Song vì là một "kiện tướng" văn xuôi hiện thực phê phán, nhà văn Ngô Tất Tố đã để lại nguồn tư liệu quý về xã hội Việt Nam thời phong kiến, thực dân, đồng thời tạo ra những câu chuyện kịch tính giàu chất điện ảnh.

Cùng với những sáng tác của các nhà văn thuộc trào lưu hiện thực phê phán như Vũ Trọng Phụng, Nam Cao, tác phẩm của Ngô Tất Tố được các nhà làm phim lựa chọn để chuyển thể. Hai trong số 3 tác phẩm văn học lớn của ông được chuyển thể thành phim, bao gồm "Tắt đèn" và "Lều chõng". "Tắt đèn" được Nhà xuất bản Mai Lĩnh xuất bản lần đầu vào năm 1939. Năm 1980, đạo diễn Phạm Văn Khoa chuyển thể thành phim "Chị Dậu". Phim có sự tham gia của Lê Vân vai chị Dậu, Anh Thái vai anh Dậu, nhà văn Nguyễn Tuân vai Chánh tổng, nhà văn Kim Lân vai Lý Cựu. "Lều chõng" được xuất bản thành sách năm 1941, được nhà biên kịch Lê Ngọc Minh chuyển thể thành kịch bản phim truyền hình và đạo diễn Nguyễn Thanh Vân dàn dựng thành bộ phim dài 23 tập, lên sóng vào năm 2010.

leftcenterrightdel
 Cảnh trong phim truyền hình "Lều chõng" được chuyển thể từ tác phẩm của nhà văn Ngô Tất Tố. Ảnh do đoàn làm phim cung cấp 

Các nhà làm phim ưu tiên lựa chọn chuyển thể tác phẩm của Ngô Tất Tố bởi bên cạnh giá trị hiện thực và nhân đạo sâu sắc còn có chất điện ảnh rõ nét. Điểm mạnh trong sáng tác của ông là các chi tiết chân thực, sống động, giúp các nhà làm phim khai thác, xây dựng bối cảnh và triển khai mạch truyện. "Tắt đèn" tái hiện chân thực không khí ngột ngạt, oi bức, dông bão của làng Đông Xá trong những ngày sưu thuế-một hoàn cảnh điển hình cho nông thôn miền Bắc trước Cách mạng Tháng Tám năm 1945.

Ngay từ đầu tác phẩm, Ngô Tất Tố đã xây dựng bối cảnh làng Đông Xá bị phong tỏa, “nội bất xuất, ngoại bất nhập”, cả làng bị nhấn chìm trong tiếng “mõ cá, trống thúc liên hồi, hiệu ốc, hiệu sừng thổi inh ỏi”, “tiếng thét đâm, thét đánh” rùng rợn suốt 5 ngày liên tục. Người nông dân trong làng cứ như “kiến bò trong chảo nóng”, chạy phía nào cũng bị bao vây bởi bọn cường hào ác bá. Trong "Lều chõng", Ngô Tất Tố dựng lại khá sinh động chế độ thi cử phiền toái, phi lý, mục nát dưới triều Nguyễn, không khác gì “sân khấu rạp tuồng”. Cùng với đó là lối học hành cổ lỗ, nhắm mắt học vẹt, gò vào khuôn phép, không còn sự sáng tạo bởi hàng loạt khuôn phép nghiệt ngã. Hình ảnh sinh hoạt của các nhà Nho, các phong tục, lễ nghi cổ như lễ xướng danh, lễ vinh quy, cách ăn ở và tổ chức chấm thi nơi chốn quan trường... cũng được phản ánh tỉ mỉ, sắc nét.

Nhân vật trong tác phẩm của Ngô Tất Tố là kiểu nhân vật hành động, có sự thay đổi về tính cách, tuân theo nguyên tắc xây dựng tính cách điển hình trong hoàn cảnh điển hình của chủ nghĩa hiện thực phê phán. Điều này tạo điều kiện thuận lợi cho các nhà làm phim đưa lên màn ảnh. Ngô Tất Tố đã xây dựng hàng loạt nhân vật điển hình, vừa tiêu biểu cho các tầng lớp trong xã hội Việt Nam thời thực dân-phong kiến, vừa mang những nét cá tính, riêng biệt.

Có thể kể đến chị Dậu, anh Dậu, Nghị Quế, Lý trưởng (Tắt đèn); Vân Hạc (Lều chõng). Phân cảnh chị Dậu “nổi loạn” chống trả bầy lính lệ khi rơi vào tình cảnh quẫn bách hay khi chị phải cắn răng bán con, bán chó để đủ tiền đóng sưu thuế cho chồng tạo nên kịch tính cần thiết của phim. Trong "Lều chõng", Vân Hạc là kiểu nhân vật hành trình điển hình cho một nho sĩ trải qua các kỳ thi hương, thi hội, thi đình nhằm chinh phục con đường công danh. Đây là kiểu nhân vật ưa thích đối với các nhà làm phim. Dõi theo hành trình nhiều sóng gió của Vân Hạc không nhằm mục đích ngợi ca ý chí, khát vọng công danh mà bóc trần lớp ung nhọt, phi lý của chế độ khoa cử thời phong kiến.

Tố chất của một nhà báo chuyên nghiệp cũng ảnh hưởng không nhỏ đến lối viết của Ngô Tất Tố. Ông quan sát tỉ mỉ, mọi góc cạnh, ngôn ngữ kể và miêu tả chân xác, giàu hình ảnh giúp các nhà làm phim có thể xây dựng bối cảnh, nhân vật trong phim. Ngô Tất Tố còn có biệt tài trong việc xây dựng ngôn ngữ đối thoại của nhân vật. Những tiết đoạn đối thoại kịch tính dễ dàng cho nhà làm phim đưa lên màn ảnh. Như phân đoạn chị Dậu chống trả đám lính lệ: “Mày trói ngay chồng bà đi, bà cho mày xem!”, “Ô! Nhà ông này mới hay chứ! Có buông ra không thì tôi kêu lên bây giờ!”...

Dù mọi tác phẩm văn học đều có tiềm năng chuyển thể thành phim, nhưng có thể thấy tác phẩm của Ngô Tất Tố lộ rõ chất điện ảnh. Chuyển thể "Tắt đèn" và "Lều chõng", các nhà làm phim không chỉ tái hiện không khí xã hội một thời bằng ngôn ngữ điện ảnh mà còn mở rộng, kết nối với nhiều vấn đề mà con người hôm nay quan tâm. Chính nhờ vậy, tác phẩm của ông có thêm đời sống mới. Ngô Tất Tố không chỉ đóng góp cho sự vận động, phát triển của văn học Việt Nam hiện đại mà còn dự phần vào đời sống điện ảnh nước nhà.

Tiến sĩ NGUYỄN VĂN HÙNG