QĐND Online - Cách đây chưa lâu, tôi may mắn được theo chân một biên tập viên nhà xuất bản Quân đội nhân dân ghé thăm gia đình Đại tá, nhạc sĩ Huy Thục. Căn nhà cấp bốn đơn sơ, nằm nép mình trên con phố nhỏ Mai Dịch (Hà Nội) nhưng lúc nào cũng rộn vang tiếng người, tiếng đàn.
Khi biết chúng tôi muốn xem lại các bản thảo âm nhạc của ông, nhạc sĩ Huy Thục liền kể cho chúng tôi nghe câu chuyện về một bài hát vừa “góp công” giúp các “dũng sĩ Động Tri” thuộc Trung đoàn 95C, tìm thấy các đồng đội đã hy sinh của mình trong chiến dịch Khe Sanh - Quảng Trị.
 |
Nhạc sĩ Huy Thục (ngồi giữa) ở Khe Sanh, Quảng Trị. Ảnh chụp lại.
|
Nhạc sĩ Huy Thục tâm sự: Hôm đó, biên tập viên Thu Uyên của chương trình Trở về từ ký ức đến thăm nhà ông. Thu Uyên chia sẻ chương trình mới nhận được thông tin của nhân dân, có một nhóm người đi vào rừng và phát hiện 5 ngôi mộ trên đồi Động Tri. Thế nhưng các liệt sĩ là những ai và làm thế nào để xác định danh tính từ một trận chiến cách đây 50 năm? Trong trận chiến đấu ấy, ít nhất 5 đồng chí đã hy sinh và được mai táng ngay hàng.
Nhạc sĩ Huy Thục là người có nhiều bài hát về Khe Sanh, đã ăn sâu vào máu thịt và được người dân Quảng Trị thừa nhận “đúng là bài hát của miềng rồi”. Trong số đó, “Bài ca dũng sĩ trên đồi Động Tri” được ông viết tại K6, Trường Sơn, nơi đơn vị đánh cao điểm đồi Động Tri vào ngày 21-7-1967, là bài hát ca ngợi một chiến công có thật của những chiến sĩ thuộc Đại đội 9, Tiểu đoàn 6, Trung đoàn 95C, Sư 325C.
 |
Nhạc sĩ Huy Thục tâm sự về hoàn cảnh ra đời bài hát.
|
Nhạc sĩ Huy Thục cho biết: Cứ điểm Động Tri thuộc miền Tây Quảng Trị, do một đại đội biệt kích Mỹ đóng giữ, là “con mắt” của Khe Sanh. Sau mấy ngày giao nhiệm vụ nhưng Đại đội 9 vẫn chưa tiếp cận được mục tiêu, lương thực sắp hết, mà trận địa quân địch bố trí mìn dày đặc. Khi cả tổ đang lo lắng thì vào một đêm, anh em thấy một con trăn từ trên khe núi trườn xuống nhưng không hề nghe thấy một tiếng nổ hay một quả mìn phát sáng nào. Đó chính là mấu chốt để trinh sát của ta nhận định, địch sợ lòng khe rậm rạp, lắm rắn rết nên không rải mìn. Nhờ đó quân ta đã thực hiện trận đánh theo lối “trăn trườn” và giành thắng lợi. Cả đại đội 9 được tặng thưởng Huân chương chiến công hạng ba, trở thành những “dũng sĩ” trên đồi Động Tri.
Từ linh hồn của bài hát gắn với sự kiện lịch sử “Trên đồi Động Tri vang tiếng kèn xuất trận” hay “Đêm nay ta tới Động Tri quyết tiêu diệt giặc Mỹ”, Thu Uyên xin bản thu âm bài hát rồi đi tìm kiếm từ Bắc chí Nam, tập hợp tất cả những ai là “dũng sĩ” trên đồi Động Tri năm đó gặp nhau trong dịp 48 năm ngày nhập ngũ (13-9-1965 / 13-9-2013). Họ đã hồi tưởng lại những trận đánh, nơi chôn cất anh em hy sinh, vào thời điểm nào, quê quán các liệt sĩ. Đặc biệt trong lúc chôn cất đồng đội, các “dũng sĩ” Động Tri có viết tên cho vào lọ Petaxilin, khắc tên lên mảnh đạn, hoặc trên tấm nhựa mi-ka, nên xác định được danh tính các liệt sĩ. Kết hợp với những thông tin dữ liệu còn lưu lại trong sổ sách của Ban chính sách, Quân khu 4, viết về Trung đoàn 95C, chương trình đã tìm được người thân của 4 liệt sĩ Lê Huy Điểm, Đông Văn Lãm, Nguyễn Xuân Thành, Mai Hồng Hải; còn liệt sĩ Lặng Văn Tương quê ở Châu Hội, Quỳnh Lưu, Nghệ An thì chưa tìm được người thân.
 |
Bản thảo Bài ca dũng sĩ trên đồi Động Tri.
|
Nhạc sĩ Huy Thục còn nhớ như in có lần ông về Thái Bình tình cờ gặp lại một “dũng sĩ” trên đồi Động Tri đang thổi kèn đám ma. Người “dũng sĩ” ấy đã cầm chặt tay ông rồi nói “Bác Thục ơi, thời đó chúng em đã hát Bài ca dũng sĩ trên đồi Động Tri trong cả những lúc đánh trận. Giờ em thổi kèn đám ma, những lúc nhớ đồng đội quá em lại thổi Bài ca dũng sĩ trên đồi Động Tri”. Người nhạc sĩ nghe vậy cứ rơm rớm nước mắt.
Bài và ảnh: PHẠM KIÊN (ghi theo lời kể của Đại tá, Nhạc sĩ Huy Thục)