 |
Giáo sư, Nghệ sĩ Nhân dân Trần Bảng. Ảnh gia đình cung cấp
|
Nghệ sĩ Nhân dân Trần Bảng là đạo diễn, soạn giả và nhà nghiên cứu chèo. Ông vinh dự nhận Giải thưởng Nhà nước về văn học nghệ thuật đợt 2 (2001) và Giải thưởng Hồ Chí Minh về văn học, nghệ thuật đợt 5 (2017).
Nhắc về cha mình, đạo diễn Trần Lực cho biết, GS, NSND Trần Bảng là tấm gương mà anh và các con cháu trong gia đình, họ tộc noi theo, ngay cả khi lâm bệnh ông vẫn rất minh mẫn, lạc quan. Cả cuộc đời ông dành tâm huyết cho nghệ thuật, đặc biệt trong đó là bộ môn chèo. Dù biết ông bệnh trọng, tuổi cao, nhưng sự ra đi của ông khiến con cháu trong gia đình tiếc thương và để lại một khoảng trống khó lấp đầy.
Hay tin GS, NSND Trần Bảng qua đời, soạn giả chèo Mai Văn Lạng cũng bày tỏ niềm tiếc thương vô hạn. NSND Trần Bảng là một trong những nghệ sĩ gạo cội và nhà nghiên cứu lỗi lạc của làng chèo khiến thế hệ hậu sinh ngưỡng vọng.
GS, NSND Trần Bảng sinh năm 1926 tại xã Cổ Am, huyện Vĩnh Bảo, Hải Phòng. Ông là con trai nhà văn Trần Tiêu và cháu gọi nhà văn Khái Hưng là bác ruột. Ngay từ nhỏ ông đã say mê văn chương, kịch nghệ nước ngoài. Hai mươi tuổi, ông đã đọc được sách Hán Nôm, thông thạo nhiều thứ tiếng.
Sau Cách mạng Tháng Tám, ông tham gia kháng chiến chống Pháp. Năm 1951, ông tham gia vào Đoàn Văn công Trung ương, cùng tổ kịch với những tên tuổi của văn chương, nghệ thuật Việt Nam như: Thế Lữ, Song Kim, Nguyễn Hoài... Cũng thời gian này, ông bắt đầu đến với nghệ thuật chèo. Năm 1957, ông cùng nhiều nghệ sĩ thành lập Ban nghiên cứu chèo. NSND Trần Bảng đã cùng đồng nghiệp cải biên, xây dựng lại nhiều vở chèo cổ như “Quan Âm Thị Kính”, “Suý Vân” (từ vở “Kim Nham”), “Nàng Thiệt Thê” (từ vở “Chu Mãi Thần”)...
 |
GS, NSND Trần Bảng cùng con trai NSƯT Trần Lực và con gái NSƯT Trần Thị Mây. Ảnh gia đình cung cấp |
Năm 1953, ông phối hợp nghệ sĩ Năm Ngũ, Dịu Hương dựng vở “Chị Trầm” - vở chèo hiện đại đầu tiên của sân khấu chèo cách mạng. Sau thành công của vở diễn, ông tiếp tục viết nhiều kịch bản khác như “Con trâu hai nhà”, “Đường đi đôi ngả”, “Cô gái và anh đô vật”, “Tình rừng”, “Chuyện tình 80 năm”, “Máu chúng ta đã chảy”...
NSND Trần Bảng là một trong những nghệ sĩ có công đầu phục dựng lại chèo cổ và phát triển chèo mới. Ông viết kịch bản, đạo diễn, nghiên cứu, phê bình lý luận, dạy học trò… Nhà thơ Huy Cận đã viết tặng ông một bài thơ, trong đó gọi Trần Bảng với danh xưng “trùm chèo”.
Ông từng giữ chức Giám đốc Nhà hát Chèo Trung ương (nay là Nhà hát Chèo Việt Nam), Vụ trưởng Vụ Nghệ thuật Sân khấu Bộ Văn hóa - Thông tin (nay là Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch), Phó tổng thư ký Hội Nghệ sĩ Sân khấu Việt Nam khóa 1 (1957). Ông được nhận học hàm Giáo sư và danh hiệu Nghệ sĩ Nhân dân năm 1993.
Về đời tư, NSND Trần Bảng kết hôn với NSƯT Trần Thị Xuân, cũng là một diễn viên chèo. Hai người con của ông là diễn viên, đạo diễn Trần Lực và họa sĩ, kiến trúc sư Trần Thị Mây.
HÀ VƯƠNG
Mời bạn đọc vào chuyên mục Văn hóa xem các tin, bài liên quan.