Tìm về thôn Lộc Dư, xã Nguyễn Trãi vào một ngày cuối tuần, hỏi thăm nhà ông Nguyễn Hữu Y thì chẳng mấy ai biết, chỉ khi nói rõ là “ông Y múa rối cạn” thì mọi người mới bảo: “Ông ấy tên thường gọi là Oánh, nhưng nhắc đến rối cạn thì đúng thương hiệu của ông ấy rồi”.

Ông Nguyễn Hữu Y là Đội trưởng Đội Rối cạn Lộc Hòe, năm nay đã bước sang tuổi 70 nhưng hằng ngày vẫn đi làm một công việc ít người ngờ tới, đó là đắp phù điêu tại các ngôi đình, chùa. Bởi không chỉ có đôi bàn tay khéo léo, tài hoa mà ông Y còn có sức khỏe tốt cùng tình yêu với nghệ thuật tạo hình.

leftcenterrightdel
  Ông Nguyễn Hữu Y và bà Tạ Thị Tú tập diễn rối cạn.

Lần theo những câu chuyện ngày xưa của các cụ, ông Hữu Y cho biết, múa rối cạn Lộc Hòe (tên ghép của làng Lộc Dư và Hòe Thị, đều thuộc xã Nguyễn Trãi) ra đời vào khoảng những năm 50 của thế kỷ 20. “Ngày đó, có một số cụ trong làng làm nghề diễn tạp kỹ trên phố, những lúc rảnh, về quê, các cụ mới sáng tạo ra các bài diễn rối cạn để phục vụ bà con dân làng. Lúc đó tôi còn bé nhưng vẫn nhớ như in hình ảnh múa rối điêu luyện, giọng hát trong trẻo của các cụ trong những đêm mở hội”, ông Hữu Y cho biết.

Nhưng vì nhiều lý do khác nhau, từ năm 1974, múa rối cạn Lộc Hòe dần đi vào quên lãng, trong làng chẳng còn ai biểu diễn mỗi khi hội làng hoặc dịp Tết Thiếu nhi, rằm Trung thu... Những thế hệ sinh sau ông Hữu Y không hề biết trong làng từng có một phường múa rối cạn đình đám, gây tiếng vang cho cả vùng mỗi lần công diễn.

Phải đến năm 2003, sau bao trăn trở, suy nghĩ, ông Nguyễn Hữu Y quyết tâm khôi phục lại đội múa rối cạn của quê hương. Ông đến gặp ông Lê Công Uyển (cán bộ văn hóa về hưu) có tài viết kịch bản và bà Tạ Thị Tú, một thợ may giỏi và yêu ca hát trong làng để bàn về việc thành lập Đội Rối cạn Lộc Hòe. Không lâu sau, Đội Rối cạn Lộc Hòe chính thức ra đời với gần 20 thành viên, ông Hữu Y làm Đội phó phụ trách tạo hình con rối, đồng thời làm đạo diễn kiêm công tác hậu cần.

Để tạo ra các con rối cạn có thần thái, ông Hữu Y đã mất mấy tháng trời vật lộn với xi măng, đất sét, bột giấy, dây thép... Theo ông Hữu Y, những con rối cạn có bộ khung dây điều khiển phức tạp, phải thiết kế để các khuỷu tay, cổ, cẳng chân có thể xoay được 180 độ. Cuối cùng, hơn 30 con rối cạn với đầy đủ loại nhân vật như lý trưởng, anh nông dân, thằng mõ, binh lính, trâu bò... ra đời, ước tính mỗi con rối tiêu tốn của ông Hữu Y khoảng 2 triệu đồng. Từ đó, dân làng Lộc Hòe được sống lại không khí sôi nổi, rộn ràng của những đêm diễn rối cạn. Người cao niên thì vui mừng vì một môn nghệ thuật làng đã được hồi sinh sau bao năm lặng im trong quá khứ. Lớp trẻ thì không khỏi trầm trồ vì các tiết mục biểu diễn tại làng không thua kém mấy các tiết mục múa rối sân khấu chuyên nghiệp. 

Tuy nhiên, ảnh hưởng của dịch Covid-19 làm phong trào múa rối cạn thoái trào. Nguyên nhân chính đến từ việc các nghệ nhân gạo cội đều đã có tuổi mà thành viên trẻ trong Đội xin rút dần vì không sắp xếp được thời gian. Hơn nữa, kinh phí duy trì hoạt động của Đội hạn hẹp, chủ yếu do thành viên tự nguyện đóng góp. Bà Tạ Thị Tú bộc bạch: "Tôi mê múa rối cạn lắm, mấy chục năm biểu diễn phục vụ dân làng làm tôi thấy rất hạnh phúc. Nhưng giờ tuổi đã cao, không thể đứng diễn được, lại bận trông cháu nhỏ nên hiện tôi không còn tham gia được nhiều".

Tìm lại những con rối dưới nhà kho bám đầy bụi, ông Nguyễn Hữu Y không khỏi xót xa vì chưa tìm được truyền nhân. Mong mỏi là vậy nhưng ông Hữu Y và những người tâm huyết với múa rối cạn Lộc Hòe vẫn chưa biết phải tháo gỡ khó khăn này bằng cách nào. 

Bài và ảnh: VĂN CÔNG