Chẳng biết từ bao giờ, nhân gian đã có câu truyền miệng “Đàn bầu ai gẩy nấy nghe/ Làm thân con gái chớ nghe đàn bầu” để nói về sự quyến rũ của đàn bầu. Ấy thế nhưng, ở đêm nhạc “Độc huyền cầm” tôn vinh chân dung nghệ sĩ đàn bầu tài ba Phạm Đức Thành phần đông là phụ nữ. Tưởng như không ngớt những tràng vỗ tay sau những tiết mục ông trình diễn độc tấu, song tấu, hòa tấu cũng như đệm đàn cho các nghệ sĩ trình diễn những giai điệu mang âm hưởng tuyệt vời về mẹ, quê hương đất nước như: “Tiếng đàn bầu”, “Lòng mẹ”, “Đất nước lời ru”… Trong những màn trình tấu của nghệ sĩ Phạm Đức Thành, người nghe như hòa nhịp hơi thở, tâm tư, ký ức vào những kỷ niệm đẹp về tình mẫu từ, về mái đình, cây đa, bến nước, con đò ở những miền quê với âm hưởng dân gian trải dài từ Kinh Bắc; điệu ví, giặm miền Trung; Nam Ai, Nam Bình xứ Huế cho tới Hò và Lý Nam Bộ.

Màn song tấu đàn bầu và violon của nghệ sĩ Phạm Đức Thành và Trịnh Minh Hiền.

Tài nghệ của nghệ sĩ Phạm Đức Thành còn đưa người nghe khám phá thanh âm độc đáo của đàn bầu trong màn song tấu với những nhạc cụ phương Tây như violon (kết hợp với nghệ sĩ Trịnh Minh Hiền), saxophone Trần Mạnh Tuấn, và với cả âm nhạc điện tử…

Trong đêm nhạc, nghệ sĩ Phạm Đức Thành chia sẻ, “Độc huyền cầm” là giấc mơ từ rất lâu của ông, bởi rất khó để một nghệ sĩ chơi nhạc có thể thực hiện một liveshow riêng, huống hồ lại là nhạc cụ dân tộc-đàn bầu-cây đàn chỉ một dây, nhưng ca sĩ Ngọc Châm-chủ nhiệm chuỗi chương trình “Vàng son một thuở” mạnh dạn thực hiện. “Cơ hội chỉ đến với mình trong hai tiếng đồng hồ, tôi phải chắt lọc, đãi cát lấy vàng để chương trình nói lên được sự độc đáo của đàn bầu Việt Nam. Nhiều năm qua, tôi bảo vệ và giới thiệu cái hay, cái độc đáo của đàn bầu Việt Nam với bạn bè quốc tế, ai cũng đón nhận nồng nhiệt, dành cho tiếng đàn bầu tình cảm quý mến, yêu thương. Tuy nhiên, khán giả trong nước từng nghe đàn bầu rất nhiều, tôi càng phải thận trọng hơn, càng phải làm sao để mọi người yêu, nâng niu, làm vẻ vang cho cây đàn bầu hơn nữa, để sắp tới đàn bầu được UNESCO công nhận là di sản văn hóa phi vật thể của thế giới. Tôi mong cả những người trẻ cũng tự hào rằng cây đàn bầu độc đáo hơn rất nhiều những cây đàn của phương Tây. Hãy yêu cây đàn bầu hơn nữa”-nghệ sĩ Phạm Đức Thành bày tỏ.

Trong đêm nhạc “Độc huyền cầm”, góp phần tôn vinh tiếng đàn bầu cùng nghệ sĩ Phạm Đức Thành có sự hội ngộ khá đặc biệt của những giọng ca thuộc nhiều dòng nhạc khác nhau như: Quang Lê, Trọng Tấn, Thanh Thanh Hiền, nghệ sĩ saxophone Trần Mạnh Tuấn, ca sĩ Bảo Khánh, Lê Trinh, violit Trịnh Minh Hiền… Đặc biệt, lần đầu tiên Quang Lê và Trọng Tấn có màn kết hợp hát “Việt Nam quê hương tôi”.

Nói về màn kết hợp trong đêm nhạc “Độc huyền cầm”, ca sĩ Trọng Tấn cho biết, trước đây mọi người nghe và yêu tiếng đàn của nghệ sĩ Đức Thành khi thấy chú đàn cho ca sĩ nào đó biểu diễn; rồi ấn tượng với hình ảnh người nghệ sĩ đầy chất nghệ, tóc dài buộc sau, rất dân tộc. Lâu nay mọi người cũng được thưởng thức nhiều chương trình ca nhạc hoặc hài kịch nhưng thật đặc biệt khi nay được thưởng thức một chương trình tôn vinh một nghệ sĩ, một nhạc cụ dân tộc cổ của riêng Việt Nam. Với những ai yêu nét dân gian Việt Nam và đặc biệt yêu tiếng đàn bầu càng cảm nhận được ý nghĩa của chương trình.

VƯƠNG HÀ