Phóng viên (PV): Các nhà nghiên cứu văn học cho rằng, Việt Nam có một nền văn học rất đáng tự hào, đặc biệt thơ là thể loại có nhiều thành tựu. Nhưng hiện nay, nhắc đến thơ Việt Nam, nhiều người mới chỉ biết đến kiệt tác "Truyện Kiều", theo ông nguyên nhân do đâu?
Nhà thơ, dịch giả Hồng Thanh Quang: Đa phần những tác phẩm văn học được phổ cập thế giới thường đến từ những nền văn học của những ngôn ngữ lớn. Còn đại đa số các nước khác thì chưa biết gì nhiều về nền văn học của nhau. Ngay ở trong khu vực Đông Nam Á, thẳng thắn mà nói, chúng ta có biết nhiều về văn học của các quốc gia láng giềng không? Giải thưởng Văn học ASEAN được trao hằng năm nhưng độc giả Việt Nam có được tiếp cận nhiều với những tác phẩm được nhận giải thưởng này ở các nước láng giềng không? Và liệu độc giả ở các nước ASEAN khác có được đọc bản dịch các tác phẩm văn học Việt Nam được trao giải không? Nhìn vào giải Nobel về văn học, có thể thấy, đa phần được trao cho những tác giả viết bằng các ngôn ngữ phổ biến hàng đầu. Người Việt chúng ta có thể tự hào là một dân tộc có nền văn học rực rỡ, song nhìn vào thực tế, ảnh hưởng của văn học Việt Nam nói chung và thơ Việt Nam nói riêng tới thế giới liệu có lớn không? Chắc cũng chỉ ở mức khiêm tốn thôi. Nhưng cũng phải nói rằng, chúng ta không việc gì phải tự ti, bởi hầu hết các quốc gia khác cũng đều như thế. Không phải nền văn học nào cũng có thể ảnh hưởng rộng rãi trên thế giới. Lời khẳng định rằng dường như thế giới biết nhiều đến “Truyện Kiều”, theo tôi hiểu, nếu có thực thì cũng chỉ chủ yếu ở trong giới nghiên cứu, còn người đọc rộng rãi ngay tại những nước như Pháp hay Nga thì chưa chắc đã biết nhiều tới nó, dù đã có không chỉ một bản dịch “Truyện Kiều” ra tiếng Pháp và tiếng Nga.
 |
Nhà thơ, dịch giả Hồng Thanh Quang. Ảnh nhân vật cung cấp |
PV: Từ kinh nghiệm dịch giả, theo ông dịch thơ có khó không?
Nhà thơ, dịch giả Hồng Thanh Quang: Về mặt nguyên tắc thì thơ không dịch được. Danh ngôn châu Âu có câu: “Dịch là phản”, chắc là trước hết để nói về việc dịch thơ. Mỗi bài thơ đều gắn bó vô cùng chặt chẽ với ngôn ngữ mà nó sinh ra. Chính vì thơ khác văn xuôi và các thể loại khác bởi sự ma mị không thể bao giờ lập trình được của thi ca nên khiến cho bài thơ sinh ra ở ngôn ngữ nào bị bó buộc rất chặt với ngôn ngữ đó. Vì thế, thơ chỉ có thể được chuyển ngữ và cần có sự tái tạo và sáng tạo rất cao khi thực hiện công việc này. Vì các ngôn ngữ phần lớn khác nhau, với những niêm luật thơ khác nhau. Và người dịch cần phải có tâm hồn thơ thực sự thì mới may ra chuyển ngữ được các bài thơ. Trong thực tế, có người dịch là nhà thơ, có người không phải là nhà thơ, nhưng tối thiểu cũng phải cảm nhận được hồn thơ, những “ý tại ngôn ngoại”, những xúc cảm ở giữa các câu, ở sau các con chữ... Trong bất cứ ngôn ngữ nào thì từ ngữ không chỉ có nghĩa, mà lắm khi còn mang trong mình những điển tích, những tâm thế, những nấc bậc cảm xúc, những góc nhìn rất đặc thù... Khi chuyển những từ như thế sang một ngôn ngữ khác bằng những từ có nghĩa tương đương với nguyên bản, theo kết cấu thi ca không mấy khi giống ở nguyên bản, thì không dễ tạo lập một không khí thi ca như ở bản gốc. Dịch thơ thực ra rất thiên biến vạn hóa, luôn cần đến một tâm thế sáng tạo của nhà thơ.
PV: Nhiều người biết đến nhà thơ Mai Văn Phấn như một người thành công trong việc “xuất khẩu” thơ Việt Nam ra nước ngoài. Phải chăng con đường quảng bá thơ Việt Nam ra thế giới rất tiềm năng, thưa ông?
Nhà thơ, dịch giả Hồng Thanh Quang: Tôi nghĩ con đường thơ của anh Mai Văn Phấn lựa chọn rất truân chuyên, nhưng thật đáng ngưỡng mộ. Ít ra là cá nhân tôi rất khâm phục! Bằng bản lĩnh của một nhà thơ đích thực, Mai Văn Phấn đã tìm ra được con đường đưa thơ của anh ra nước ngoài một cách ngoạn mục. Tôi không biết hiệu quả thực sự đến đâu, nhưng tôi luôn ngả mũ trước những việc anh ấy dám nghĩ, dám làm. Nhưng ở Việt Nam có được mấy người như Mai Văn Phấn? Anh ấy có sự nhẫn nại, kiên trì không biết mệt mỏi để theo con đường thơ với cách riêng của mình. Anh ấy rất có kinh nghiệm trong việc kết nối và mở rộng mối quan hệ quốc tế. Đó là điều mà nhiều nhà thơ Việt Nam chưa làm được.
PV: Được biết Hội Nhà văn đang chú trọng quảng bá văn học Việt Nam ra nước ngoài. Ông có đóng góp gì cho chủ trương này?
Nhà thơ, dịch giả Hồng Thanh Quang: Rất mong việc quảng bá văn học Việt Nam nói chung được chú trọng một cách đúng đắn và thực chất. Chúng ta cần có sách lược nghiêm túc cho lộ trình này, thực sự vì cái chung, không nên quá thiên về tính cá nhân hay lợi ích nhóm.
Không phải thời đại nào, thế hệ nào cũng sản sinh ra người dịch thơ chất lượng đâu. Tôi biết ở Nga từng có những dịch giả thơ được đào tạo, săn sóc, bồi dưỡng phát triển, để chuyển tải những tác phẩm lớn từ tiếng nước ngoài sang tiếng Nga. Và những nhà thơ lớn ở Nga cũng thường có được những dịch giả tương xứng với mình ở những ngôn ngữ khác. Muốn có sự lan tỏa nghệ thuật đích thực thì cần phải đầu tư tốt cả nhân lực và vật lực, nhưng chúng ta hình như chưa chú trọng đầy đủ tới việc này. Đôi khi, người có tài thật thì không được đầu tư, người được đầu tư thì chưa hẳn có tài lắm. Trong điều kiện hiện nay, tôi cho rằng, tốt nhất, mỗi một nhà thơ vẫn phải tự cố gắng thiết lập, mở rộng quan hệ quốc tế của mình.
PV: Trân trọng cảm ơn ông!
VÂN HÀ (thực hiện)