Những cành đào rừng vẫn còn khoe sắc trên triền núi, những dải thổ cẩm rực rỡ vẫn phấp phới bên hiên nhà Gươl, nhưng không khí rộn ràng của ngày Xuân đã dần nhường chỗ cho nhịp sống thường nhật. Bà con lại tất bật với công việc, chuẩn bị cho một năm mới tràn đầy hy vọng và mùa màng bội thu.

Sáng sớm, khi sương còn vương trên những tán cây, bà con đã bắt đầu ra đồng, lên rẫy. Sau những ngày vui xuân, người dân vùng cao A Lưới lại tất bật trở lại với công việc sản xuất. Phụ nữ đeo gùi lên nương, chuẩn bị cho mùa gieo trồng mới. Trên những thửa ruộng, bông lúa mới nảy mầm xanh còn vương ánh sương long lanh trong nắng sớm, chờ đợi bàn tay chăm sóc của người nông dân, đây cũng là thời điểm diễn ra tục "xuống đồng" - nghi thức khởi đầu cho một năm canh tác thuận lợi.

Ông Ra Pát Tréc Men, Trưởng thôn A Đớt, xã Lâm Đớt, huyện A Lưới cho biết: “Sau Tết Nguyên đán, đàn ông trong bản sửa soạn lại các công cụ lao động vào rừng tìm kiếm sản vật, săn bắt hoặc hái lượm. Còn phụ nữ tiếp tục công việc dệt vải thổ cẩm, tạo nên những tấm váy, chiếc khăn đầy màu sắc để chuẩn bị cho những phiên chợ sắp tới...”.

Bà con nhân dân A Lưới tham gia các trò chơi dân gian. 

Không khí làng bản vẫn tràn ngập sự sum vầy khi những ngày Tết vừa qua đi. Người dân đến thăm hỏi nhau, cùng nhắc lại những kỷ niệm đẹp của mùa xuân vừa rồi và chúc nhau một năm mới ấm no, hạnh phúc.

Những người trẻ trong bản tranh thủ học hỏi kinh nghiệm từ người già, từ việc chăn nuôi trồng trọt và chăm sóc rẫy nương. Anh Hồ Văn Dịa, xã Hồng Thượng chia sẻ: “Dù Tết đã qua, phong tục thăm hỏi đầu năm vẫn được duy trì. Chúng tôi tiếp tục đến từng nhà chúc nhau sức khỏe, mùa màng thuận lợi và con cháu ngoan ngoãn. Đây cũng là lúc các gia đình tổ chức ăn Tết lại - một phong tục đẹp của người vùng cao, thể hiện sự trân trọng đối với khách quý và tình cảm gắn kết cộng đồng”.

Ở những bản làng, việc dệt thổ cẩm cũng được các bà, các mẹ khởi động lại khung cửi, tiếp tục dệt nên những tấm vải rực rỡ sắc màu. Mỗi đường dệt không chỉ là một sản phẩm thủ công tinh xảo, mà còn thể hiện tâm huyết gìn giữ bản sắc văn hóa, bảo vệ, giữ gìn, phát triển nghề dệt thổ cẩm truyền thống của đồng bào mình.

Tết qua đi, chợ phiên A Lưới vẫn tấp nập người mua bán. Bà con mang theo những sản vật của núi rừng, như măng rừng, nấm hương, trái rừng để trao đổi. Những nụ cười mộc mạc, những câu chuyện rôm rả, tạo nên một bức tranh sinh động về cuộc sống vùng cao. Chị Nguyễn Thị Thủy, thị trấn A Lưới cho biết: “Những ngày này, phiên chợ vùng cao A Lưới trưng bày nhiều sản vật mang đậm nét của các vùng miền. Bên cạnh mua sắm sản vật, chúng tôi còn được chiêm ngưỡng nhiều điều tại phiên chợ”.

Bên cạnh công việc lao động, các lễ hội đầu năm vẫn tiếp tục diễn ra. Nhiều bản làng tổ chức lễ hội mừng mùa, lễ tạ ơn thần linh, cầu mong cho một năm mưa thuận gió hòa. Người dân lại quây quần bên ánh lửa, cùng nhau nhảy múa trong tiếng cồng chiêng, hát lên những bài ca truyền thống, để tỏ lòng biết ơn với đất trời đồng bào Pa Cô, Tà Ôi, Cơ Tu nơi vùng cao A Lưới. Đối với bà con nơi đây, Tết không chỉ gói gọn trong ba ngày đầu năm, mà còn kéo dài với nhiều hoạt động cộng đồng đặc sắc.

Đồng chí Nguyễn Thị Loan, Phó chủ tịch Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam huyện A Lưới cho biết: “Sau Tết, một số bản làng ở A Lưới bước vào mùa lễ hội. Đây là dịp để cộng đồng cùng nhau tổ chức các nghi thức tạ ơn thần linh, cầu mong một năm mưa thuận gió hòa, mùa màng bội thu. Nhiều nơi vẫn duy trì phong tục cúng Giàng (Trời) hoặc tổ chức lễ cúng thần rừng, thần suối để bày tỏ lòng biết ơn với thiên nhiên. Một hoạt động không thể thiếu là lễ hội đâm trâu - một nghi thức linh thiêng nhằm cầu chúc sức khỏe, bình an cho buôn làng. Bên cạnh đó, các điệu múa truyền thống như Tung Tung Da Dá được biểu diễn bên ánh lửa bập bùng, hòa cùng tiếng cồng chiêng vang vọng khắp núi rừng...

Những ngày sau Tết cũng là thời gian để đồng bào A Lưới tổ chức các trò chơi dân gian gắn liền với đời sống sinh hoạt. Hội thi bắn nỏ, đi cà kheo, kéo co hay trò chơi đan lát… luôn thu hút đông đảo bà con tham gia. Những thanh niên trai tráng thể hiện sự nhanh nhẹn, khéo léo qua hoạt động đan lát hay từng bước chạy chắc chắn trên đôi cà kheo, tạo nên không khí tưng bừng, náo nhiệt.

Nhịp sống sau Tết ở vùng cao A Lưới là sự giao hòa giữa nét truyền thống và sự chuyển động của thời gian. Dẫu cho cuộc sống có thay đổi, bà con nơi đây vẫn giữ gìn những giá trị văn hóa đặc sắc của mình, tạo nên một bản sắc riêng giữa núi rừng Trường Sơn.

Một mùa xuân mới lại tới, mở ra một năm mới đầy hy vọng cho những con người hiền hậu, chân chất của mảnh đất A Lưới thân thương.

Bài ảnh: ĐÌNH TRUNG - HỒ DÓI

 * Mời bạn đọc vào chuyên mục Văn hóa xem các tin, bài liên quan.