Sau nhiều năm có dịp trở lại mảnh đất “có cái nắng, có cái gió, có nỗi nhớ không tên” hào phóng và còn chút hoang dã, hoang sơ, tôi không chỉ mang theo cảm giác ngất ngây khi được thỏa thuê ngắm trời, ngắm đất, ngắm cảnh sắc thiên nhiên và hòa vào dòng người Ban Mê gần gũi, thân thiện trên những con phố rộng dài, thông thoáng mà còn được đắm chìm vào các bài giảng, những buổi trao đổi thú vị, bổ ích.

leftcenterrightdel
Biểu diễn văn nghệ tại Hội nghị tập huấn về công tác lý luận, phê bình văn học, nghệ thuật tổ chức ở Đắk Lắk, tháng 8-2023.Ảnh: ĐỨC NAM 

Thoạt nghe mấy từ “lý luận, phê bình” có vẻ hơi khô khan, trừu tượng, để tránh sa đà vào lối truyền giảng “lý luận chỉ là màu xám”, các nhà quản lý, chuyên gia, văn nghệ sĩ tham gia trao đổi tại lớp tập huấn “Nâng cao nhận thức, trình độ, năng lực; đổi mới nội dung và phương thức lãnh đạo, quản lý VHNT trong tình hình mới” đã khéo chuyển hóa “lý luận thành màu hồng”, tức là “màu tươi tắn, nhẹ nhàng, sâu sắc” nên hấp dẫn, thuyết phục đối với học viên. Trong số hơn 300 học viên, 112 người có trình độ trên đại học (chiếm 37%); 85 cán bộ lãnh đạo ban tuyên giáo, sở văn hóa, cơ quan báo chí, hội văn học nghệ thuật cấp tỉnh và lãnh đạo các trường đại học, cao đẳng (chiếm 28%); 93 cán bộ cấp phòng, cấp khoa (chiếm 31%)... Theo PGS, TS, nhà văn Nguyễn Thế Kỷ, Chủ tịch Hội đồng Lý luận, phê bình VHNT Trung ương, nhìn vào số lượng học viên có chức vụ, học vị cao như vậy, một phần cho thấy ý nghĩa quan trọng của lớp tập huấn; phần khác thể hiện sự quan tâm sâu sắc của đội ngũ cán bộ lãnh đạo, quản lý ở các địa phương, cơ quan, đơn vị đối với lĩnh vực văn hóa, VHNT hiện nay.

Trở lại các gương mặt chuyên gia, họ đều là những người được đông đảo công chúng biết đến vì tài năng, tác phẩm, trình độ năng lực chuyên môn và vị thế nghề nghiệp. Đó là PGS, TS, nhà văn Nguyễn Thế Kỷ; PGS, TS, nhạc sĩ Đỗ Hồng Quân, Chủ tịch Liên hiệp các hội VHNT Việt Nam; nhà văn Nguyễn Quang Thiều, Chủ tịch Hội Nhà văn Việt Nam; Thiếu tướng, TS, nhà văn Nguyễn Hồng Thái, nguyên Tổng biên tập Tạp chí Công an nhân dân; PGS, TS Nguyễn Đăng Điệp, nguyên Viện trưởng Viện Văn học (Viện Hàn lâm Khoa học xã hội Việt Nam); PGS, TS Phạm Xuân Thạch, Chủ nhiệm Khoa Văn học, Trường Đại học Khoa học xã hội và Nhân văn (Đại học Quốc gia Hà Nội)...

Các chuyên gia khiêm tốn tự nhận mình là người đến lớp tập huấn nhằm trao đổi, chia sẻ, cung cấp thông tin, tư liệu, trò chuyện theo chủ đề và cùng đối thoại cởi mở với học viên về những vấn đề liên quan đến VHNT nói chung, công tác lãnh đạo, quản lý, ứng xử với VHNT và văn nghệ sĩ nói riêng. Phong cách truyền đạt vừa chuyên sâu về những vấn đề cơ bản, vừa cập nhật những vấn đề mới, thời sự, kết hợp với những câu chuyện kể thông minh, dí dỏm của các chuyên gia đã góp phần làm cho những ngày tập huấn trở nên thú vị, bổ ích. Do đó, các thành phần tham gia lớp tập huấn, từ cán bộ tuyên giáo, cán bộ quản lý văn hóa, cán bộ hội VHNT, cán bộ quản lý báo chí, xuất bản, phóng viên, biên tập viên, nhà giáo... ai nấy đều hài lòng với cách thức tổ chức tập huấn khoa học, công phu về nội dung mà vẫn có sự cởi mở về cách nhìn, sâu sắc về cách tiếp cận vấn đề mới mẻ trong lĩnh vực VHNT.

Ví như khi trao đổi “Về vấn đề VHNT hiện nay”, nhà văn Nguyễn Quang Thiều nói rằng, thời đại nào cũng vậy, văn hóa nói chung, VHNT nói riêng luôn là một dòng chảy khơi nguồn, “tắm mát” tâm hồn con người, là “bản tuyên ngôn lương tri” của dân tộc. Nếu không để văn hóa, VHNT thống lĩnh trái tim con người thì con người dễ bị tha hóa, gục ngã trước “cái bả” vật chất, tiền tài, danh vọng. Nhất là trong bối cảnh thời đại công nghệ số lên ngôi, tâm trí con người có nguy cơ bị lấn lướt trước thông tin, hình ảnh độc hại đầy rẫy trên mạng xã hội, theo thông điệp cảnh tỉnh của một nhà văn nước ngoài, đại ý: Thà bỏ 1 đồng cho phát triển văn hóa, VHNT còn hơn là chi ra 100 đồng để xây thêm cơ sở giáo dưỡng, trại cải tạo và nhà tù.  

Đảng ta khẳng định, “VHNT là lĩnh vực rất quan trọng, đặc biệt tinh tế của văn hóa; là nhu cầu thiết yếu, thể hiện khát vọng chân, thiện, mỹ của con người”. Thấu suốt quan điểm đó, Thường trực Hội đồng Lý luận, phê bình VHNT Trung ương từ đầu năm đến nay đã tổ chức được 4 lớp tập huấn ở cả 3 miền Bắc, Trung, Nam (hơn 800 học viên tham gia), với một mong muốn chính đáng: Làm cho lĩnh vực văn hóa, VHNT được các cấp lãnh đạo, quản lý quan tâm đầu tư đúng mức, coi lĩnh vực văn hóa cũng quan trọng như lĩnh vực kinh tế, chính trị, xã hội, như lời Đảng và Bác Hồ chỉ dẫn.  

THIỆN VĂN

*Mời bạn đọc vào chuyên mục Văn hóa xem các tin, bài liên quan.