Võ vật là một trong những môn thể thao nét văn hoá tinh tế, độc đáo, giàu bản sắc nhất của các tỉnh, thành phố phía Bắc và một phần bắc miền Trung. Hai vùng, xứ Đoài (tỉnh Hà Tây và một phần Phú Thọ) và Kinh Bắc (Bắc Ninh và một phần Bắc Giang bây giờ) là vùng đất “phát tích” của võ vật. Cả hai vùng duy trì hai hệ thống lệ luật thi đấu riêng. Lệ luật vùng Kinh Bắc được coi là “nhẹ tràu” hơn. Đô nào chỉ hơi “nghiêng sườn kênh bụng” là đã bị xem là thua vậy nên các đô dù lớn người, to thân cũng không dám xem thường đối thủ thấp cân bé lạng. “Nặng tràu” hơn là lệ ở xứ Đoài. Người bị xem là thua phải “ngửa bụng chấm lưng”. Hoặc giả bị đối phương khoá lưng, khoá cổ “sát ván” không gỡ thế nổi.

Cả hai lệ luật đều có điểm mạnh và cả điểm yếu khó khắc phục. Theo lệ “nhẹ tràu” người bé có thể đánh bại người lớn, nhưng trận đấu dễ rơi vào tình trạng dền dứ không dám tấn công quyết liệt dễ dẫn đến trận đấu nhàm chán buồn tẻ. Nhưng “nặng tràu” quá, thì người bé bị bất lợi, không có cơ hội đánh bại người lớn hơn như vậy cũng không tôn vinh được tinh thần thượng võ dân tộc với hàng nghìn năm chống ngoại xâm theo cách “lấy yếu thắng mạnh”, “lấy ít địch nhiều”. Tuy nhiên, những hội vật vẫn diễn ra trên cả hai vùng miền, qua hàng trăm năm… mỗi vùng lại chưng cất cho mình những “tuyệt chiêu”, bí quyết.

Hai vùng có những lề luật khác nhau nhưng đều chung một chữ “lễ đạo”. Người có võ càng giỏi càng lành. Luyện võ vật không chỉ luyện về thể chất mà luyện cho tinh thần thêm vững vàng, ý chí thêm sắt đá. “Lễ đạo” thể hiện trong tôn ti trật tự coi thầy là cha, xem đồng môn như anh em ruột thịt. “Lễ đạo” thể hiện trên võ đài càng phong phú và hấp dẫn qua “thủ tục” xe đài. Mỗi động tác, mỗi cử chỉ, đô vật đều phải thể hiện sự tôn nghiêm, kính cẩn. Xe đài có nghiêm luật rõ ràng. Qua những bước chân xe đài các đô thể hiện được sự đĩnh đạc, vững chãi, tinh thần thư thái, khiêm nhường, tướng mạo đường hoàng, uy phong. Phần chân gồm có 3 bước lên bái tổ, 3 bước xuống bình thân làm một lần. 3 bước vào 3 bước ra như cách “chào hỏi” giới thiệu vùng, miền xuất thân của mình trước đối thủ, việc này được thực hiện sau tiếng trống lệnh, và được làm 3 lần. Phần chân bước theo nhịp trống, phần tay múa thể hiện đặc điểm quê hương. Các đô xứ Đoài thường có động tác quay tơ dệt lụa. Các đô đến từ Thăng Long kinh thành thường thể hiện dáng rồng bay, phượng múa. Đô Thái Nguyên với những miếng võ hổ, báo tát mồi. Đô ở Thái Bình thì có động tác chèo thuyền vượt biển… Xe đài xong xuôi các đô thường nở nụ cười thân thiện tỏ ý “tôi biết anh học theo môn phái vùng nào rồi”. Các đô dùng hai lòng bàn tay ấp vào tay đối thủ để bày tỏ tình thân ái. Sau đó trận đấu mới bắt đầu…

Người điều hành trận đấu trong môn võ vật truyền thống là trọng tài trống. Đặc điểm này có lẽ chỉ có ở môn vật Việt Nam. Trọng tài trống xưa thường là những bậc “cao thủ” trong võ vật, rất tinh mắt, thông tỏ nhiều đòn thế. Vậy nên chỉ cần ngồi một chỗ ông cũng có quan sát được trận đấu. Bất cứ khi nào dừng trống, hai đấu thủ trên võ đài đều phải buông nhau ra ngừng thi đấu. Khi trọng tài gõ vào thân trống phát ra tiếng “cách” nghĩa là trận đấu đã phân định thắng thua, các đấu thủ liền đứng dậy chỉnh trang phục để chờ trọng tài bàn phân định. Trọng tài trống dùng tiếng trống của mình để thúc giục các đô và giữ nhịp cho trận đấu.

Ngày nay, cùng với nhiều nỗ lực phục dựng lại môn võ vật cổ truyền của UBTDTT các tỉnh thành, phố, các “sới”, “lò” vật nông thôn đang góp phần đắc lực duy trì và phát triển môn thể thao giàu bản sắc bậc nhất trong các môn thể thao cổ truyền của dân tộc. Năm 2004, một hệ thống luật thi đấu được các nhà chuyên môn của UBTDTT tổng hợp từ 2 hệ thống lệ luật xứ Đoài và Kinh Bắc đã được ra đời tạo thêm nhiều sự công bằng trong thi đấu cho các giải đấu vật.

Đông Hà