Đô thị hóa làm biến đổi môi trường văn hóa

Nhắc tới vấn đề môi trường văn hóa, Tiến sĩ (TS) Chử Thị Thu Hà, giảng viên Khoa Văn hóa dân tộc thiểu số (Đại học Văn hóa Hà Nội) không khỏi chạnh lòng khi kể cho chúng tôi công trình nghiên cứu về bảo tồn, phát huy các giá trị văn hóa truyền thống của người Dao ở Ba Vì (Hà Nội). “Văn hóa truyền thống của người Dao ở Ba Vì biến đổi quá nhiều trong bối cảnh đô thị hóa”, TS Chử Thị Thu Hà nói.

Những ngôi nhà hình quẩy tấu (giỏ đựng) ở khu nghỉ dưỡng H’Mong Village (Quản Bạ) góp phần gìn giữ nét văn hóa đặc trưng trong đời sống đồng bào Mông.

Ảnh: H’Mong Village 

Cụ thể, ngôi nhà nửa sàn nửa đất truyền thống không còn hiện hữu trong các thôn người Dao ở Ba Vì từ những năm 80 của thế kỷ 20. Đến khoảng nửa đầu thập niên 1990, cùng với xu thế chung của người Kinh và người Mường, nhiều hộ người Dao xây nhà gạch, phổ biến là nhà cấp bốn, lợp mái ngói, có mái hiên tây; đến nay nhiều nhà xây cao tầng. Cùng với cuộc sống ngày càng phát triển, nhất là trong bối cảnh giá đất nơi đây tăng lên từng ngày, người thành phố ồ ạt lên mua bán, đầu cơ... không gian sống và môi trường văn hóa của người dân bị thu hẹp lại. Do đó, đến nơi đây hầu như không thể tìm ra dấu hiệu nhận biết đó là thôn xóm của người Dao hay người Mường hoặc người Kinh. Trong các hoạt động lễ hội, tết truyền thống... thế hệ trẻ không thích, thậm chí cảm thấy tự ti khi mặc quần áo truyền thống tiếp xúc với người khác tộc. Như lời một cán bộ xã Ba Vì: “Bà không mặc, mẹ không mặc thì khó yêu cầu con mặc theo được. Hơn nữa, việc may, thêu trang phục truyền thống cũng ít được các gia đình duy trì vì vất vả, tốn thời gian, trong khi họ có thể làm việc khác để kiếm tiền mua”. Văn hóa tinh thần cũng đang có những biến đổi, từ tổ chức gia đình, dòng họ; thực hành các nghi lễ cơ bản được duy trì nhưng lớp trẻ không quan tâm, tìm hiểu; người biết ngôn ngữ, chữ viết của dân tộc mình ít dần; nghệ thuật dân gian thiếu không gian, môi trường để con người thực hành, sáng tạo... đang là những nguy cơ dẫn đến mai một bản sắc văn hóa người Dao nơi đây. “Tôi rất băn khoăn khi nghe một đồng chí nguyên cán bộ Mặt trận Tổ quốc xã Ba Vì nói: “Thời đại hiện nay là thời đại phấn đấu làm giàu nên người dân không để ý đến văn hóa truyền thống”, TS Chử Thị Thu Hà cho hay.

Chiến lược phát triển du lịch vùng phía tây của Thủ đô Hà Nội, trong đó có vùng người Dao ở Ba Vì được đầu tư phát triển trở thành một trong những trọng điểm du lịch. Thế nhưng, nếu không có giải pháp kịp thời và đúng hướng thì có thể trong tương lai không xa, bản sắc văn hóa của người Dao ở Ba Vì sẽ hòa lẫn với văn hóa đô thị hiện đại, mất đi không gian văn hóa riêng của người Dao. Đây sẽ là một thiệt thòi lớn trong sự đa dạng văn hóa, giảm giá trị trong chiến lược phát triển du lịch của Hà Nội.

