Ban tổ chức đã nhận được hơn 40 tham luận gửi đến tọa đàm; hơn 100 đại biểu là nhà quản lý, nhà khoa học, văn nghệ sĩ tiêu biểu tham dự.
 |
Đồng chí Nguyễn Trọng Nghĩa phát biểu. |
Mục tiêu chủ yếu của tọa đàm là căn cứ vào nội dung của Đề cương về văn hoá Việt Nam (1943), xuất phát từ đời sống lý luận, phê bình và thực tiễn phát triển văn học, nghệ thuật nước nhà để đánh giá, làm rõ những vấn đề cơ bản sau: Phân tích làm rõ quan điểm cơ bản về văn hoá, văn nghệ và giá trị lý luận, thực tiễn sâu sắc, lâu bền của Đề cương về văn hoá Việt Nam (1943); làm rõ quá trình kế thừa, vận dụng và phát triển những nội dung quan trọng của Đề cương trong việc xây dựng và phát triển tư duy lý luận văn nghệ Việt Nam qua các thời kỳ lịch sử; đề xuất định hướng và những nội dung cần tiếp tục nghiên cứu, vận dụng, phát triển để xây dựng hệ thống lý luận văn nghệ Việt Nam thời kỳ đổi mới và hội nhập.
Phát biểu tại tọa đàm, Phó thủ tướng Trần Hồng Hà đề nghị Hội đồng Lý luận, phê bình văn học, nghệ thuật Trung ương sau tọa đàm kiến nghị cụ thể với chính phủ để xây dựng chương trình tổng thể về phát triển văn hóa Việt Nam. Phó thủ tướng mong muốn các nhà nghiên cứu, các đại biểu, nhà khoa học tiếp tục nghiên cứu và có những dự báo để văn hóa, văn nghệ tham gia đóng góp sự phát triển của đất nước, phù hợp với xu thế phát triển hiện nay.
 |
Đồng chí Trần Hồng Hà phát biểu |
Phát biểu kết luận tọa đàm, đồng chí Nguyễn Trọng Nghĩa nhấn mạnh: Đề cương về văn hóa Việt Nam là văn kiện đầu tiên của Đảng về văn hóa, văn nghệ, đã có tác dụng to lớn định hướng phát triển văn hóa văn nghệ suốt 80 năm qua. Đặc biệt, ba nguyên tắc vận động văn hóa "dân tộc hóa", "khoa học hóa", "đại chúng hóa" có sức sống mạnh mẽ, trường tồn.
Với bối cảnh tình hình trong nước và thế giới có nhiều biến đổi, đồng chí Trưởng ban Tuyên giáo Trung ương nhấn mạnh cần tiếp tục bổ sung để đổi mới tư duy lý luận của Đảng về văn hóa, văn nghệ, đáp ứng nhu cầu của người dân, cho sự phát triển của đất nước.
Đồng chí Nguyễn Trọng Nghĩa đề nghị Hội đồng tiếp tục tập trung tổ chức một số công tác trọng tâm đó là: Tham gia tổng kết 15 năm thực hiện Nghị quyết số 23- NQ/TW của Bộ Chính trị khóa X về “Tiếp tục xây dựng và phát triển văn học, nghệ thuật trong thời kỳ mới”, tổng kết 10 năm thực hiện Nghị quyết số 33 - NQ/TW của Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XI về “Xây dựng và phát triển văn hóa, con người Việt Nam đáp ứng yêu cầu phát triển bền vững đất nước”, tổng kết công tác lý luận, phê bình văn học, nghệ thuật Việt Nam sau 50 năm đất nước thống nhất, tham gia Chương trình nghiên cứu, tổng kết thực tiễn văn học nghệ thuật thời kỳ đổi mới và hội nhập.
 |
Quảng cảnh tọa đàm. |
Từ thực tiễn sáng tạo văn học nghệ thuật, Hội đồng cần nghiên cứu đề xuất những giải pháp khả thi, đưa đường lối của Đảng vào đời sống, quảng bá ngày càng sâu rộng văn hóa Việt Nam ở nước ngoài, thúc đẩy sự phát triển mạnh mẽ nền văn học nghệ thuật để chúng ta có nhiều tác phẩm văn học nghệ thuật thể hiện chân thực đời sống nhân dân, dân tộc, giàu giá trị nhân văn và giá trị thẩm mĩ, xứng đáng với tầm vóc của dân tộc và thời đại.
Tin, ảnh: HOÀNG HOÀNG