Để khắc phục tình trạng này, Hội VHNT tỉnh Thái Nguyên đã chủ động tìm tòi cách làm thiết thực, phù hợp để góp phần nâng cao vị thế, uy tín của Hội cũng như nâng cao chất lượng hoạt động VHNT của địa phương. Cuộc trao đổi giữa phóng viên Báo Quân đội nhân dân với nhà thơ Nguyễn Thúy Quỳnh, Chủ tịch Hội VHNT tỉnh Thái Nguyên, sẽ làm rõ vấn đề này.

leftcenterrightdel
Nhà thơ Nguyễn Thúy Quỳnh. 

Phóng viên (PV): Theo đúc kết của giới văn nghệ, hội VHNT địa phương muốn hoạt động hiệu quả trước hết phải có sự quan tâm, đầu tư của địa phương. Với trường hợp Hội VHNT tỉnh Thái Nguyên có đúng như vậy không, thưa bà?

Nhà thơ Nguyễn Thúy Quỳnh: Để hội VHNT địa phương hoạt động hiệu quả, nhất thiết phải cần nguồn kinh phí bảo đảm. Hiện nay các hội VHNT địa phương hoạt động dựa trên hai nguồn kinh phí. Nguồn thứ nhất là kinh phí từ “Chương trình hỗ trợ hoạt động sáng tạo tác phẩm, công trình VHNT, báo chí ở Trung ương và các hội VHNT địa phương; hỗ trợ tác phẩm báo chí chất lượng cao ở các hội nhà báo địa phương” của Chính phủ. Thứ hai là kinh phí từ ngân sách địa phương theo cơ chế Nhà nước giao nhiệm vụ.

 Với gần 20 năm tham gia lãnh đạo Hội VHNT tỉnh, 16 năm làm Tổng biên tập Tạp chí Văn nghệ Thái Nguyên, tôi thấy lãnh đạo tỉnh Thái Nguyên qua các thời kỳ luôn quan tâm, chăm lo cho sự phát triển văn nghệ tỉnh nhà. Lãnh đạo tỉnh luôn có chính sách động viên, khuyến khích đội ngũ văn nghệ sĩ sáng tác, ủng hộ đổi mới sáng tạo trong hoạt động Hội, nhất là ủng hộ tiếng nói tạp chí của Hội.

PV: Để xứng đáng với sự quan tâm, hỗ trợ của chính quyền, Hội đã nỗ lực duy trì và nâng cao hiệu quả hoạt động VHNT như thế nào?

Nhà thơ Nguyễn Thúy Quỳnh: Lãnh đạo Hội VHNT tỉnh Thái Nguyên luôn tâm niệm phải sử dụng kinh phí để tạo ra hiệu quả tối ưu. Chẳng hạn, các cuộc thi do Hội tổ chức như thi thơ trong lễ hội thơ hằng năm, cuộc thi ký sự-phóng sự, triển lãm và cuộc thi ảnh nghệ thuật... phải quy tụ được tài năng đích thực tham dự; việc chấm chọn và trao giải phải công bằng, khách quan, đặt chất lượng tác phẩm lên hàng đầu. Có như vậy, tỉnh nhà mới có những tác phẩm văn nghệ chất lượng cao phục vụ các nhiệm vụ chính trị, nâng cao mặt bằng chất lượng sáng tác ở địa phương, phục vụ nhu cầu thụ hưởng của công chúng. Hội VHNT tỉnh cũng thường tổ chức hoặc đăng cai các sự kiện, hoạt động văn nghệ khu vực và quốc gia, góp phần quảng bá hình ảnh đất và người Thái Nguyên, tạo ấn tượng đối với văn nghệ sĩ và công chúng trong và ngoài địa phương.

Tuy vậy, cũng có những việc Hội VHNT tỉnh Thái Nguyên chưa làm tốt bằng các hội VHNT tỉnh khác, chẳng hạn chưa huy động được nhiều nguồn lực xã hội hóa để tạo ra quỹ hỗ trợ sáng tác.

leftcenterrightdel

Lãnh đạo Hội Văn học nghệ thuật tỉnh Thái Nguyên trao giải cuộc thi trình diễn thi ca "Nhịp điệu trẻ" năm 2023. Ảnh: VĂN THÁI 

PV: Qua những việc làm được của Hội VHNT tỉnh, bài học kinh nghiệm được rút ra là gì, thưa bà?

Nhà thơ Nguyễn Thúy Quỳnh: Chúng tôi cho rằng, làm bất cứ việc gì cũng phải đặt lợi ích chung lên trên hết, trước hết. Trong một tổ chức, đơn vị, mỗi người có cá tính riêng, hoàn cảnh riêng, do vậy một chủ trương, một quyết định khó có thể làm vừa lòng tất cả. Văn nghệ sĩ vốn có tâm hồn nhạy cảm, tinh tế, nhiều khi sống dựa vào cảm xúc, kể cả những việc, sự kiện ngoài văn nghệ. Nếu lãnh đạo Hội VHNT tỉnh không vì lợi ích chung thì anh em văn nghệ sĩ khó thông cảm, chia sẻ và chắc chắn sẽ không tích cực tham gia hoạt động văn hóa, văn nghệ do Hội tổ chức...

