Nhằm nhận diện, đánh giá đầy đủ về những khía cạnh lịch sử, tập quán sử dụng, chức năng, giá trị văn hóa, xã hội, nghệ thuật và bản sắc văn hóa của áo dài Việt Nam, Bộ VHTTDL và Hội Liên hiệp Phụ nữ Việt Nam đã chỉ đạo Viện Văn hóa Nghệ thuật Quốc gia Việt Nam và Bảo tàng Phụ nữ Việt Nam tổ chức Hội thảo Quốc gia “Áo dài Việt Nam: Nhận diện, tập quán, giá trị và bản sắc” vào sáng 26-6, tại Hà Nội.

Hội thảo có sự tham gia của các nhà nghiên cứu, quản lý di sản văn hóa, nhà thiết kế thời trang, nghệ nhân làm áo dài… đã góp phần quan trọng vào quá trình khẳng định giá trị của áo dài Việt Nam, khơi dậy niềm tự hào dân tộc để áo dài có giá trị trường tồn trong đời sống.

Trang phục áo dài, áo tứ thân của phụ nữ Việt xưa.

Bề dày lịch sử, truyền thống văn hóa của áo dài

Phát biểu tại Hội thảo, PGS, TS Bùi Hoài Sơn, Viện trưởng Viện Văn hóa Nghệ thuật Quốc gia Việt Nam nhấn mạnh: Áo dài Việt Nam không chỉ đơn thuần là loại trang phục dân tộc mà còn chứa đựng cả bề dày lịch sử, truyền thống văn hóa, tính triết lý, những quan niệm thẩm mỹ nghệ thuật, ý thức và tinh thần dân tộc của người Việt Nam. Trải qua bao thăng trầm của lịch sử, áo dài ngày càng khẳng định là bộ trang phục đại diện cho sắc phục Việt Nam, của người Việt Nam, do người Việt sáng tạo và cách tân cho phù hợp với nhu cầu sử dụng trong xã hội hiện đại. Áo dài giờ đây không chỉ là biểu tượng cho hình ảnh người phụ nữ Việt Nam, mà còn đại diện cho văn hóa, bản sắc dân tộc Việt Nam ra thế giới. Hội thảo là cơ hội để các nhà nghiên cứu, quản lý văn hóa nghệ thuật, thiết kế thời trang và các nghệ nhân trình bày, thảo luận những vấn đề lịch sử, chức năng, giá trị văn hóa, xã hội, nghệ thuật của trang phục áo dài Việt Nam.

Phó chủ tịch Hội Liên hiệp Phụ nữ Việt Nam Bùi Thị Hòa, chia sẻ: Trang phục áo dài đã đi cùng với lịch sử của dân tộc Việt Nam. Áo dài không chỉ dành riêng cho phụ nữ mà cả nam giới, là triều phục, lễ phục tôn nghiêm trong các nghi lễ của triều đình phong kiến. Trải qua bao biến thiên của lịch sử và tiếp biến văn hóa, ngày nay, áo dài vẫn là trang phục truyền thống trang trọng trong những dịp nghi lễ quan trọng của gia đình, dòng họ, cộng đồng hay trong những ngày lễ lớn của dân tộc. Áo dài được phụ nữ mặc ngày càng phổ biến ở trường học, công sở, doanh nghiệp. Trong các sự kiện quan trọng của đất nước, trên các diễn đàn quốc tế, áo dài mặc nhiên trở thành “quốc phục” trang trọng, lịch lãm của phụ nữ Việt Nam.

PGS,TS Đặng Văn Bài (Hội Di sản văn hóa Việt Nam) đánh giá, áo dài vừa đơn giản, gọn gàng, tiện dụng mà vẫn toát lên thần thái thanh lịch và vẻ đẹp đầy nữ tính của người mặc. Nét đặc sắc của áo dài được thể hiện ở tính phổ cập của trong đời sống xã hội; tính đa dạng về văn hóa (chất liệu, kiểu dáng, các khâu sáng tạo và các chủ thể sáng tạo) và tính biểu tượng mang bản sắc dân tộc có khả năng lan tỏa hình ảnh con người và đất nước Việt Nam trong lòng bạn bè quốc tế, làm cho áo dài xứng đáng được tôn vinh là “quốc phục”, đáp ứng tiêu chí của UNESCO để ghi danh tại Danh sách di sản văn hóa phi vật thể đại diện của nhân loại ở hai loại hình: Tri thức dân gian và Nghề thủ công truyền thống.

Quang cảnh Hội thảo.

Khẳng định về giá trị lịch sử và văn hóa của áo dài, bà Huỳnh Ngọc Vân, nguyên Giám đốc Bảo tàng Chứng tích chiến tranh, cố vấn – quản lý Bảo tàng Áo dài cho rằng: Mặc dù lịch sử hình thành và phát triển của áo dài Việt Nam vẫn còn đang được các nhà nghiên cứu tìm tòi, bổ sung, còn nhiều tranh luận nhưng giá trị lịch sử, văn hóa của áo dài đã từng bước được chính quyền, nhân dân Việt Nam khẳng định và bạn bè thế giới ủng hộ và tôn vinh. Mặc dù chưa có văn bản chính thức công nhận áo dài là quốc phục của nhân dân Việt Nam thì trong lòng mỗi người dân, áo dài vẫn mang một ý nghĩa vô cùng đặc biệt.

