Phóng viên: Chị có thể cho biết lý do nhóm lại lấy thể loại ký họa xuyên suốt mà không phải là thể loại khác?

KTS Trần Thị Thanh Thủy: Nhóm chọn thể loại ký họa mà không phải là thể loại nào khác bởi vì nó là một cái cách để xếp nhanh những cảm xúc của mọi người và không cần quá cầu kỳ về mặt chất liệu, về mặt thời gian để hoàn thành bức tranh như các thể loại khác. Từ đó mọi người dễ dàng xuống phố và dành một chút thời gian rảnh để đi ký họa cùng nhau, ghi lại những cảm xúc của mình với vẻ đẹp phố phường.

Kiến trúc sư Trần Thị Thanh Thủy.

Phóng viên: Thưa chị, được biết thời gian gần đây, những workshop dạy vẽ online (trực tuyến) của nhóm thu hút rất nhiều sự quan tâm không chỉ trong nước mà còn bạn bè quốc tế, xuất phát từ ý tưởng nào mà nhóm đã cho ra đời những workshop online?

KTS Trần Thị Thanh Thủy: Trung bình là mỗi một tháng chúng tôi có các workshop để giúp mọi người học thêm các kỹ năng vẽ, nhất là những người mới bắt đầu. Trong nhóm liên tục có người tham gia cần có những trang bị kiến thức cơ bản để có thể vẽ được. Bình thường, chúng tôi vẽ trực tiếp hoặc làm workshop trên phố. Vì đợt dịch Covid-19 mọi người ở nhà, thế nên nhóm chúng tôi đã làm ra workshop online này.

Phóng viên: Chị đánh giá như thế nào về việc dạy vẽ thông qua các workshop?

KTS Trần Thị Thanh Thủy: Khi nhóm bắt đầu thành lập đã có rất nhiều các bạn sinh viên và các bạn trẻ em tham gia, có những bạn chưa biết viết đã bắt đầu viết vẽ. Cảm động nhất trong nhóm là có rất nhiều các bà mẹ chăm con, nhóm đi vẽ ngoài trời trong điều kiện thời tiết nắng nóng, gió rét, nhưng vẫn cùng con bám trụ ngồi ngoài phố để hoàn thành bài vẽ. Điều gì đã thôi thúc gia đình các gia đình đầu tư cho con như vậy? Có lẽ chỉ có tình yêu dành cho Hà Nội mới có thể thôi thúc họ làm như vậy!

Bức tranh ký họa của thành viên nhóm USK Hà Nội vẽ.

Phóng viên: Dự định của nhóm trong thời gian tới là như nào thưa chị?

KTS Trần Thị Thanh Thủy: Sắp tới là Ngày Quốc tế Thiếu nhi 1-6, nhóm sẽ tổ chức chương trình "Bé vẽ Pù Luông 2020". Khác với cả những lần triển lãm thông thường, chương trình lần này muốn lan tỏa tình yêu nghệ thuật đến với các bạn vùng cao để giúp các bạn hiểu giá trị văn hóa các vùng miền, có ý thức bảo vệ di sản thiên nhiên cũng như kiến trúc văn hóa địa phương. Về kinh phí, nhóm chúng tôi là nhóm phi lợi nhuận, vì vậy tất cả nguồn kinh phí hoạt động đều không có. Chúng tôi có sản xuất sách về ký họa hằng năm, tuy nhiên số tiền lãi rất ít. Mọi người tham gia đều hết sức hào hứng và tự nguyện, tất cả chỉ cần tình yêu đối với Hà Nội, đối với mỹ thuật là đủ. Những sự kiện tổ chức cần có kinh phí đầu tư, chúng tôi đang kêu gọi các nhà tài trợ chung tay ủng hộ để chương trình tổ chức lớn hơn, đặc biệt là chương trình “Những hạt mầm nở hoa” trong thời gian tới, nhằm tạo hiệu ứng lan tỏa mục đích rộng hơn nữa.

Nhóm ký họa luôn tìm ra những góc nhìn mới 

Phóng viên: Đi nhiều và vẽ nhiều vậy, điều chị băn khoăn là gì đối với những di sản hiện nay?

KTS Trần Thị Thanh Thủy: Những năm gần đây ở Sa Pa, Hà Giang hay Đà Lạt có nhiều cảnh đẹp thiên nhiên, di sản bị phá vỡ bởi những công trình kiến trúc mọc lên. Theo tôi, đây là do sự thiếu kiến thức về mỹ thuật cộng với sự vô ý thức của con người đã không gìn giữ được vẻ đẹp thiên nhiên đã trao tặng cho chúng ta. Vì vậy, hy vọng chương trình “Những hạt mầm nở hoa” thực hiện vào 1-6 tới đây sẽ giúp người dân, đặc biệt là trẻ em vùng cao biết gìn giữ hơn những giá trị văn hóa nơi quê hương mình sinh sống.

Phóng viên: Xin cảm ơn chị!

KIM THU (thực hiện)