Từ vở kịch múa đề tài lực lượng vũ trang (LLVT), chiến tranh cách mạng (CTCM) và hình tượng người lính, đến nay, đã có rất nhiều tác phẩm múa liên tiếp ra đời, nhập vào dòng chảy chung của nghệ thuật cách mạng Việt Nam...
Nghệ thuật múa góp phần tôn vinh hình tượng đẹp về người lính
Trong kháng chiến chống thực dân Pháp, hình ảnh người lính được ngôn ngữ múa thể hiện gắn với vẻ đẹp bình dị. Hình tượng anh Vệ quốc quân là những nông dân mặc áo lính mang trong mình lý tưởng cao đẹp, vì sự sống còn của Tổ quốc, họ tạm biệt bến nước, sân đình, bãi mía, nương dâu để ra đi chiến đấu.
Chất nông dân thuần phác mới đáng quý làm sao và chính nó đã làm nên sức mạnh để các anh vượt qua mọi gian khổ, chiến thắng kẻ thù. Hầu hết các tác giả, biên đạo không thi vị hóa người chiến sĩ, không khoác cho các anh lớp vỏ chiến binh dày dạn phong trần mà họ nhìn người lính với cái nhìn đồng chí, đồng đội. Họ rất hiểu các anh và tìm thấy ở các anh vẻ đẹp kỳ lạ trong những năm tháng chiến đấu, đó là tinh thần vượt khó, chịu đựng gian lao. Trong các tác phẩm, hình tượng người lính hiện lên thật chân thực và cảm động.
Các anh còn là những người có tâm hồn lãng mạn, lạc quan, yêu đời. Đời lính đâu phải chỉ có khói bom và thuốc súng. Với tâm hồn rộng mở, trong sáng, người lính cũng có những phút giây, những kỷ niệm êm đẹp, thơ mộng. Giữa cảnh núi rừng mênh mông yên tĩnh, trong màn sương muối lạnh lẽo phủ dày, trong tư thế sẵn sàng bước vào cuộc chiến đấu, người lính vẫn thả hồn mình tìm đến vẻ đẹp của không gian, thời gian, bối cảnh lịch sử.
 |
Hình tượng Bộ đội Cụ Hồ và đề tài lực lượng vũ trang, chiến tranh cách mạng được tô thắm trên sân khấu múa. |
Vẻ đẹp nổi bật của hình tượng người lính trong kháng chiến chống Mỹ chính là sự trẻ trung, có phần tinh nghịch và hóm hỉnh. Ở giai đoạn này, hình tượng về người lính trong các tác phẩm múa trở thành biểu tượng cho một dân tộc vững chí bền gan, anh hùng bất khuất. Và rồi cách mạng cũng nối tiếp những thành công như một tất yếu của sự đấu tranh kiên cường không mệt mỏi của lớp lớp các thế hệ tuổi 20.
Nói đến hình tượng người lính trong nghệ thuật múa là nói đến con người được miêu tả bằng các phương tiện ngôn ngữ múa. Đội ngũ tác giả, biên đạo múa nhiều thế hệ đã xây dựng hình tượng người lính bằng nhiều cách như miêu tả ngoại hình, nội tâm, tính hành động, thái độ... từ đó đã tạo ra hình tượng người lính một cách phong phú, đa dạng.
Bên cạnh đó, việc sử dụng các thủ pháp nghệ thuật khác nhau để tái hiện hình tượng người lính một cách chân thực, sinh động, gần gũi cũng góp phần làm nên phong cách tác giả. Ví như trong vở kịch múa “Nhân sinh”, được Trường Đại học Văn hóa nghệ thuật Quân đội dàn dựng và công diễn tháng 12-2004, nhân kỷ niệm 60 năm Ngày thành lập Quân đội nhân dân, bằng tất cả trách nhiệm, sự cố gắng không mệt mỏi của thầy và trò nhà trường đã dàn dựng thành công vở kịch múa với chất lượng nghệ thuật cao, phản ánh đúng hiện thực lịch sử của những giai đoạn chiến tranh gian khổ.
Tác giả biên đạo đã sử dụng thủ pháp mang tính ước lệ để xây dựng ngôn ngữ múa dân gian dân tộc kết hợp với múa hiện đại. Hình ảnh trong ngày tụ hội, từng đoàn, từng tốp nhân dân các dân tộc đã xuất hiện với những tổ hợp động tác múa đặc trưng của mình. Ngôn ngữ múa đa sắc màu đã tạo nên một không khí vui tươi, rộn ràng trong ngày hội lớn; các tổ hợp múa linh hoạt, khi phức điệu, khi đồng điệu đã làm cho cả sân khấu hừng hực tinh thần thượng võ.
