Điểm vào không gian ấy, tiếng hát, tiếng đàn ca trù khoan thai vọng lại. Nơi đây, hàng trăm năm trước, Nguyễn Công Trứ ngồi chung chiếu hát với ca nương, kép đàn, nghe ca trù đến tàn canh. Tài hoa, trí tuệ, tâm hồn lãng mạn của Nguyễn Công Trứ vẫn được hậu thế lưu danh, soi mình trong xây dựng cuộc sống mới...
Trong đền thờ cụ Nguyễn Công Trứ vẫn còn lưu lại tấm phản đá mà cụ cùng các danh sĩ đàm đạo văn chương, ngồi chung chiếu hát với các cô đào thưởng thức những giai điệu trầm bổng của ca trù, gửi vào đó bao khát khao về lý tưởng và những nỗi niềm chẳng thể giãi bày trong kiếp nợ tang bồng. Trên tấm phản phẳng phiu, mát rượi ấy, biết bao ý tưởng văn chương và bài hát nói ca trù cất lên. Nguyễn Công Trứ biến ca trù từ lối hát nhỏ lẻ thành thể thơ thuần Việt có thể kết hợp cùng lúc ngân lên với điệu phách nhịp đàn, uyển chuyển đan xen cả xướng, cả thơ, cả ngôn, cả cách. Với 60 bài hát nói, cụ trở thành người định hình và đưa thể hát nói-một thể đặc sắc trong ca trù thành loại hình nghệ thuật độc đáo của Việt Nam. Riêng với hát ca trù ở địa phương, Nguyễn Công Trứ được xem là người có vai trò đưa làn điệu ca trù của giáo phường Cổ Đạm-Nghi Xuân lừng danh cả nội dung và hình thức diễn xướng. Thơ ca trù phóng khoáng, tự do nên ông đã thả sức bộc lộ chí làm trai rất phù hợp với một người văn võ song toàn, vừa thành thạo các cách thức hát xướng ăn chơi, giỏi nhạc, giỏi thơ lại đào hoa đa tình như Nguyễn Công Trứ.
 |
Câu lạc bộ Ca trù Nguyễn Công Trứ biểu diễn ca trù tại Khu di tích đền thờ Nguyễn Công Trứ. |
Cụ Trứ ngày xưa là người tài giỏi giúp dân, giúp nước được nhiều việc. Nhờ ông chỉ đạo và tổ chức khai khẩn mà nhân dân huyện Tiền Hải (Thái Bình), huyện Kim Sơn (Ninh Bình) có nhiều đất đai, cuộc sống ấm no. Khi về quê, cụ vẫn sống gần dân, đạm bạc nhưng tâm hồn phóng khoáng, lãng mạn thi nhân. Theo gia phả dòng họ Nguyễn Công và truyền ngôn cho biết, năm 1848 khi về hưu, Nguyễn Công Trứ chưa về quê nhà ngay, vốn tính phóng khoáng, thích giao du, kết bạn với các nhà Nho, danh sĩ, gắn bó với cảnh đẹp thiên nhiên nên đã lên núi Hồng Lĩnh vãn cảnh. Người dân còn truyền nhau chuyện cụ Nguyễn Công Trứ lo gánh vác việc khai khẩn hoang điền, ngày thì ông xông pha, năng nổ với công việc khai hoang ruộng đất, đêm thì chìm đắm trong điệu phách với câu ca trù, với các ả đào xinh đẹp. Dân làng Uy Viễn kể, Nguyễn Công Trứ đi lên chùa Hương Tích trên núi Hồng Lĩnh vẫn đem theo các cô đào... Chính điều này ông cũng đã viết ra trong bài ca ngất ngưởng: “Gót tiên theo đủng đỉnh một đôi dì”.
Dịp kỷ niệm 240 năm Ngày sinh (19-12-1778 / 19-12-2018) và 160 năm Ngày mất (14-11-1858 / 14-11-2018) của danh nhân Nguyễn Công Trứ, quê nhà làng Uy Viễn, huyện Nghi Xuân, (Hà Tĩnh) đã đón hàng nghìn lượt khách tìm về quê hương của cụ để tỏ lòng ngưỡng vọng. Chị Đặng Thị Vân, Chủ nhiệm Câu lạc bộ Ca trù Nguyễn Công Trứ (Hà Tĩnh) 40 năm tuổi đời nhưng có 20 năm tuổi gắn với những làn điệu ca trù. Đều đặn mỗi tuần hai buổi, các anh, chị em trong câu lạc bộ tập trung ngay tại đền thờ cụ Nguyễn Công Trứ để luyện tập, biểu diễn ca trù cho các đoàn khách thưởng thức. Vừa luyện lại bài hát nói “Trên vì nước, dưới vì nhà” nổi tiếng của cụ Nguyễn Công Trứ cho buổi biểu diễn sắp tới, chị Vân bộc bạch: “Vừa qua, tham gia Liên hoan ca trù toàn quốc, câu lạc bộ đoạt giải A. Đáng mừng hơn, một thế hệ ca nương trẻ, những măng non trên chiếu hát kế tục giữ gìn những làn điệu ca trù. Tiêu biểu là "ca nương nhí” Nguyễn Thị Thu Hà (14 tuổi), một trong những gương mặt ca nương trẻ, đoạt giải Ca nương tài năng trong Liên hoan Ca trù toàn quốc được tổ chức ngay trên quê hương cụ Nguyễn Công Trứ”.
Đến làng Uy Viễn, bà con nơi đây hào hứng giới thiệu Nghi Xuân là huyện đạt chuẩn nông thôn mới đầu tiên của tỉnh nhà, trở thành điểm tham quan, học tập của cả nước về phong trào xây dựng nông thôn mới. Quê hương Nghi Xuân lấy lý tưởng của cụ Nguyễn Công Trứ: “Đã mang tiếng ở trong trời đất/ Phải có danh gì với núi sông”, để tự soi mình, phát huy; không chỉ dừng lại ở huyện nông thôn mới mà còn phấn đấu trở thành huyện nông thôn mới kiểu mẫu rồi phát triển lên thị xã, đô thị văn minh.
Phía sau đền thờ danh nhân Nguyễn Công Trứ từ đâu mọc lên hai cây thông. Chẳng rõ ai trồng hay gió trời dung dưỡng mà giữa mùa đông lạnh giá, nhưng hai cây thông không rụng lá, xanh tươi lừng lững, như cốt cách của người quân tử, kiên định, vững vàng trong nghịch cảnh. Chợt nhớ, có lúc bế tắc trong cuộc đời, Nguyễn Công Trứ cũng đã thốt lên rằng: “Kiếp sau xin chớ làm người/ Làm cây thông đứng giữa trời mà reo”.
Tiếng hát ca trù lại cất lên, hồn quê bay bổng giữa đất trời quê hương. Vọng tưởng xa xưa, Uy Viễn tướng công Nguyễn Công Trứ ngồi trên chiếu hát, vuốt chòm râu bạc, chìm đắm vào những làn điệu trầm mặc, gửi vào đó những nỗi niềm, khát khao lý tưởng...
Bài và ảnh: HOÀNG HOA LÊ