Phố Hàng Đậu dài 272m, đi từ đường Trần Nhật Duật bên số nhà chẵn đến phố Quán Thánh, bên số nhà lẻ đến phố Phan Đình Phùng. Đây cơ bản là đất thôn Phúc Lâm (nửa phố phía Đông) thuộc tổng Tả Túc và thôn Nghĩa Lập (nửa phố phía Tây) thuộc tổng Hậu Túc, huyện Thọ Xương từ đời Gia Long.

Bốt Hàng Đậu. Ảnh minh họa

Dấu vết các thôn này là những đình miếu cũ: Đình Phúc Lâm ở số nhà 2 phố Gầm Cầu, ngay đầu phố Hàng Đậu. Đình và đền Nghĩa Lập ở số nhà 32 phố Hàng Đậu. Đình Phúc Lâm thờ thần Mộc Thị (tín ngưỡng thờ cây). Đình Nghĩa Lập thờ thần Bạch Mã. Đền Nghĩa Lập thờ Tứ vị Hồng Nương những bà Thánh trợ giúp người đi sông biển (thôn Nghĩa Lập ở sát sông Hồng). Ngoài ra ở phố này, chỗ ngã tư Hàng Đậu-Nguyễn Thiếp xưa có một cửa ô tên là cửa ô Phúc Lâm. Dân chúng thì gọi một cách nôm na là cửa ô Hàng Đậu (tới giữa thế kỷ XIX, cửa ô này đổi tên là Tiền Trung). Dáng dấp cửa ô này cũng tương tự như cửa ô Quan Chưởng còn lại tới nay. Bên ngoài cửa ô là một bến sông đông vui: Bến Chùa Bà Móc. Vào cuối thế kỷ XIX ở phố Hàng Đậu có một trường học nổi tiếng, đó là trường của Tiến sĩ Lê Đình Duyên (1791-1878) nay là số nhà 39. Ông nguyên là người làng Mọc Hạ Đình (Thanh Trì-Hà Nội), đỗ Nhị giáp tiến sĩ năm 1849, làm các chức học quan: Đốc học Nghệ An, Tư nghiệp Quốc tử giám, Đốc học Hà Nội… Năm 1870 ông về nghỉ, mở trường dạy học ở phố Hàng Đậu. Ban đầu trường chỉ là một ngôi nhà bằng tre lá, về sau học trò chung nhau xây dựng bằng gạch để tỏ lòng kính yêu thầy.

Ngày nay mặt tiền khu trường đã tân trang thành cửa hàng cho nên chẳng ai biết đó là ngôi nhà cổ có giá trị.

Ngày nay phố Hàng Đậu kinh doanh nhiều mặt hàng: Tân dược, điện thoại di động, có cả một ngân hàng Bắc Á và khá nhiều hàng bán cá cảnh, bể cá các loại.

Trước khi có chợ Đồng Xuân, đây là nơi bày bán các loại đậu hạt, đậu xanh, đậu đen và cả những sản phẩm của đậu do người hàng phố chế biến như đậu phụ, giá đỗ… Khi mở ra công trường làm cầu Đu-me (Long Biên) thì cả dãy phố vẫn là nhà tranh, có nhiều cửa hàng cơm và nhà trọ. Khi cầu hoàn thành (1902) có ga Đầu Cầu. Cầu được mở rộng cho ô tô qua lại (1924-1925) thì có bến Nứa thay cho bến ô tô Cột Đồng Hồ nên hàng cơm quán trọ ngày càng nhiều.

Lại cũng do ở kề bến ô tô nên ở đây mọc lên các nhà bán phụ tùng và sửa chữa ô tô, đa phần ở bên số nhà chẵn. Thời Pháp thuộc, gọi là “Phố các hạt”, ngụ ý là các hạt đậu. Sau Cách mạng tháng Tám 1945, chính quyền ta khôi phục lại tên gọi cổ truyền. Cần nói thêm là: Có một ngôi nhà, một công trình xây dựng và một vườn hoa trước đây cũng mang tên Hàng Đậu mà chẳng nằm trên phố Hàng Đậu. Đó là sở cấm Hàng Đậu, két nước Hàng Đậu và vườn hoa Hàng Đậu. Vườn hoa Hàng Đậu (tức vườn hoa Vạn Xuân ngày nay) thì nằm trên phố Quán Thánh (và Cửa Bắc, tên cũ của phố Phan Đình Phùng) song có lẽ ở cạnh két nước Hàng Đậu nên dân cũng gọi luôn là vườn hoa Hàng Đậu.

NGUYỄN VINH PHÚC (Nhà Hà Nội học)