Để tìm hiểu thêm cuộc thi cũng như những vấn đề liên quan đến văn học về đề tài công nhân hiện nay, phóng viên Báo Quân đội nhân dân đã trò chuyện với nhà văn Y Ban, Trưởng ban Sơ khảo, thành viên ban Chung khảo cuộc thi.

PV: Những năm gần đây, đề tài văn học công nhân, công đoàn vắng bóng tác phẩm nổi bật. Theo bà, đâu là nguyên nhân của thực trạng này?

leftcenterrightdel
Nhà văn Y Ban. 

Nhà văn Y Ban: Thuở vàng son của dòng văn học đề tài công nhân là thời kỳ kinh tế kế hoạch hóa, nổi lên là những tác phẩm như: “Vùng mỏ” của Võ Huy Tâm, “Suối gang” của Xuân Cang... Thời đó, có những nhà văn chính là công nhân, hoặc họ sống đến vài năm với công nhân, thâm nhập thực tế, để có chất liệu, trải nghiệm. Ngoài ra, các nhà văn được tạo điều kiện tối đa vì các nhà máy, công xưởng hiểu được giá trị của văn chương với đời sống công nhân nói riêng và xây dựng đời sống tinh thần của xã hội nói chung.

Về sau này, đề tài văn học công nhân ít được chú trọng phát triển. Đầu tiên là nhà văn khó thâm nhập thực tế, phải phụ thuộc lãnh đạo cơ sở sản xuất có yêu mến văn chương, có hiểu về công việc sáng tạo của nhà văn để tạo điều kiện hay không. Tâm lý e ngại do phải giữ bí mật về dây chuyền sản xuất, sản phẩm... nhất là với các doanh nghiệp tư nhân, không phải là hiếm. Ngoài ra, nhà văn còn có nhiều đề tài, hình tượng hấp dẫn, thú vị khác cần khám phá. Không có nhiều cơ hội thâm nhập thực tế, đề tài công nhân cũng không phải máu thịt của nhà văn để họ bám vào; đây là mấu chốt lý giải vì sao đề tài này vắng bóng những tác phẩm tầm cỡ, có tiếng vang.

PV: Việc các cơ quan liên quan tổ chức cuộc thi sáng tác văn học về đề tài công nhân, công đoàn có ý nghĩa như thế nào, thưa bà?

Nhà văn Y Ban: Điều lớn nhất của cuộc thi là kích hoạt năng lượng tích cực trong nhiều cây bút để sáng tác về đề tài công nhân. Trong thời gian diễn ra cuộc thi họ đã viết ra được tác phẩm tâm huyết. Tác phẩm đó sẽ gắn với tên tuổi của họ không chỉ trong thời điểm cuộc thi mà cả về sau. 

Cuộc thi sáng tác văn học về công nhân, công đoàn (2021-2023) với hai thể loại tiểu thuyết và truyện ngắn đã khép lại nhưng những tiềm năng, những hứa hẹn thì đang mở ra. Vì trong quá trình chúng tôi chấm, đến một nửa tác giả dự thi là cây bút không chuyên. Cuộc thi như... barie, khi họ vượt qua được thì “cánh cửa” sẽ mở ra. Những nhà văn không chuyên, họ đã vượt được qua, đã viết được tác phẩm, đã tìm được cách đi thì họ sẽ tiếp tục sáng tác.

Cũng phải khẳng định, đề tài này có rất nhiều cái hay cho người viết khai thác. Chẳng hạn, người công nhân bây giờ cần rất nhiều tri thức, phải am hiểu về các vấn đề để bảo đảm an toàn lao động, nâng cao năng suất... Khi máy móc đã thay thế nhiều lao động thì công nhân phải tự nâng cao trình độ của mình để bắt kịp thời cuộc. Công việc và đời sống của người công nhân, môi trường xã hội xung quanh họ đã thay đổi. Vì thế, nhà văn cần phải khám phá vỉa tầng mới, hiểu được đời sống, công việc của công nhân hôm nay. Sự hiểu biết đó chính là nguồn tư liệu thực tế quý báu để người cầm bút sáng tác. Đặc biệt, khi người viết là người trong cuộc thì họ càng dễ dàng hơn trong việc viết về chính công việc của mình. Trong cuộc thi này, những cây bút là công nhân, cán bộ công đoàn còn vụng về trong văn chương chữ nghĩa nhưng sau cuộc thi có thể tin tưởng họ viết sẽ lên tay.

PV: Bà đánh giá chất lượng cuộc thi lần này như thế nào?

Nhà văn Y Ban: Cuộc thi văn chương đích thực không phải lúc nào cũng “được mùa”. Hằng năm, chúng tôi ngồi chấm nhiều cuộc thi, thường các cuộc thi mang tính đề tài, chất lượng văn chương không quá nổi bật. Ở cuộc thi này, việc đầu tiên chúng tôi phải lưu ý, chính là đề tài. Đã nói đến cuộc thi thì cuộc nào cũng kèm yếu tố may mắn. Cuộc thi về công nhân, công đoàn lần này chúng tôi may mắn có được những tác phẩm bảo đảm được tính văn chương mà vẫn bám sát đề tài.

