Điều mà các Tập đoàn xuất bản quan tâm không phải là ấn phẩm có tính sáng tạo hay tìm tòi mà chính là lợi nhuận. Bởi vậy, họ nghiên cứu thị trường và thị hiếu khách hàng rất kĩ để bảo đảm những ấn phẩm khi phát hành sẽ thu được lợi nhuận cao. Đó chính là nguyên nhân vì sao sách văn học tại Pháp bị gạt ra, nhường chỗ cho sách giải trí, viễn tưởng, và những cuốn best-seller...

Giáo sư Văn học Pháp, bà Brigitte Ouvry-Vial đã nói như vậy trong buổi thuyết trình về Những mâu thuẫn đương đại giữa xuất bản và văn học tại Pháp vừa qua tại Hà Nội. Nước Pháp vốn nổi tiếng với truyền thống văn hóa và văn học có giá trị lâu đời. Trong buổi thuyết trình này, Gs Brigitte Ouvry-Vial đã đề cập đến những mâu thuẫn cũng như khởi nguyên của những mâu thuẫn ấy. Theo bà, sở dĩ có hiện tượng như vậy chính bởi tính cạnh tranh khốc liệt và sự sống còn của các Nhà xuất bản tại Pháp.

Cuối thế kỉ XIX, ngành xuất bản của Pháp phát triển rất mạnh và dần đi đến cân bằng. Gần đây, Công nghiệp xuất bản tại Pháp bắt đầu có hiện tượng mất cân đối. Việc đánh giá giá trị tác phẩm cũng thay đổi theo. Sách văn học phải cạnh tranh với các loại sách giải trí khác, vì phải chạy theo lợi nhuận, điều đó ảnh hưởng không nhỏ đến văn học Pháp.  Sách văn học ấn hành một cách cầm chừng, thậm chí có những sách hầu như không được ấn hành. Bài toán tài chính ấy dẫn đến việc cản trở các tác phẩm văn học đến với độc giả, nhất là thơ. Các nhà xuất bản can thiệp và hướng dẫn, cũng như quyết định thị hiếu khách hàng bằng những cuốn sách giải trí hay best-seller. Họ chia nhau thị trường, họ tính giá trị văn học, giá trị thẩm mĩ bằng giá trị thương mại mang tính thị trường. Các nhà xuất bản tồn tại được nhờ “giỏi” thỏa hiệp. Bao nhiêu người sẽ thích như tôi? Bán cuốn sách này lợi gì cho tôi, đó là câu hỏi của các nhà xuất bản. Sự thỏa hiệp giữa giá trị thương mại và giá trị thẩm mĩ văn học, buộc họ phải nhượng bộ để chạy theo đồng tiền, bỏ quên nhiệm vụ truyền thống là phát hiện sáng tạo và đưa đến người đọc những ấn phẩm có giá trị đích thực. Những độc giả ham tìm tòi tri thức, thẩm mĩ khó có thể được đáp ứng nhu cầu của mình bởi nhà xuất bản còn bận chạy theo thị hiếu. Kiểu xuất bản này ở châu Âu và Pháp được bắt nguồn từ Mỹ cách đây khoảng 30 năm. Họ đặt ra chỉ tiêu 15% tiền lãi hằng năm, nhưng trong thực tế chỉ cần 1%, các nhà xuất bản đã  chạy theo thị hiếu bằng những cuốn sách best-seller. Sự nghiệt ngã của thị trường sách buộc họ phải vậy. Ở Pháp, những cuốn sách sau 2 tuần không bán được sẽ bị nhà sách trả lại cho nhà xuất bản. Đó là nguyên nhân đóng băng của sách văn học cũng như Văn học Pháp trong những năm gần đây.

Tuy nhiên, bên cạnh sự lấn cấn, bế tắc của sách văn học tại Pháp, thì sách văn học cho thanh, thiếu niên lại rất đa dạng và đầy sáng tạo. Thu hút được đông đảo người đọc. Văn hóa đại chúng được sống lại. Chính văn học cho thanh, thiếu niên một phần nào đấy đã đổi máu cho nền văn học Pháp. Xuất hiện xu hướng khai thác đa chiều, đa phương diện trong cùng một tác phẩm, có sự biến thể với nhiều hình thức nhưng tuân thủ một chuẩn nhất định như nội dung, văn phong. Những tác phẩm được dịch từ tiếng Anh ở loại sách văn học này đã gợi được sự tò mò của độc giả về những đất nước khác, con người khác, văn hóa khác cũng như cuộc sống của các quốc gia khác.
 

 

Theo Gs Brigitte Ouvry-Vial, Văn học Pháp có sống lại được, một phần cũng nhờ vào các nhà xuất bản nhỏ, những nhà xuất bản này không phụ thuộc các tập đoàn xuất bản, họ cố giữ truyền thống của mình và chính đó là những phao cứu sinh cho sách văn học nói chung và Văn học Pháp nói riêng. Những nhà xuất bản nhỏ ấy đã cố giữ đặc tính về một loại sách nào đấy, cung cấp tri thức nào đấy chuyên biệt đã thành truyền thống của họ. Nói đến phao cứu sinh cho nền Văn học Pháp, Gs Brigitte Ouvry-Vial nhấn mạnh thêm còn có sự tồn tại (tuy không lớn) của giới độc giả trí thức, có văn hóa cao và khó tính. Sự cân đối giữa các nhà xuất bản lớn với các nhà xuất bản nhỏ đôi khi cũng rất có lợi. Tuy nhiên để tồn tại, các nhà xuất bản này phải tuân thủ nguyên tắc họ mãi là những nhà xuất bản nhỏ và chỉ được quảng bá ấn phẩm trên video hoặc truyền thanh chứ không được quảng bá trên truyền hình. Chính sách marketing của các nhà xuất bản nhỏ thiên về sáng tạo và tính độc đáo qua các ấn phẩm xuất bản của mình. Như vậy có thể thấy vai trò của các nhà xuất bản nhỏ với sự tồn tại của Văn học Pháp là không nhỏ chút nào.

HOÀNG CHIẾN THẮNG