Phóng viên (PV): Ông có thể chia sẻ về ý tưởng sáng tạo sản phẩm, mục đích, tính độc đáo của “Hình tượng rồng trên bia Tiến sĩ”?
Ông Trương Quốc Toàn: Đây là lần đầu tiên những hoa văn họa tiết rồng và các họa tiết khác trên bia tiến sĩ ở Văn Miếu - Quốc Tử Giám được thể hiện công phu bằng hình thức đồ họa.
Do tác động của thời gian, bề mặt bia tiến sĩ đã bị bào mòn khác nhiều, các họa tiết bị mờ, nhưng nhờ kỹ thuật rập thác bản, các nhà nghiên cứu không chỉ tìm lại được những bài văn bia với nhiều thông tin hữu ích, mà còn phát hiện ra nhiều họa văn, họa tiết hết sức tinh xảo.
Các tác phẩm trưng bày đều tôn trọng những đường nét nguyên bản trên bia tiến sĩ, chúng tôi không sáng tạo, sáng tác gì thêm, mà thể hiện theo ngôn ngữ đồ họa đương đại để tạo sự gần gũi hơn với công chúng. Từ đó giúp cho người xem hình dung rõ hơn sự tài hoa, điêu luyện của những nghệ nhân chế tác đá, đã dành trọn tâm huyết tạo nên những tác phẩm điêu khắc thực sự ấn tượng.
|
|
Ông Trương Quốc Toàn giới thiệu tác phẩm ''Hội ngộ với rồng 4'', hoa văn trên bia Tiến sĩ khoa thi 1697 được dựng năm 1717. |
PV: Ông đánh giá như thế nào về sự khác biệt giữa hình tượng rồng trên bia Tiến sĩ với các hình tượng rồng trong văn hóa Việt Nam và hình tượng "đôi rồng chầu vào mặt trời mây lửa"?
Ông Trương Quốc Toàn: Trong số 82 bia tiến sĩ được lưu giữ đến thời điểm hiện tại Văn Miếu – Quốc Tử Giám, có 39 bia có hình tượng rồng. Đáng nói, cả 39 tấm bia này đều có sự hiện diện của hình tượng rồng trên trán bia. Đặc biệt trong số đó, có 2 tấm bia có hình tượng rồng điêu khắc tại đường diềm. Thông thường từ trước đến nay, trong văn hóa truyền thống của Á Đông nói chung, Việt Nam nói riêng, thì hình tượng rồng luôn là linh vật tượng trưng cho vương quyền.
|
|
Hình tượng rồng được thiết kế sáng tạo.
|
|
|
Ông Trương Quốc Toàn với tác phẩm "Long môn 8". |
Ở các triều đại phong kiến, rồng là sự hiện diện của nhà vua, hoàng đế; chỉ được sử dụng trong các vật phẩm gắn với nhà vua, hoàng tộc. Hơn nữa rồng cũng là linh vật đứng đầu trong danh sách tứ linh (long, ly, quy, phượng) nên thông thường trong các di sản văn hóa, linh vật rồng được thể hiện rất oai nghiêm, minh chứng cho sự uy quyền tuyệt đối. Trên bia tiến sĩ, hình tượng rồng chủ yếu xuất hiện ở phần trán bia - nơi trang nghiêm nhất trên thân bia và thường được thể hiện theo bố cục một đôi rồng chầu vào mặt trời có mây lửa bao quanh. Các hoa văn, họa tiết rồng xuất hiện rõ nét trên trán bia tiến sĩ được tạo tác trong đợt dựng bia năm 1653. Kể từ thời điểm này, hình ảnh rồng chầu mặt trời mây lửa thường xuyên hiện diện trên các trán bia.
Sang tới đợt tạo tác từ năm 1717 cho đến năm 1780 - là năm tạo bia cuối cùng trong hệ thống bia tiến sĩ của Thăng Long, trong đó riêng năm 1717 có đến 21 tấm bia được chế tác có đồ án rồng. Tuy nhiên, thoát ly khỏi những chuẩn mực thông thường về rồng, rồng có sự “thiên biến vạn hóa” theo nhiều phong cách khác nhau. Đó có thể là rồng hóa mây, rồng hóa mây lửa, rồng hóa cây lá.
Về hình tượng đôi rồng chầu vào mặt trời mây lửa, đến thời điểm này, vẫn còn những ý kiến khác nhau về cách luận giải. Tôi cho rằng tổ hợp hình rồng chầu mặt trời mây lửa được khắc trên trán bia -- nơi trang nghiêm nhất của bia, thể hiện sự trân trọng của các vị quân vương đối với các bậc hiền tài của đất nước.
Bên cạnh đó, hình ảnh mặt trời có lẽ cũng được coi như một hình tượng tiêu biểu của nguồn sáng tri thức bất tận và vầng mây lửa được coi là nhiệt huyết của mỗi nho sinh trên con đường phấn đấu thành tài.
PV: Điều đặc biệt mà Ban tổ chức muốn thể hiện tại trưng bày này là gì, thưa ông?
Ông Trương Quốc Toàn: Trưng bày chuyên đề “Hình tượng rồng trên bia Tiến sĩ” nhằm mang đến cho khách tham quan những khám phá mới lạ về các họa tiết rồng trên 82 bia tiến sĩ Thăng Long hiện đang được lưu giữ và bảo tồn tại Di tích Quốc gia đặc biệt Văn Miếu - Quốc Tử Giám. Qua đây cho chúng ta, các thế hệ đương đại thấy được rằng sự tài hoa và điêu luyện của những nghệ nhân chế tác đá đã dành trọn tâm huyết tạo nên những tác phẩm điêu khắc thực sự ấn tượng.
Trưng bày chuyên đề “Hình tượng rồng trên bia Tiến sĩ” là một phần tiếp theo của Triển lãm “Bia đá kể chuyện” được tổ chức năm 2022. Đây là lần đầu tiên chúng tôi đưa vào ngôn ngữ kể chuyện để giới thiệu các nội dung nói chung trên mặt bia, trong đó có cả nội dung của các bài bia ký, văn bia, có cả nội dung về hình hoạ. Còn với trưng bày lần này thì năm 2024 đúng là năm Giáp Thìn nên chúng tôi đã chọn chủ đề “Hình tượng rồng trên bia Tiến sĩ”. Đây là bước tiếp cận để đặc tả họa tiết rồng trên bia tiến sĩ, đồng thời giúp công chúng khám phá thêm những giá trị về mặt hình họa, đồ họa trên bia tiến sĩ vô cùng đặc sắc.
PV: Xin cảm ơn ông!
PHẠM LANH (thực hiện)
* Mời bạn đọc vào chuyên mục Văn hóa xem các tin, bài liên quan.