Lan tỏa giá trị của áo dài tới cộng đồng trong và ngoài nước

Vơi cương vị là Chủ nhiệm Hợp tác xã của làng nghề may áo dài Trạch Xá (Hà Nội), nghệ nhân Nghiêm Văn Đạt rất tự hào khi được sinh ra, lớn lên trên mảnh đất là cái nôi của nghề may áo dài truyền thống. Người nghệ nhân này luôn tự nhủ sẽ duy trì, bảo tồn và phát triển nghề “cha truyền con nối” của thế hệ trước. Khi may áo dài, nghệ nhân Nghiêm Văn Đạt luôn đưa những nét hiện đại vào trang phục truyền thống nhưng vẫn giữ nguyên được nét cơ bản của áo dài.

Nhận thức áo dài là một di sản văn hóa đặc biệt gắn với vẻ đẹp của người phụ nữ Việt Nam qua các thời kỳ lịch sử nên hơn 30 năm qua, Bảo tàng Phụ nữ Việt Nam luôn coi trọng việc xây dựng sưu tập áo dài thành một bộ sưu tập điển hình, có giá trị trong kho cơ sở của bảo tàng nhằm phục vụ công tác nghiên cứu, trưng bày và phát huy giá trị di sản.

Thạc sĩ Nguyễn Hải Vân, Bảo tàng Phụ nữ Việt Nam cho biết: Hiện nay, với bộ sưu tập hơn 200 áo dài qua các thời kỳ cùng hàng nghìn hình ảnh phụ nữ với áo dài trong ngày cưới, trong cuộc sống sinh hoạt thường ngày, lễ hội, trong đó có nhiều bộ áo dài có niên đại từ những năm 40 đầu thế kỷ XX, cho đến những sưu tập áo dài thời kỳ hiện đại đã minh chứng cho sự biến đổi, giao thoa văn hóa của tà áo dài trong từng chặng đường lịch sử.

Triển lãm áo dài trong khuôn khổ hội thảo.

Chuyên đề áo dài Việt luôn được Bảo tàng Phụ nữ Việt Nam đầu tư nghiên cứu và đưa ra giới thiệu với công chúng trong và ngoài nước bằng nhiều hình thức hấp dẫn khác nhau. Ngoài ra, Bảo tàng cũng đang tìm kiếm các cơ hội hợp tác, giới thiệu áo dài tới với cộng đồng quốc tế ở nhiều quốc gia với mục đích quảng bá và phát huy rộng rãi giá trị của di sản áo dài nhằm khẳng định áo dài là di sản của người Việt Nam, niềm kiêu hãnh, tự hào của các thế hệ phụ nữ Việt Nam.

Theo nhà thiết kế Đỗ Trịnh Hoài Nam, trong thời đại hội nhập và giao thoa hiện nay, để một quốc gia được bạn bè quốc tế biết đến thì cách tốt nhất, hiệu quả nhất chính là quảng bá trên lĩnh vực văn hóa. Trong những năm gần đây, áo dài Việt đã và đang được giới thiệu với nhiều bạn bè quốc tế. Không chỉ với áo dài mà bất cứ một di sản nào cũng vậy, để bảo tồn và phát triển thì phải mang vào đó sự hội nhập và hơi thở của thời đại.

Là một nhà thiết kế áo dài, mang trong mình tình yêu với bộ trang phục tuyệt đẹp của người Việt, trong thời gian qua, nhà thiết kế Đỗ Trịnh Hoài Nam luôn cố gắng đem áo dài ra với thế giới bằng việc giới thiệu các buổi sưu tập tại các show diễn thời trang, các buổi giao lưu văn hóa…Tuy nhiên, để có thể quảng bá được áo dài Việt ra quốc tế không phải là điều đơn giản. Bài toán đặt ra là phải làm sao vừa giữ được những nét truyền thống đặc trưng của người Việt, vừa tiếp nhận những nét văn hóa của nơi sẽ giới thiệu áo dài, bởi nếu làm được điều đó thì hiệu quả của việc quảng bá áo dài sẽ cao nhất và dễ được bạn bè quốc tế đón nhận.

Trong những bộ sưu tập áo dài được mang ra quốc tế giới thiệu của nhà thiết kế Đỗ Trịnh Hoài Nam với bạn bè năm châu trong suốt những năm qua, nhà thiết kế này luôn cố gắng dung hòa được nét văn hóa Việt và văn hóa bản địa của nơi mà áo dài được giới thiệu.

Chặng đường để áo dài Việt được bạn bè quốc tế biết đến nhiều hơn, phổ biến hơn sẽ còn rất dài và cần sự chung tay của tất cả những nhà thiết, những người làm công tác quản lý luôn mang trong mình tình yêu với trang phục này. Hy vọng trong tương lai không xa, áo dài Việt sẽ là một “nhận diện văn hoá” để khi nhìn thấy, bạn bè quốc tế sẽ biết nó là gì và nó tới từ đâu.

Bài, ảnh: KHÁNH HUYỀN