Ban giám khảo đều là các nhà văn chuyên nghiệp, chúng tôi làm việc với tinh thần chuyên nghiệp cao nhất. Rọc phách, đọc kỹ lưỡng, công tâm. Khi đã ngồi “ghế nóng” thì tâm thế nhà văn-giám khảo là luôn phải tìm được những tác phẩm chất lượng nhất. Bởi vì chúng tôi hiểu, cuộc thi khép lại nhưng tác phẩm sẽ đến với công chúng. Lúc đó, độc giả sẽ đọc và soi xét lại ban giám khảo, ban tổ chức. Nếu tác phẩm hay thì họ sẽ nói là ban giám khảo công tâm, ban tổ chức đã trao thưởng cho tác phẩm xứng đáng và ngược lại.

Cuộc thi lần này một nửa là cây bút chuyên nghiệp, về kỹ thuật viết của họ rất tốt. Nhưng về tính tươi mới của cảm xúc, sự chuyên sâu của đề tài thì những cây bút không chuyên lại ấn tượng hơn, bởi vì họ đắm mình trong nghề nghiệp, công việc của họ. Anh tổ trưởng công đoàn như thế nào, người công nhân ra làm sao thì chỉ có người viết là người trong cuộc mới viết hấp dẫn. Ví dụ như tiểu thuyết “Hoa xương rồng” của Nguyễn Trí đoạt giải Nhất, mặc dù câu chữ của anh ấy không thiên về kỹ thuật nhưng đọc thích vô cùng, vì chất sống của đời sống công nhân ngồn ngộn, hấp dẫn... Hay sự chuyển mình của đời sống người công nhân như thế nào, đã tha hóa ra sao. Nhưng cuối cùng họ đã tự nhận thức, tự sửa mình như thế nào. Ban đầu đọc tác phẩm thấy hỗn độn vô cùng, nhưng sau đó lại mở ra nhiều thứ rất đáng để suy ngẫm.

leftcenterrightdel
Lãnh đạo Ban Dân vận Trung ương và Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam trao thưởng cho hai tác giả đoạt giải nhất cuộc thi. Ảnh: NGUYỄN HẢI 

 

PV: Một điểm chung của nhiều cuộc thi văn học nghệ thuật hiện nay là việc quảng bá tác phẩm chưa hiệu quả. Theo bà cần có hướng khắc phục vấn đề này như thế nào?

Nhà văn Y Ban: Văn hóa đọc nói chung và văn chương nói riêng đang phải cạnh tranh với văn hóa nghe nhìn, mạng xã hội... Tôi nghĩ rằng những tác phẩm được giải thì cần được in, phát hành. Cuộc thi khép lại mà tác phẩm không đến tay bạn đọc thì đáng tiếc vô cùng. Các nhà văn được giải họ cũng sẽ không để tác phẩm “ngủ yên”, họ sẽ in ấn, sẽ ra mắt... Chính mỗi người viết sẽ lan tỏa, tự lan tỏa, nhưng nếu như ban tổ chức cuộc thi đứng ra đồng hành, giúp đỡ thì sẽ tốt hơn và hiệu quả hơn. Ví dụ như in sách, lập tủ sách cho các nhà máy, công ty để tác phẩm viết về công nhân sẽ đến được với chính công nhân. Họ sẽ thấy bóng dáng mình ở trong đó và sẽ yêu nghề của mình hơn, thậm chí họ có thể soi vào đó để sửa mình, họ sẽ thấy cái gì quan trọng hơn, tiền hay là lương tâm, liêm sỉ của con người. Vì văn chương luôn luôn làm cho con người hướng đến sự tốt đẹp. Bên cạnh đó, chúng ta cũng có thể hòa nhập được với văn hóa nghe nhìn bằng cách sân khấu hóa, dựng các sản phẩm đăng tải trên mạng xã hội, nếu bản thảo phù hợp có thể làm phim...

PV: Để tiếp tục nuôi dưỡng dòng văn học về công nhân, công đoàn, các cơ quan liên quan cần làm gì?

Nhà văn Y Ban: Cuộc thi vừa rồi đã có tính quảng bá, khích lệ, nuôi dưỡng cho dòng văn học đề tài công nhân. Các cơ quan liên quan nên tổ chức cho người viết đi nhiều nơi để gia tăng không khí sáng tác, khơi gợi tiềm năng trong mỗi người, thậm chí cần mở rộng đề tài, thể loại. Đây là đề tài hay, có biên độ rộng, ẩn chứa rất nhiều câu chuyện sâu sắc, thú vị, còn nhiều góc nhìn, khía cạnh chưa được khai thác, khám phá. Đề tài này cũng đưa đến nhiều khơi gợi để người công nhân hay cán bộ công đoàn tự nói về mình và cảm thấy yêu nghề của mình hơn; để họ và cả chúng ta soi mình vào đó. Thậm chí, các doanh nghiệp, công ty cũng có thể phát động những cuộc thi viết trong chính cơ sở của họ và mời những cây bút chuyên nghiệp đánh giá để người công nhân, cán bộ công đoàn sẽ có thêm cơ hội viết về chính họ, lan tỏa chính họ bằng văn chương.

PV: Trân trọng cảm ơn bà!

VÂN HÀ - KIM NHUNG (thực hiện)

* Mời bạn đọc vào chuyên mục Văn hóa xem các tin, bài liên quan.