Quả thật, sống trong một đất nước quá nhiều năm phải chiến đấu chống ngoại xâm và luôn trằn lưng trong công cuộc xây dựng một đời sống hậu chiến cam go, những tình cảm mang tính công dân, tình cảm cộng đồng phần nào lấn át các tình cảm riêng, bản năng của cá nhân con người. Nhưng đã là những tình cảm cốt lõi, thì dù trong hoàn cảnh nào, chúng vẫn sống trong chúng ta trọn vẹn, đầy đủ và mãnh liệt, cho dẫu có khi rất âm ỉ. Và vì thế, cùng với những tình cảm mạnh mẽ như tình yêu, tình bạn, tình người, thứ tình cảm của con người dành cho cha, cho mẹ, nhất là cho những người mẹ bao giờ cũng da diết, và do đó, nó được phản ánh trong thơ, trong nhạc rất phong phú.
Từ bao đời, có đứa trẻ nào không lớn lên bằng bầu sữa mẹ và những lời ru cũng từ miệng người mẹ. Lời ru-đó chính là dòng âm nhạc mà mọi người mẹ trên đất này dành cho con mình, và nhà thơ Xuân Quỳnh đã lột tả chính xác sức mạnh kỳ lạ này:
... Lúc con lên núi thẳm
Lời ru cũng gập ghềnh
Khi con ra biển rộng
Lời ru thành mênh mông
Và, chính các nhạc sĩ chứ không ai khác, đã mượn và phát triển thêm lời ru của những bà mẹ ngàn đời trên đất nước này để nâng chúng lên thành những tác phẩm âm nhạc hiện đại, hoàn thiện, đủ sức cất lên tiếng lòng của mọi đứa con trên đời trước công ơn sinh thành và dưỡng dục của mẹ mình. Chúng ta sẽ khó quên những ca khúc tuyệt vời như: “Mẹ ru con” của nhạc sĩ Nguyễn Văn Tý, “Đất nước lời ru” của nhạc sĩ Văn Thành Nho hay “Bài ca bên cánh võng” của nhạc sĩ Nguyên Nhung, và đặc biệt là cả một xê-ri những ca khúc về người mẹ và lời ru của nhạc sĩ Trịnh Công Sơn: “Mẹ ru con”, “Ca dao mẹ”, “Lời ru đêm”, “Lời mẹ ru”...
Bên cạnh âm nhạc, những vần thơ về mẹ của các nhà thơ đương đại cũng đã tạc vào lòng người những miền ký ức thật khó phai. Chẳng hạn, câu thơ xuất thần của nhà thơ Thu Bồn:
Mẹ thả neo vào mồm con bằng chiếc vú
Mà sóng đau thương cuộc đời không đánh bật được mẹ ra
Rồi bài thơ mang tựa đề “Mẹ ốm” của nhà thơ từng được gọi là “Thần đồng thơ” Trần Đăng Khoa là đã đủ nói lên cái tình cảm ruột rà, mới thấu hiểu lòng mẹ đến nhường nào, dù lúc đó nhà thơ mới 9, 10 tuổi:
Nắng mưa từ những ngày xưa
Lặn trong đời mẹ đến giờ chưa tan…
Cả đời đi gió đi sương
Bây giờ mẹ lại lần giường tập đi…
Và tấm lòng hiếu thảo cũng tuyệt vời của một đứa con bé bỏng:
Mẹ vui con có quản gì
Ngâm thơ, kể chuyện, rồi thì múa ca
Rồi con diễn kịch giữa nhà
Một mình con sắm cả ba vai chèo…
Và chúng ta nên nhớ, đó là giữa những ngày cả nước đang đánh Mỹ, bom rơi đạn nổ trên đầu, từ tình cảm thắm thiết với người mẹ ruột của mỗi con người, chúng ta đã đến với người mẹ lớn-nhân dân một cách tự nhiên như không sao khác được. Đó là những “Bầm ơi” của Tố Hữu thời chống Pháp, “Mẹ đào hầm từ lúc tóc còn xanh” trong bài thơ "Đất quê ta mênh mông" của Dương Hương Ly thời chống Mỹ… và rất nhiều bài thơ hay của các nhà thơ thời đánh giặc.
Còn tôi, đến giờ, bài “Mẹ hát trước hàng quân” mà tôi viết để tặng mẹ Tơ già móm mém, ở Nhã Nam, trong ngày đầu nhập ngũ vẫn luôn bên lòng:
… Xóm làng nào con chưa biết tên
Một khúc dân ca bỗng thành gần gũi
Cũng tre lá tỏa trên đầu đồng đội
Cũng vầng trăng thân thuộc những ngày xưa
Lắng bao niềm trong một tiếng nôi đưa
Nỗi tha thiết thấm vào lời vào nhạc
Từ lời ru người mẹ hiền thuở trước
Đến hôm nay người mẹ lớn nhân dân...
ANH NGỌC