối đa thiệt hại khi xảy ra cháy, nhiều địa phương đã có cách làm hay mà chúng tôi sẽ phản ánh ở bài viết sau.
“Lâu nay, hầu hết người dân mải mê làm ăn để kiếm tiền tích lũy, rồi đầu tư mua các loại bảo hiểm... Nhưng ít người tính đến việc chỉ cần chủ quan, sơ sẩy trong PCCC thì tất cả tài sản, mạng sống của gia đình đều biến thành tro tàn. Vì thế, cần quan tâm đầu tư cho việc PCCC để bảo đảm sự an toàn cho cả gia đình. Ngoài việc luôn cảnh giác, triệt tiêu ngay những nguy cơ gây cháy, các gia đình cần chuẩn bị đầy đủ dụng cụ chữa cháy và thoát hiểm, như bình cứu hỏa, thiết bị cảnh báo cháy, cảnh báo rò rỉ khí gas, thang hoặc dây thoát nạn... Tuyệt đối không chủ quan, đơn giản trong công tác PCCC. Mong các gia đình hãy tận dụng thời gian giãn cách xã hội phòng dịch Covid-19 này để kiểm tra, rà soát và bàn về PCCC ở nhà mình”, Thiếu tướng Nguyễn Tuấn Anh, Cục trưởng Cục Cảnh sát PCCC&CNCH (Bộ Công an). |
(còn nữa)
BÀI VÀ ẢNH: NHÓM PHÓNG VIÊN QPAN