“Sao không đánh thức con dậy! Hu hu! Hôm nay thứ năm con vẫn đi học cơ mà! Giờ mới gọi con dậy thì muộn mất rồi. Hu hu, mẹ ơi! Mẹ đâu rồi?”. Tức mình, nó ngồi bệt xuống ngay cửa phòng ỉ ôi bài “cải lương” cùng với tiếng ti vi chào buổi sáng inh ỏi cả nhà.
Cha nó ngoài sân rời chỗ mấy con chim để tưới cây. Mấy con chim thường ngày mùa hè vẫn treo lủng lẳng dưới giàn lan. Nó tài lắm, đêm ngủ chỉ đứng mỗi chân, còn cái đầu thì ngoẹo vào ủ trong cánh. Lúc mỏi thì đổi bên. Hừng đông mưng mửng sáng, nó đã ríu rít gọi ngày. Khác với thằng Tũn lúc ngủ thì tít mít, dang rộng chân tay chiếm chỗ cả giường. Không có người gọi thì đố biết mà tự thức dậy. Mấy lần mẹ nó so sánh giữa nó với chim, nó lỏn lẻn cười như mình là người có lỗi. Nhưng rồi, đâu vẫn cứ vào đấy.
Nghe thằng Tũn hờn dỗi nhưng cha thằng Tũn biết mẹ nó vắng nhà nên dịu giọng vọng vào vừa đủ: “Con đi học, sao không bảo cha từ tối qua. Bình thường, thứ năm các con đâu đi học?”. Như chọc đúng nỗi hờn tủi của nó vì vắng mẹ, nó vùng vằng trút giận, bảo: “Ngày nào con đi học mẹ cũng đánh thức con dậy sớm để ôn bài rồi soạn sách vở, rồi mặc quần áo, rồi ăn sáng nữa chứ! Sao cha không làm như mẹ giùm con cái đi. Lại còn trách con không nhắc từ tối qua là sao?”. Một loạt rồi, rồi… dài ngoằng như dây muống.
Mẹ nó thường ít ngủ. Sáng sáng, lúc mấy con chim ríu rít dưới giàn lan, mẹ nó thức dậy nhẹ nhàng đeo giày mở cửa bước ra đường. Ngoài trời đã sáng hẳn. Đèn đường đã tắt, ngõ phố lao xao. Người đi bộ ngược xuôi chuyện trò rối rít. Nói là đi bộ cho sang chớ thực ra trong nhà đều biết mẹ Tũn thong dong tới chợ lúc mờ sáng mỗi ngày đều đặn thế.
Thường ngày, mẹ vẫn hỏi: “Mai Tũn ăn gì để mẹ mua?”. Tũn dễ tính, ăn gì cũng được. Anh Hai nó thì hay chê hơn nên nói nhanh: “Mẹ mua cho Hai cái gì thì con ăn cái đó, đừng cay và đừng có rau là được”. Con nói thế có mẹ nào mà không biết nết ăn từng đứa!
Mẹ đi chợ về tới nhà là ràn rạt những tiếng kêu: “Hai anh em đâu rồi, dậy nào. Chuẩn bị ăn sáng còn đi học”. Tiếng đóng cổng, tiếng gọi cửa kêu con… đã tạo thành những phản xạ trong những đứa con. Nói rồi lại lao vào làm món, bỏ áo quần giặt đêm qua đem phơi phóng, lau chùi, quét dọn trong khi mắt không ngớt quan sát việc vệ sinh, chải răng, mang áo quần của cu Tũn.
Hôm nay, mẹ vắng nhà bữa đầu tiên, mọi nếp sinh hoạt trong nhà dường như có sự xáo trộn ít nhiều, nhanh chóng nên chưa ai kịp quen. Cha nó dỗ dành: “Thôi, nín nào! Vào chải răng, rửa mặt, soạn sách vở, ăn sáng rồi đi học. Cha đã nấu mì sẵn cho con rồi đấy!”.
Rấm rứt khóc chán, một tay dụi mắt, tay còn lại vẫn cầm chiếc áo vo viên nó cởi đêm qua quấn lên cổ đi xuống phòng vệ sinh với những bước chân chầm chậm của hờn dỗi. Bỗng nó chợt ngước lên nhìn đồng hồ treo tường reo lên: “Ơ, vẫn chưa đến 6 giờ nhỉ! Thế mà con cứ tưởng đã quá giờ vào học rồi cơ đấy!”.
Mới chuyển hè mấy hôm mà nóng khủng khiếp. Nóng sang đến tận buổi sáng trong lành khu vườn nhà nó có vài thứ hoa thơm với rộn tiếng chim. Lúc Tũn ngồi vào bàn ăn sáng, một lần nữa lại lỏn lẻn cười: “Con xin lỗi, lúc ấy chưa đeo kính nên không nhìn rõ đồng hồ, mà hôm nay trời sáng quá!”. Cha nó cười cười: “Cái thằng đến là giỏi chống chế!”.
Mẹ nó vắng nhà vài hôm, tôi “chộp” câu chuyện này của cha con nhà Tũn rồi mượn cái tít của cố nhà văn Nguyễn Thi ghi lại mà thấy lòng mình rung lên nhè nhẹ!
Tản văn của NGUYỄN MINH ĐỨC