Tiếng hề trò dõng dạc hô to trong không gian cổ kính của đền Quốc Tế có niên đại hơn 2.000 năm, nằm trên đỉnh gò Trạm Lĩnh, xã Dị Nậu (huyện Tam Nông, tỉnh Phú Thọ) thu hút đông đảo người dân và du khách. Cô thợ cấy đầu chít khăn mỏ quạ, mặc áo tứ thân, gánh đôi bó mạ nhún nhảy hát: “Thấp thoáng là bóng cây si/ Tháng công ngày việc anh đi tìm nàng/ Khen ai khéo gảy cung đàn/ Vợ chồng trọn đạo ngày càng thắm duyên”...

Hết phần diễn của cô thợ cấy là phần diễn xướng của anh thợ sơn, rồi anh thợ cắt tóc, đến phần trình diễn của thầy đồ... Vừa trình diễn cùng những đạo cụ hợp với từng nhân vật hóa vai, các “diễn viên” chủ yếu đã ngoài tuổi 50, là người dân của xã Dị Nậu với lối kể chuyện bằng thơ súc tích, gợi hình, giàu cảm xúc mang đến những câu chuyện cười mà cũng có ý nghĩa răn đời.

leftcenterrightdel
Phần diễn xướng thợ mộc trong tích trò “Bách nghệ trình làng”. Ảnh: THÙY TRANG 

Những hoạt cảnh kể trên được người dân diễn trong tích trò “Bách nghệ trình làng” hay còn gọi “trình nghề”, là trò diễn xướng tái hiện bức tranh cuộc sống của người dân xã Dị Nậu với muôn sắc màu từ làm nông, làm sơn, đến dạy học...

Đây là những nghề đã gắn bó bao đời với người dân, trở thành nét đẹp văn hóa, ăn sâu vào tiềm thức con người Dị Nậu. Người có công phục dựng tích trò độc đáo này là ông Tạ Đình Hạp (nay đã 85 tuổi), từng là giảng viên Trường Cao đẳng Sư phạm Vĩnh Phú (nay là Trường Đại học Hùng Vương, tỉnh Phú Thọ).

“Đây là trò diễn xướng có giá trị nhân văn từ thời Hùng Vương được xã Dị Nậu phục dựng sau gần 70 năm thất truyền, trình diễn lần đầu năm 2016 và từ đó đến nay tích trò được người dân trình diễn vào ngày mồng 4 tháng Giêng âm lịch và dịp Giỗ Tổ Hùng Vương, Lễ hội Đền Hùng. Qua tích trò, người dân tìm hiểu cội nguồn của người Việt, khi các ngài Cao Sơn, Quý Minh, Hiếu Lang là quân của Tản Viên Sơn Thánh về dạy dân làng Dị Nậu cấy lúa, cày bừa, đơm cá... Trò diễn xướng còn có ý nghĩa tôn vinh nền văn minh lúa nước”, ông Hạp nói.

Tích trò “Bách nghệ trình làng” bao gồm nhiều nhân vật (khoảng 20 người), trong đó không thể thiếu vai hề trò, chủ trò, người đi bừa, người thợ cấy, ông lão đánh cá, thợ sơn, thợ mộc, thợ cắt tóc, thầy đồ, sĩ tử, tiểu đồng... Các dụng cụ dùng biểu diễn đều là những chiếc bừa cũ, cuốc mòn, chiếc giỏ đựng cá, tôm, chiếc nẳn đựng nhựa sơn...

Diễn viên là những “lão nông tri điền”, một nắng hai sương quanh năm gắn với ruộng đồng cùng những dụng cụ nhà nông đã thể hiện được tính khôi hài trong lao động sản xuất nhưng vẫn mang đậm bản sắc văn hóa dân tộc. “Bách nghệ trình làng” thực chất là các tiểu phẩm hài được tái hiện trong quá trình lao động, sản xuất, rũ bỏ nhọc nhằn vất vả sau một năm lao động, mang lại tiếng cười cho nhân dân, giúp mọi người lạc quan yêu đời hơn trong cuộc sống”, bà Hán Thị Ngôn (73 tuổi), người vào vai thầy đồ trong tích trò cho hay.

Bà Ngôn kể, ông Hạp đã dày công sưu tầm và phục dựng tích trò, bởi do chiến tranh cùng với các điều kiện khách quan khác nên trong thời gian khá dài từ năm 1949 đến 2015, tích trò này không được diễn. Trong 3 năm (2013-2015), ông Hạp đã tìm gặp các cụ cao niên trong làng để ghi lại từng câu thoại, từng nội dung của tích trò. Tết Nguyên đán năm 2016, tích trò đã được hồi sinh, trình diễn trước nhân dân và được duy trì từ đó cho đến nay.

Theo ông Phạm Nga Việt, Phó trưởng phòng Quản lý di sản văn hóa (Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch tỉnh Phú Thọ), diễn xướng “Bách nghệ trình làng” là một trong những nét đẹp văn hóa lâu đời, thể hiện đặc thù xã hội Dị Nậu xưa. Với những giá trị nhân văn cao đẹp, tích trò “Bách nghệ trình làng” đang được các cấp quản lý văn hóa hoàn thiện hồ sơ đề nghị công nhận là di sản văn hóa phi vật thể cấp quốc gia, góp phần bảo tồn văn hóa làng xã và kho tàng văn hóa dân gian trên quê hương đất Tổ.

VIỆT LAM