Tôi xin lấy ví dụ, tạp chí văn nghệ ở địa phương chủ yếu đăng sáng tác của hội viên, dù đôi khi chất lượng tác phẩm còn hạn chế. Tạp chí Văn nghệ Thái Nguyên từ khi còn là Báo Văn nghệ Thái Nguyên (năm 2021 trở về trước) đã có hướng đi riêng là đặt chất lượng tác phẩm lên hàng đầu chứ không xem xét tác phẩm là của ai; đồng thời không chỉ đăng bài viết liên quan đến văn nghệ mà còn đề cập nhiều vấn đề xã hội, dân sinh nóng bỏng thông qua các bút ký, phóng sự. Một số hội viên không hài lòng vì ít được đăng bài, nhưng sau khi nhận thấy chất lượng tạp chí đi lên, được bạn đọc trong và ngoài tỉnh yêu thích, anh chị em hội viên cũng thay đổi suy nghĩ.

PV: Bên cạnh những thuận lợi, Hội VHNT tỉnh hiện nay gặp những khó khăn nào không?

Nhà thơ Nguyễn Thúy Quỳnh: Thái Nguyên là trung tâm vùng Việt Bắc, cho nên phải làm sao để Hội VHNT tỉnh xứng đáng là “mái nhà”, nơi gửi gắm niềm tin của anh em văn nghệ sĩ Thái Nguyên, có sức lan tỏa ở khu vực. Bởi vậy, việc kết nạp hội viên cũng phải quy tụ được những tài năng văn nghệ nổi bật trở thành hội viên, đóng góp công sức cho hoạt động Hội. Song điều này không dễ, nên lãnh đạo Hội VHNT tỉnh đã nhiều lần tiếp xúc, gặp gỡ, “trải thảm đỏ” để văn nghệ sĩ tài năng gia nhập Hội.

Một khó khăn của Hội VHNT tỉnh Thái Nguyên mà có lẽ cũng là khó khăn chung của hội VHNT nhiều địa phương khác là tìm nguồn nhân lực kế cận lãnh đạo Hội, nhân sự tổ chức các hoạt động hội, tiếp tục duy trì chất lượng tạp chí văn nghệ. Cái khó ở chỗ người làm công tác Hội phải năng động, dám nghĩ, dám làm vì lợi ích chung, công tâm, minh bạch, không vun vén lợi ích riêng, song đồng thời cũng phải hiểu biết ít nhiều về văn nghệ để đồng hành với văn nghệ sĩ.

PV: Bà có thể cho biết định hướng công việc, các dự định của Hội VHNT tỉnh trong thời gian tới là gì?

Nhà thơ Nguyễn Thúy Quỳnh: Nâng cao tính chuyên nghiệp trong tổ chức, hoạt động, sáng tạo VHNT là ưu tiên hàng đầu của chúng tôi. Việc này đòi hỏi sự nỗ lực vô cùng lớn của 300 hội viên trong sáng tạo và tổ chức hoạt động VHNT.

Tăng cường khai thác các nguồn lực cho phát triển VHNT cần phải được đẩy mạnh. Nỗ lực xã hội hóa các hoạt động văn hóa, văn nghệ; huy động mọi nguồn lực cho hoạt động Hội, thông qua việc liên kết, phối hợp tổ chức sự kiện, hoạt động VHNT của các cơ quan, đơn vị, cá nhân có nhu cầu trong và ngoài tỉnh. Làm cho VHNT Thái Nguyên tham gia tích cực vào đời sống xã hội.

Vấn đề quan trọng không kém là xây dựng đội ngũ cán bộ, hội viên có đủ năng lực, trình độ, phẩm chất, uy tín trong cộng đồng. Làm tốt công tác quy hoạch cán bộ; xây dựng ban chấp hành, ban thường vụ, lãnh đạo chủ chốt của Hội có trình độ, uy tín, tâm huyết thực sự với công việc. Lựa chọn, kết nạp hội viên bảo đảm số lượng và chất lượng, thông qua các hoạt động thực tiễn. 

Tiếp tục ứng dụng chuyển đổi số trong tổ chức hoạt động và quảng bá tác phẩm VHNT. Chúng tôi đã bước đầu thực hiện khá tốt việc này trong hai năm vừa qua, trong thời gian tới càng phải thực hiện tốt hơn.

Cuối cùng là tham gia tích cực vào phong trào xây dựng đời sống văn hóa cơ sở. Hiện nay, 8/9 thành phố, huyện có hội VHNT; việc tổ chức hoạt động văn nghệ ở cơ sở sẽ tiếp tục được chú trọng, đẩy mạnh trong thời gian tới, với mục đích bảo đảm quyền thụ hưởng văn hóa, văn nghệ của người dân ở những khu vực còn khó khăn; phục vụ tốt các hoạt động ở cơ sở một cách thiết thực, hiệu quả.

PV: Trân trọng cảm ơn nhà thơ!

TRẦN HOÀNG HOÀNG (thực hiện)