Phòng chiếu nhộn nhịp

Rạp chiếu phim tại Hà Nội đã chính thức mở cửa từ ngày 10-2. Ngay khi có công văn được phép hoạt động trở lại, công tác bảo đảm an toàn phòng, chống dịch tại các cụm rạp được nhanh chóng triển khai, đồng thời, loạt phim Việt cùng nhiều bom tấn Hollywood lần lượt ra rạp phục vụ khán giả.

Tính riêng tuần qua tại Thủ đô đã có tới 4 sự kiện ra mắt phim: “Spider-man: No way home” (Người nhện không còn nhà), “Trăng rơi”, “Gia tộc Gucci”, “Người tình” thu hút sự tham gia của những người nổi tiếng và đông đảo khán giả tham dự.

Ai cũng tỏ ra hào hứng bởi đã quá lâu mới được trở lại rạp. Ghi nhận của chúng tôi tại Trung tâm Chiếu phim Quốc gia (Láng Hạ, Đống Đa, Hà Nội), 14 phòng chiếu liên tục công chiếu những bộ phim “hot” được các nhà sản xuất Việt Nam tung ra dịp Valentine như: “Chuyện ma gần nhà”, "Bẫy ngọt ngào”,... luôn kín chỗ cho những suất chiếu giờ vàng dịp cuối tuần.

Ông Nguyễn Hoàng Hải, Giám đốc nội dung cụm rạp CGV nhận định, tác phẩm điện ảnh Việt đang có cuộc đua doanh thu, một phần nhờ nội dung thỏa mãn thị hiếu số đông, phần vì các rạp tại Hà Nội mở cửa, kích thích tâm lý khán giả xem phim trở lại. Hy vọng tới đây sẽ có các bộ phim Việt tiếp tục có doanh thu 100 tỷ đồng.

 Rạp chiếu BHD (Phạm Ngọc Thạch, Hà Nội) ngày cuối tuần tấp nập nhưng khán giả tuân thủ phòng, chống dịch và không chen lấn, xô đẩy.

Nhìn dòng người tấp nập xếp hàng ở các quầy vé mới thấy người dân mong ngóng trở lại cuộc sống bình thường đến mức nào. Rạp chiếu hoạt động sôi nổi trở lại cũng là một tín hiệu quan trọng. Các doanh nghiệp có kỳ vọng, việc mở cửa rạp lần lượt ở khắp các tỉnh, thành phố trên toàn quốc sẽ tạo ra một động lực tích cực, góp phần phục hồi ngành điện ảnh Việt Nam sau một giai đoạn dài hết sức khó khăn.

Tín hiệu mừng cho sân khấu

Sự khởi đầu mang tính thử nghiệm của rạp chiếu, của điện ảnh để rồi tiếp sau đó, các lĩnh vực khác trong đời sống văn hóa phía Bắc cũng được mở cửa trở lại. Trong đó, lĩnh vực sân khấu cũng ghi nhận những tín hiệu tích cực ngay trong những ngày đầu năm.

Sân khấu Lệ Ngọc mới đây thông báo, gần một tuần mở bán vé Chương trình nghệ thuật “Kịch Xuân-hành trình lưu giữ hồn Việt xưa” đã nhận được sự ủng hộ nhiệt tình của khán giả và “mọi suất diễn đã được bán hết vé”-như lời của NSND Lệ Ngọc, bà chủ của sân khấu này tiết lộ. Dù mong muốn có thể đón tiếp nhiều khán giả hơn đến với rạp, nhưng để bảo đảm quy định phòng, chống dịch Covid-19, đơn vị này phải giới hạn số lượng ghế trong mỗi suất diễn. 

Những đơn vị khác cũng đã chuẩn bị kỹ lưỡng cho ngày sân khấu sáng đèn trong tháng 2 và tháng 3 tới. Đến với Nhà hát Tuổi trẻ, khán giả sẽ được thưởng thức các vở diễn nổi tiếng như: “Ông không phải là bố tôi”, “Ngược chiều gió”, “Trại hoa vàng”, “Cuộc chiến virus”; hài kịch mới “Cái ao làng” (ra mắt ngày 26-2), nhạc kịch “Sóng” (ra mắt tháng 3)...

Nhà hát Kịch Việt Nam cũng sẽ gửi tới khán giả vở hài kịch đặc sắc “Nghêu, Sò, Ốc, Hến” dịp Quốc tế Phụ nữ, diễn liên tiếp từ ngày 4 đến 8-3 tại sân khấu số 1 Tràng Tiền, Hà Nội...

NSƯT Xuân Bắc, Giám đốc Nhà hát Kịch Việt Nam cho biết, dù thời gian qua dịch bệnh diễn biến phức tạp nhưng các nghệ sĩ vẫn không ngừng tập luyện vở bằng những cách khác nhau và luôn sẵn sàng chuẩn bị cho ngày sân khấu sáng đèn, đem lại những phút giây lắng đọng, vỡ òa cho khán giả.

Khán giả đồng lòng nâng cao ý thức

Nhìn chung tại các rạp chiếu phim hay địa điểm tổ chức sự kiện văn hóa, công tác phòng, chống dịch Covid-19 đều được thực hiện nghiêm túc và tăng cường nhiều biện pháp. Hầu hết đều có mã QR để khai báo y tế, bố trí lực lượng hướng dẫn, phân luồng, không để tập trung đông người gây ùn ứ, ách tắc. Bản thân những người tham gia sự kiện cũng có ý thức trong việc tự bảo vệ bản thân bằng việc không tháo khẩu trang, xếp hàng và giữ khoảng cách khi mua vé,...

Dịch Covid-19 vẫn chưa thực sự được kiểm soát bởi số ca mắc đang không ngừng tăng ở khắp các tỉnh, thành phố, nỗi lo lắng về dịch bệnh vẫn còn đó. Thật khó có thể đoán trước tương lai hay cụ thể thời điểm nào thì cuộc sống cũng như các hoạt động văn hóa-nghệ thuật thực sự hoạt động bình thường trở lại như trước kia.

Bởi như lúc này, các đơn vị cũng trong tâm thế vừa tổ chức vừa thăm dò và khán giả, du khách cũng còn trong tâm thế e dè, đề cao phòng tránh. Tuy vậy, những hoạt động văn hóa, văn nghệ được các đơn vị nghệ thuật nỗ lực tổ chức những ngày qua góp phần làm phong phú món ăn tinh thần của công chúng và mang đến những tín hiệu khởi sắc sau quãng thời gian dài phải tạm ngừng vì dịch bệnh.

Qua đó, mỗi người trong chúng ta cũng cảm nhận rõ ràng, sâu sắc hơn vai trò của văn hóa-nghệ thuật, ý nghĩa của sự gắn kết cộng đồng, và càng mong mỏi hơn rằng dịch bệnh mau chóng qua đi để cuộc sống bình thường trở lại.

Bài và ảnh: THU THỦY - PHƯƠNG LINH