Bảo vệ môi trường văn hóa để xây dựng con người văn hóa

Các thực hành văn hóa sinh hoạt (phong tục, tập quán, lối sống); thực hành văn hóa tín ngưỡng, tâm linh (thờ cúng, lễ hội, giỗ, tết, kiêng kị, ma chay...); thực hành văn hóa nghệ thuật (dân ca, nghệ thuật biểu diễn, kiến trúc, tạo hình, âm nhạc, kể sử thi...); thực hành văn hóa tri thức (kinh nghiệm sống, ẩm thực, ca dao, tục ngữ...)... là môi trường văn hóa mà con người được nuôi dưỡng, lớn lên và hình thành nhân cách cũng như phẩm chất.

Theo Giáo sư, TS Lê Hồng Lý, Chủ tịch Hội Văn nghệ dân gian Việt Nam, khác với môi trường tự nhiên, môi trường văn hóa là do con người tạo ra. Môi trường văn hóa tốt đẹp sẽ là nơi tạo nên những con người có văn hóa của dân tộc ấy. Bởi vậy, môi trường này cần được bảo vệ, củng cố và phát huy, nhằm xây dựng nên những con người văn hóa.

Một trong những mô hình cụ thể chúng tôi vừa tiếp cận khi đến với xã Hồ Thầu, huyện Hoàng Su Phì, tỉnh Hà Giang là mô hình "Hội nghệ nhân dân gian". Theo đó, hội quan tâm, thực hiện tốt chính sách, phát huy vai trò của người có uy tín, già làng, trưởng bản, nghệ nhân dân gian trong công tác bảo tồn, phát huy văn hóa truyền thống gắn với bài trừ hủ tục, tập quán lạc hậu... Từ mô hình xây dựng năm 2003 ở xã Hồ Thầu, đến nay, toàn tỉnh Hà Giang có 195 hội nghệ nhân dân gian với hơn 9.000 hội viên, trong đó có 18 người được Chủ tịch nước phong tặng danh hiệu Nghệ nhân Ưu tú trong lĩnh vực di sản văn hóa. Theo ông Nguyễn Văn Hải, Phó giám đốc Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch tỉnh Hà Giang: Thời gian qua, mô hình "Hội nghệ nhân dân gian" đã phát huy tốt vai trò trong gìn giữ, phát huy bản sắc văn hóa truyền thống của các dân tộc. Các hội viên giúp địa phương tuyên truyền, vận động nhân dân giữ gìn bản sắc văn hóa thông qua việc mở rộng môi trường thực hành lễ hội, khôi phục và tổ chức truyền dạy trình diễn nghệ thuật dân gian cho thế hệ trẻ; xây dựng làng văn hóa du lịch cộng đồng các dân tộc; tổ chức và kết nối cộng đồng tham gia nhiều hoạt động, như: Lễ hội hoa tam giác mạch, Lễ hội khèn Mông, Lễ hội chợ tình Khâu Vai, qua miền di sản ruộng bậc thang Hoàng Su Phì... Qua đó, các giá trị văn hóa truyền thống về kiến trúc, trang phục, hoạt động sản xuất, ẩm thực, ứng xử cộng đồng, văn nghệ dân gian... được bảo tồn và phát huy mạnh mẽ.

Hiện nay, tỉnh Hà Giang đang chú trọng phát triển du lịch thành ngành kinh tế mũi nhọn, trong đó tập trung khai thác tiềm năng, thế mạnh về văn hóa truyền thống để tạo ra nhiều sản phẩm du lịch độc đáo, tạo sinh kế cho người dân địa phương. Từ đây, nhiều mô hình du lịch mang đậm văn hóa truyền thống của đồng bào dân tộc miền cực Bắc ra đời, trở thành không gian văn hóa thu nhỏ, lưu giữ truyền thống văn hóa dân tộc, tiêu biểu như: Làng văn hóa du lịch cộng đồng thôn Pả Vi, xã Pả Vi (Mèo Vạc); khu nghỉ dưỡng H’Mong Village (Quản Bạ); quán cà phê Tam giác mạch (Đồng Văn)... thu hút đông đảo du khách tham quan và trải nghiệm văn hóa địa phương.

VƯƠNG HÀ