Gần 30 tham luận của các nhà nghiên cứu, nhà sử học đã đánh giá một cách toàn diện, đầy đủ cuộc đời, sự nghiệp, công trạng, vai trò của danh nhân Lưu Đình Chất trong lịch sử dân tộc. Từ đó, nghiên cứu đề xuất các giải pháp bảo tồn, phát huy các giá trị di sản về ông trong bối cảnh hiện nay, góp phần phát triển kinh tế, xã hội của địa phương.

leftcenterrightdel

Hội thảo khoa học về danh nhân Lưu Đình Chất được tổ chức tại huyện Hoằng Hóa, tỉnh Thanh Hóa. 

Danh nhân Lưu Đình Chất (1566-1627) người làng Quỳ Chử, huyện Hoằng Hóa, trấn Thanh Hoa (nay là thôn Đông Khê, xã Hoằng Quỳ, huyện Hoằng Hóa, tỉnh Thanh Hóa), là con của Lâm quận công Lưu Đình Thưởng, hậu duệ đời thứ 21 của Thái sư Lưu Cơ. Theo sử liệu, ông đỗ đạt khá muộn. 42 tuổi, Lưu Đình Chất tham gia thi Đình, đỗ Đệ nhị giáp Tiến sĩ xuất thân (Hoàng giáp), ông được phong chức Đô cấp sự trung (chức quan đứng đầu một cơ quan giúp việc thời Lê - Trịnh).

Năm 1614, Lưu Đình Chất được ban chức Dinh điền Chánh sứ vùng biển Giao Thủy, Nam Định, ông đã xuất tiền đắp đê, lấn biển, lập ra 12 làng, trong đó có hai làng Hạ Cát (xã Hồng Thuận) và Diêm Điền (xã Bình Hòa), huyện Giao Thủy.

Năm Quý Hợi (1623), ông có công lớn trong việc dẹp loạn Hoàng tử Vạn quận công Trịnh Xuân tranh ngôi Thế tử, được chúa Trịnh Tráng biết tài và mến đức. 

Với nhiều đóng góp quan trọng, Lưu Đình Chất được triều đình phong kiến Lê - Trịnh thăng Đô ngự sử, rồi Tá lý công thần, Thượng thư Bộ hộ, Tham tụng (Tể tướng), Thiếu bảo tước Phúc Quận công. Danh nhân Lưu Đình Chất còn là một nhà thơ lớn, đã để lại 19 bài thơ cận thể trong “Toàn Việt thi lục”. Năm 1627, ông mất, thọ 62 tuổi, được truy tặng Thiếu sư.

leftcenterrightdel
 Hội thảo khoa học thu hút sự tham gia của đông đảo các nhà khoa học, nhà nghiên cứu trong cả nước.

Ông được thờ phụng tại đình Đông Khê, Nhà thờ họ Lưu ở thôn Đông Khê, tỉnh Thanh Hóa; Nhà thờ dòng họ Lưu Đình tại Đồ Sơn, Hải Phòng và tại hai cụm di tích cấp quốc gia đền - chùa Hà Cát và Diêm Điền, huyện Giao Thủy, Nam Định. Đình Đông Khê và lăng mộ danh nhân Lưu Đình Chất được xếp hạng di tích cấp tỉnh năm 1993.

Theo TS Lê Ngọc Tạo, Chủ tịch Hội khoa học Lịch sử Thanh Hóa và nhiều nhà nghiên cứu đề nghị, cần đổi tên cho một trường học hiện nay (có thể là Trường THPT Hoằng Hóa 2, hay Trường THCS, Trường Tiểu học xã Hoằng Quỳ mang tên Lưu Đình Chất. Trong ngân hàng tên đường phố của Hoằng Hóa, hay TP Thanh Hóa cần đưa danh nhân Lưu Đình Chất.

leftcenterrightdel
Nhà thờ họ Lưu Đình tại Đồ Sơn, Hải Phòng có thờ danh nhân Lưu Đình Chất.

Phát biểu tại hội thảo, TS Lưu Văn Thành tự hào: “Lưu tộc Việt Nam, tuy chỉ chiếm khoảng 0,45% dân số cả nước, đứng thứ 25 trong các dòng tộc Việt Nam, nhưng thời nào cũng có anh hùng hào kiệt cống hiến cho đất nước. Qua khảo sát, Lưu tộc Việt Nam đã liệt kê được 180 danh thần họ Lưu được ghi danh sử sách và hoặc làm quan từ tứ phẩm trở lên hay được ban tước, phong sắc, được thờ phụng tại các di tích ở các địa phương. Lưu Đình Chất là một trong số những người con tiêu biểu của Lưu tộc Việt Nam”.

HÀ ANH

* Mời bạn đọc vào chuyên mục Văn hóa xem các tin, bài liên quan.