Như nhiều năm khác, tháng Tư năm nay lại nhắc nhớ mẹ tôi về cái ngày cách đây đã 49 năm với bao cảm xúc. Đó là niềm vui sướng tột cùng khi nghe tin miền Nam hoàn toàn giải phóng; là sự hồi hộp, thấp thỏm ngóng tin chồng đang trong đội hình Quân giải phóng chiến đấu ở miền Nam xa xôi.

Rồi bố tôi cũng trở về, khỏe mạnh và lành lặn, mang theo bao câu chuyện của một thời trận mạc. Mỗi độ tháng Tư về, ông lại hướng lòng mình về đồng đội, về chiến trường xưa, về những tên đất, tên người đã chở che, cưu mang, đùm bọc.

leftcenterrightdel
Trong ảnh: Sáng 30-4-1975, từ khắp mọi hướng, hàng trăm xe tăng, xe thiết giáp cùng bộ binh đồng loạt thẳng tiến Phủ tổng thống ngụy quyền Sài Gòn, giải phóng Sài Gòn. Chiến thắng 30-4 là một trong những mốc son chói lọi nhất trong lịch sử dựng nước và giữ nước của dân tộc ta. Ảnh: TTXVN 

“Rạo rực niềm vui nhớ về thăm mẹ/ Rộn ràng bàn chân đường quê mong nhớ...”. Cách đây chừng 20 năm, cũng vào một ngày tháng Tư, khi ca từ trong nhạc phẩm “Về thăm mẹ” của nhạc sĩ Trần Chung vang lên từ chiếc radio, bố nói với mẹ tôi như thể nói với chính mình: “Không biết bà bầm giờ còn khoẻ không?”.

Thì ra, bà bầm là cách bố tôi gọi về bà cụ tên Thành, ở Ba Vì (Hà Nội) - nơi ông huấn luyện năm 1971, trước khi hành quân vào Nam chiến đấu. Bố bảo, ở vùng đó, người dân gọi mẹ là bầm. Bố và nhiều đồng đội gọi bà Thành là bầm. Nhà bà gần thao trường huấn luyện của đơn vị bố. Bà thương bộ đội, gọi bộ đội là con, lúc mang cho rổ sắn, khi thì rổ khoai lang luộc trong những ngày huấn luyện vất vả.

Năm ấy, tôi vừa chuyển công tác từ một đơn vị Quân đội ở Bắc Giang về đơn vị ở thị xã Sơn Tây (Hà Nội). Thế nên bố bảo tôi: “Bố đang công tác, phải đi công trình liên miên. Nếu tiện thì con về thôn Tân Thành, xã Cẩm Lĩnh (Ba Vì, Hà Nội) tìm bà Thành, có con trai là Sinh, xem bà thế nào”.

Cuối tháng Tư năm ấy, trong bộ quân phục chỉnh tề, tôi tìm đường về thôn Tân Thành. Trên con đường đất ngoằn ngoèo, tôi gặp một người phụ nữ. Khi tôi hỏi đường về nhà bà Thành, có con trai là Sinh, người phụ nữ chỉ tay về phía trước rồi nói: “Chú chạy tiếp tầm một cây số nữa rồi hỏi tiếp. Nhưng bà Thành qua đời rồi”.

Chỉ hình dung về bà qua những lời kể mang sắc màu hoài niệm của bố, nhưng thông tin mà người phụ nữ vừa cung cấp khiến tôi hụt hẫng. 

Hôm ấy, dẫn tôi tham quan quanh thôn, chú Sinh chỉ chỗ bố tôi từng huấn luyện năm xưa; gặp người quen là chú nhanh nhảu giới thiệu, rằng anh bộ đội này là con một bác trước đây huấn luyện đi Nam ở làng mình.

Sau đó không lâu, cả gia đình tôi trở lại thăm gia đình bà bầm. Bố mẹ tôi và chú Sinh mừng mừng, tủi tủi. Bao chuyện năm xưa như từng đợt sóng xô trong ký ức cứ thế tuôn trào, bởi trong những ngày bố tôi huấn luyện ở vùng Cẩm Lĩnh, mẹ tôi đã từng lên thăm bố và vào chơi với gia đình bà bầm. Chú Sinh nhắc lại chiếc khăn len mẹ tôi đan dở, để quên ở nhà chú khi trở về quê nhà, gia đình chú đã giữ bao năm như một vật lưu dấu kỷ niệm của thời đáng nhớ.

“Sau năm 1975, một người làng mình vẫn ở đơn vị huấn luyện gần nhà bà bầm. Bà đã hỏi thăm về gia đình mình, rồi gửi cho gia đình ít mì chính”, tháng Tư năm nay, bố tôi lại hồi tưởng chuyện xưa. Nghe đến đây, mẹ tôi gợi ý: “Hay năm nay ta cố gắng lên thăm nhà bầm lần nữa, ông nhỉ”. Những bước chân liêu xiêu do di chứng từ cơn bạo bệnh của bố tôi chợt dừng lại. Ông im lặng, đăm chiêu...

Thật kỳ lạ, chiến tranh gian khổ, khốc liệt là thế song chưa bao giờ bố tôi đề cập đến những vất vả, gian truân, mà trong câu chuyện của ông toàn là tình đồng đội, tình hậu phương gắn bó, thắm thiết và bền chặt. Có lẽ, cái tình cảm cao quý, thiêng liêng ấy chính là sức mạnh vô hình nâng bước chân ông cùng những người lính năm nào vượt lên mọi thử thách, nguy nan, góp phần làm nên ngày toàn thắng.

Với thế hệ chúng tôi hôm nay, mỗi độ tháng Tư về không chỉ đem đến niềm vui mà còn nhắc nhớ về lòng biết ơn, khơi lên những chiêm nghiệm, nghĩ suy và mang lại bao bài học quý.

HOÀNG HÀ

*Mời bạn đọc vào chuyên mục Văn hóa xem các tin, bài liên quan.