Biên đạo đã dùng những thủ pháp nghệ thuật sân khấu ẩn dụ gần-xa, tính ước lệ không gian, thời gian để liên kết những bối cảnh khác nhau tạo thành sự liên hoàn của cảnh múa trong một kết cấu múa chặt chẽ, liền mạch với một tư duy gợi mở cho người xem. Sự liên kết đã hỗ trợ tích cực cho việc xây dựng và hình thành ngôn ngữ múa trong tác phẩm.
Tiếp tục sáng tạo, nâng tầm hình tượng người lính trong ngôn ngữ múa
LLVT và CTCM là mảng đề tài có nhiều góc cạnh khai thác, song để tạo nên tác phẩm hấp dẫn, thuyết phục công chúng không phải là điều đơn giản. Vì thế, người sáng tác phải chịu dấn thân, quan sát, trải nghiệm. Đây cũng chính là những trăn trở của chúng tôi trong quá trình giảng dạy cũng như khích lệ thế hệ diễn viên, biên đạo trẻ mới cần tìm tòi, sáng tạo và bám nắm đời sống hiện thực của người lính.
Trong lĩnh vực sáng tác múa, đặc biệt từ năm 2000 tới nay đã có nhiều đổi mới. Các cuộc thi, liên hoan nghệ thuật múa về LLVT, CTCM và hình tượng người lính đã xuất hiện không ít tác phẩm với những phát hiện mới, giá trị mới, phù hợp với thẩm mỹ đương đại. Nhưng nghệ thuật múa với mảng đề tài thân thuộc, hấp dẫn, cuốn hút này đã và đang đòi hỏi không ít sự đầu tư công sức.
Cái cần nhất là phải tâm huyết, phải yêu người lính và cuộc sống của họ thì mới phản ánh được những gì là chân thực về người lính. Lâu nay, chúng ta thấy xuất hiện không ít những tác phẩm múa, mà trong đó, các tác giả chỉ tô vẽ một cách sơ lược, khô khan hình tượng người lính-chỉ có chiến đấu, chiến thắng và hy sinh. Hình như, chúng ta quên mất rằng, người lính cũng là một con người bình thường, họ càng bình thường bao nhiêu thì khi trở thành anh hùng họ càng được kính trọng bấy nhiêu.
Đặc biệt xuất hiện một số xu hướng sáng tác múa sử dụng ngôn ngữ múa để minh họa cho nội dung, kể lại câu chuyện bằng múa làm người xem nhớ đến cách biểu cảm từ nửa thế kỷ trước. Có một số tác phẩm lúng túng, không rõ ràng trong việc xác định ý tưởng, chủ đề trước khi xây dựng ngôn ngữ múa. Mối quan hệ chủ thể và khách thể, tác giả và khán giả chưa được chú trọng...
Mặc dù chiến tranh đã đi qua nhưng nhiệm vụ bảo vệ vững chắc Tổ quốc Việt Nam thân yêu của chúng ta vẫn còn đó. Hình ảnh người lính trên tuyến đầu chống dịch; trong lũ lụt, thiên tai, trong đội quân gìn giữ hòa bình, đội quân vươn cao, vươn xa trong cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ tư... rất cần có những tác phẩm múa phản ánh phong phú, toàn diện, đa sắc sự cống hiến, hy sinh, cùng đó là cuộc sống, tâm tư đời thường của những người lính trong đời sống hiện đại.
Cần nữa là thúc đẩy hình thức phối hợp giữa các đơn vị bộ đội với hội nghề nghiệp văn học nghệ thuật ở Trung ương và địa phương, cơ quan báo chí. Trên cơ sở đó, đưa văn nghệ sĩ đi thực tế, tổ chức các trại sáng tác múa tại nhiều vùng, miền, địa bàn, gặp gỡ, thâm nhập đời sống người lính thuộc nhiều lực lượng, đơn vị. Các chương trình này cần có tổng kết, thẩm định, chọn lọc và công bố tác phẩm, không chỉ sử dụng trong quân đội mà cần đưa ra phục vụ xã hội, “thử độ bền” trong con mắt đánh giá của công chúng và giới làm nghề. Hoạt động tuyên truyền, quảng bá tác phẩm múa cũng là điều đáng lưu tâm, đẩy mạnh, để những vở múa, tác phẩm múa mới về hình tượng người lính được đông đảo công chúng thưởng thức sau khi hoàn thành sứ mệnh và khẳng định giá trị từ các cuộc liên hoan, hội diễn có uy tín.
Thượng tá, NSND LỮ KIỀU LÊ, Chủ nhiệm Khoa Múa, Trường Đại học Văn hóa nghệ thuật Quân đội