Quê ở Phú Yên, Đinh Quang Trung được đào tạo về thiết kế thời trang, còn hội họa là niềm đam mê từ nhỏ của anh. Sau khi tốt nghiệp đại học, Trung từng làm việc cho công ty thời trang Italy với mức lương cao. Tuy nhiên Trung nghĩ, nếu vậy anh chỉ lo được cho bản thân cùng gia đình mà không đóng góp được gì cho cộng đồng. Vốn đam mê các trang phục truyền thống và ngành nghề thủ công của Việt Nam, năm 2013, Trung chấp nhận bồi thường một khoản tiền lớn cho công ty vì đơn phương chấm dứt hợp đồng lao động để thành lập một trung tâm giáo dục chuyên về xử lý lụa và vẽ trên vải.

Trung chia sẻ: “Hiện nay, kỹ thuật vẽ tranh trên lụa đã gần như mai một, nhiều họa sĩ vẽ tranh trên lụa cũng đã bỏ nghề. Bắt tay vào tìm hiểu, tôi nhận thấy, kỹ thuật vẽ tranh lụa của Việt Nam khá cầu kỳ, trải qua nhiều công đoạn như hồ vải, phơi khô, lên màu, sau 2, 3 ngày lại lên màu rồi để khô". Để dòng tranh và kỹ thuật vẽ tranh trên lụa hồi sinh trong thời đại công nghệ số này, Trung đã nghiên cứu và cải tiến quy trình vẽ nhanh, gọn. Lụa sau khi căng có thể vẽ được ngay. Người nghệ sĩ tài năng này còn vẽ được trên cả hai mặt lụa, không phân biệt mặt trái, phải, đặc biệt hơn là mỗi mặt còn có một màu khác nhau.

leftcenterrightdel
 Nghệ nhân Đinh Quang Trung có công hồi sinh kỹ thuật vẽ tranh trên lụa và dòng tranh lụa của Việt Nam. 

Trung nhớ lại, trong 10 năm nghiên cứu, đã không ít lần thất bại, có lúc tưởng phải bỏ cuộc. Tuy nhiên cuối cùng, Trung đã tìm được công thức từ chọn loại lụa nào, dùng màu, tỷ lệ lấy màu trên cọ, lực vẽ, sau khi vẽ xong thì tương tác nhiệt để tranh giữ được màu. Để hoàn thành một bức tranh với nhiều chi tiết cầu kỳ trên khổ lớn 1mx2m, Trung mất khoảng một tháng trong khi theo quy trình xưa có thể mất tới cả năm. Với các tranh lụa vẽ hai mặt kích cỡ 0,5mx0,7m, anh cần khoảng một tuần là đã có thể hoàn thiện với đầy đủ độ sâu, tỉ mỉ tới từng chi tiết nhỏ.

Về đề tài, Trung có thể đưa lên lụa từ phong cảnh, hoa lá, cỏ cây, thậm chí một đốm nắng rơi trên hiên nhà cũng tạo cảm hứng để Trung sáng tác. Đó là bởi Trung thích sự giản dị, gần gũi thiên nhiên và luôn cảm được cái đẹp ngay trong cuộc sống xung quanh mình. Theo Trung, muốn tranh đẹp thì tâm hồn người nghệ sĩ cũng phải đẹp. Vì vậy, anh luôn cố gắng giữ cho mình thái độ sống lạc quan, tích cực, luôn mở lòng đón nhận những điều tốt đẹp.

Như Trung tâm sự, với mong muốn góp phần hồi sinh dòng tranh lụa truyền thống nhưng chỉ một mình sẽ không thể làm được, do đó, Trung mở trung tâm dạy vẽ trên vải, đem hết tâm huyết, kinh nghiệm truyền dạy cho học viên. Đến nay, qua 10 năm, có khoảng 4.000 học viên trong và ngoài nước theo học. Trung cũng dạy cho học viên cách nhuộm thủ công màu cho lụa, từ đó tạo nên những tấm lụa Việt độc bản. Đến nay, nhiều học viên sau khi tốt nghiệp đã có thể nhận được thù lao 3-4 triệu đồng cho một bức tranh vẽ trên áo dài.

Đinh Quang Trung luôn khuyến khích học viên sử dụng lụa Vạn Phúc (Hà Nội), Bảo Lộc (Lâm Đồng)... để vừa tôn vinh vừa giúp lụa Việt có chỗ đứng trên thị trường trong nước và quốc tế. Ngoài dạy vẽ, Trung còn vẽ tranh trên áo dài và nhiều sản phẩm vải khác. Ngoài ra, Trung cũng xuất khẩu tranh vẽ trên vải của mình tới nhiều quốc gia để thế giới biết rõ hơn về sản phẩm và tay nghề của người thợ thủ công Việt Nam.

Bài và ảnh: HOÀNG LAN