“Họa tình nhân gian” do ê-kíp biên đạo của Trường Đại học Văn hóa Nghệ thuật Quân đội đồng sáng tác (tác giả kịch bản, biên đạo: Đại tá, Nghệ sĩ Nhân dân (NSND) Lữ Thị Kiều Lê cùng các biên đạo: Đại tá, Nghệ sĩ Ưu tú (NSƯT) Nguyễn Thị Hiền Trang; Thượng tá, NSƯT Phạm Thanh Tùng và Trung tá, NSƯT Nguyễn Thị Thanh Hằng; âm nhạc: Cao Xuân Dũng, Hoàng Hướng; thiết kế mỹ thuật: Hoàng Dũng), lấy cảm tác từ tranh khắc gỗ dân gian Đông Hồ-biểu tượng cho văn hóa truyền thống và lịch sử Việt Nam, đến tài hoa nghệ nhân và thăng trầm của một làng nghề.
|
|
Cảnh trong tác phẩm thơ múa “Họa tình nhân gian”. Ảnh: THANH HÀ
|
Theo đánh giá của Hội đồng giám khảo liên hoan, việc khéo léo khai thác các thủ pháp sáng tác múa trong “Họa tình nhân gian” đã tạo ra một tác phẩm nghệ thuật biểu đạt bằng ngôn ngữ múa rất đương đại mà đậm bản sắc Việt. Việc sử dụng các vũ điệu truyền thống đặc trưng của dân tộc Kinh (Việt) như: Trống bồng, guộn ngón, guộn đèn, đi lướt... được kết hợp hài hòa, tinh tế với những chuyển động mang tính ngẫu hứng của múa hiện đại đã làm nổi bật lên không chỉ những nét đặc trưng của văn hóa Việt Nam mà còn phản ánh được nhịp sống đương đại hối hả. Bằng ngôn ngữ động tác múa mang tính ước lệ đã mô phỏng các hoạt động khắc ván gỗ, làm giấy, pha màu, vẽ, in tranh... một cách tự nhiên, chân thực, góp phần tái hiện đầy đủ, sinh động về làng nghề trong quá khứ cũng như hiện tại. Sự kết hợp này không chỉ giữ được vẻ đẹp truyền thống mà còn thổi vào đó hơi thở mới của thời đại. Đội ngũ biên đạo đã thành công trong việc duy trì sự cân bằng giữa dân gian và hiện đại nhờ kết hợp xử lý vừa độ các chuyển động của hai thể loại múa cũng như các thủ pháp sáng tác, góp phần mang đến một tác phẩm thơ múa vừa giữ được nét văn hóa dân tộc vừa phản ánh được sự tiếp biến và đổi mới trong nghệ thuật múa đương đại. Tác phẩm không chỉ tôn vinh văn hóa truyền thống mà còn khẳng định sự phát triển và sáng tạo không ngừng của nghệ thuật múa Việt Nam trong bối cảnh đương đại.
Trong “Họa tình nhân gian”, hình ảnh 3 thế hệ: Lão nghệ nhân, con trai và em bé Đông Hồ thể hiện nỗi lòng đau đáu về việc giữ gìn, phát huy truyền thống của làng nghề Đông Hồ. Nhân vật em bé Đông Hồ trong thơ múa như một biểu tượng cho tương lai, là lời nhắc nhớ về tầm quan trọng của việc duy trì truyền thống cha truyền con nối. Tác phẩm không chỉ tái hiện một cách sống động quá khứ thịnh đạt của làng nghề mà còn gửi gắm vào đó niềm hy vọng và trách nhiệm của thế hệ trẻ trong việc kế thừa, phát triển di sản văn hóa này. Điều này có ý nghĩa đặc biệt trong việc duy trì mối liên kết giữa người trẻ với nguồn cội văn hóa của họ, thúc đẩy sự tiếp nhận, kế thừa và sáng tạo từ những giá trị truyền thống.
Có một điểm khá thú vị và đặc biệt trong quá trình sáng tác đã được biên đạo, NSND Kiều Lê chia sẻ: “Vì thời gian chuẩn bị cho tác phẩm tham gia liên hoan không nhiều nên thay vì đợi nhạc sĩ viết nhạc, chúng tôi đã chủ động sáng tạo trước toàn bộ phần múa, xong phần nào là gửi ngay tới nhạc sĩ để lấy ý tưởng sáng tác âm nhạc cho phần đó”. Quy tắc thông thường trong sáng tác múa là biên đạo lên kịch bản và âm nhạc được tạo ra trên nền ý tưởng, sau đó biên đạo sẽ lấy cảm hứng âm nhạc để xây dựng các vũ đạo cho phù hợp. Tuy nhiên, “Họa tình nhân gian” đã đi ngược lại quy tắc này, tạo ra một phương thức sáng tạo độc đáo và mới mẻ.
Có thể thấy, “Họa tình nhân gian” không đơn thuần là một tác phẩm nghệ thuật mà bằng cách làm sống lại những ký ức và giá trị của làng nghề tranh Đông Hồ, tác phẩm còn là lời nhắc nhở về trách nhiệm của chúng ta trong việc duy trì và phát triển các giá trị truyền thống trong cuộc sống hiện đại, khơi dậy lòng tự hào về văn hóa dân tộc, đặc biệt đối với những giá trị nghệ thuật truyền thống. Điều này không chỉ tạo ra tác động tích cực trong việc nâng cao nhận thức về di sản văn hóa mà còn góp phần thúc đẩy sự phát triển của các hoạt động nghệ thuật truyền thống trong xã hội hiện đại. Mặt khác, “Họa tình nhân gian” cũng là một minh chứng cho sự sáng tạo không ngừng của nghệ thuật nói chung và nghệ thuật múa nói riêng, như một nguồn động lực khuyến khích các nghệ sĩ, biên đạo tiếp tục khai thác những yếu tố truyền thống để sáng tạo ra các tác phẩm mới, góp phần làm phong phú thêm nền nghệ thuật đương đại, phát huy tốt hơn nữa bản sắc văn hóa Việt trong dòng chảy không ngừng của thời gian.
LÊ THỊ QUỲNH PHƯƠNG
*Mời bạn đọc vào chuyên mục Văn hóa xem các tin, bài liên quan.