Những ngày trời trong, tôi có thể thấy rõ từng cái khe, từng vuông nương rẫy, từng cụm mây trôi và cả hình dạng những cái cây to cô đơn trên đỉnh núi nữa. Tôi luôn muốn được đến tận chân dãy núi ấy, và nếu có thể, tôi sẽ trèo lên đỉnh núi theo con đường mòn của những người làm nương, hoặc ngồi dưới bóng mát một cây to bên một làng bản thanh bình dưới chân núi. Vậy mà, gần 20 năm trôi qua, tôi chưa một lần thực hiện mong ước của mình, dù khoảng cách từ nhà tôi đến chân núi không xa lắm.
Cho đến một buổi sáng chớm hạ này, đột nhiên tôi tự thôi thúc tôi phải thực hiện niềm mong ước từ khi còn nhỏ của mình. Tôi đi xe máy, theo con đường người ta đi và tiến vào chân núi. Hai ngôi làng nhỏ hiện ra trong nắng vàng mây trắng, giữa hai làng là một cánh đồng lúa đương xuân thì. Buổi sáng sớm trời đổ mưa rào. Mưa tạnh từ lâu, không khí được nước mưa gột rửa trong veo. Mùi lúa non thơm nhẹ, trộn lẫn mùi hoa dâu da xoan trắng xốp dọc đường làng, càng khiến khách lạ như tôi xao xuyến.
Dãy núi cao như vòng tay người mẹ khổng lồ âu yếm ôm ấp, che chở cho những đứa con bé bỏng. Tôi say đắm miên man trôi theo những con đường nhỏ chạy ngang dọc trong làng, rồi vào sâu chân núi. Một con đường đất kéo lên núi và chỉ người đi bộ, trâu bò có thể lên được. Tôi tắt máy xe. Và ngay lập tức, sau khoảnh khắc tiếng xe máy ù ì của tôi tắt, một dàn âm thanh trong suốt, vui vẻ, thánh thót ập vào tai tôi. Đó là dòng suối nhỏ, nước trong suốt đang chảy từ khe núi ra, chạy qua làng. Giữa miền mây trắng nắng vàng ấy, những tiếng reo vui của dòng suối mang lại cho tôi cảm giác yên bình, tha thiết. Tôi đứng dưới một gốc cây to và nghe tiếng suối reo, ngắm những sườn núi ngay trước mặt, nơi mà ở nhà tôi luôn thấy chúng chìm trong màu lam biếc. Nơi này, vào mùa đốt nương, tôi thấy lửa phừng phừng cháy, như trên núi có ngàn vạn đoàn quân đang giương đuốc và tụ tập, reo hò. Những mùa đốt nương, tiếng lửa reo, tiếng lép bép của củi, lá khô cùng tàn tro còn theo gió bay về tận nơi tôi sống.
Trong tiếng suối reo, thi thoảng vẳng lại tiếng ai đó chuyện trò, tiếng gà trống gáy trưa và gà mái nhảy ổ. Tất cả thân thuộc, đúng với không khí một làng quê yên ả mà tôi đã từng trải qua. Một dàn đồng ca của ve sầu bất ngờ bung vỡ trong những tán cây mùa hạ. Và, thoảng trong tiếng ve râm ran ấy là tiếng cồ cộ vút bay, rồi chìm lút, biến mất hoàn toàn, như đó là tiếng vọng từ quá khứ, trong dòng chảy thời gian có một đứt gãy nào đó đã khiến âm thanh ấy lạc vào hiện tại.
Tôi vẫn nhớ những con cồ cộ của mùa hạ. Chúng to lớn hơn ve sầu nhưng "trang phục" thì y hệt, màu đen và trên khoang cổ có một vệt màu đỏ, không nổi bật, nhưng bắt mắt dễ nhận ra. Chúng đậu im lìm trên những thân cây. Chúng trầm mặc suy ngẫm, hoặc thực tế hơn là cắm cái vòi nhỏ xíu như mũi kim vào thân cây và hút nhựa cây để sống.
Những con cồ cộ bay miết mải trong suốt mùa hạ với tiếng kêu rất đặc trưng của chúng, nghe như cồ cộ, cồ cộ. Và trẻ con thì làm những cái vợt lưới gắn với một cái sào thật dài để bắt chúng. Nhìn thấy cồ cộ đậu trên cây, đang say ngủ hoặc say nhựa nống của cây, trẻ con vác cây gậy nhẹ nhàng tiến tới, úp chụp cái vành tròn vào thân cây, cồ cộ sập bẫy ngay. Trẻ con mang cồ cộ về chơi và cũng như cách trẻ con đối với ve sầu, hay chuồn chuồn: Khi cồ cộ chết, chúng được tổ chức tang lễ long trọng. Cho đến bây giờ không biết sao tôi luôn nhớ về những người bạn nhỏ của mình, giữa trưa nắng vác cái bẫy cồ cộ trên vai và ngồi dưới những gốc cây xà cừ lộng gió, lắng nghe tiếng mùa hạ xạc xào trong lá biếc.
Tôi không biết từ lúc nào cồ cộ không còn nữa. Loài này đã biến mất ở quê tôi và cũng từ rất lâu rồi tôi không còn thấy ai nhắc đến chúng. Trẻ con quê tôi không bao giờ nghe về chúng. Tôi cũng nhận ra, có nhiều loài sinh vật mà tôi biết đã biến mất. Tôi không bao giờ còn thấy những con cá mài mại tìm cách trốn khỏi ao theo dòng nước mưa để đi tìm nguồn nước mới, môi trường mới. Tôi chưa bao giờ thấy lại những con cá đuôi cờ sặc sỡ, rất đẹp bơi trong làn nước ao trong trẻo. Bờ sông vẫn gió, đồi cây vẫn xào xạc, nhưng không còn những tiếng cu gù giữa trưa mênh mang, không còn tiếng ếch à uôm trong những đêm đợi mưa mùa hạ.
Mùa hạ, vào những ngày bươm bướm nở, từng đàn bướm trắng, vàng, xanh nhạt từ trong những khu rừng bay túa ra, ngang qua đường quốc lộ và thả vào mênh mang những cánh đồng, những rẻo núi đồi. Những cánh bướm nhỏ vội vàng ấy va vào người tôi, khi tôi đang lái xe, để lại cho tôi một vết đau nho nhỏ.
Tôi đã bao lần nhìn về dãy núi này, đã thấy chín cái khe núi, mà cha tôi nói đó là chín con rồng của Ngọc Hoàng. Chúng đã phạm phải tội lỗi nào đó, nên ông ta đày xuống trần gian, chịu hình phạt nặng nề là bảo vệ một viên ngọc quý. Chín con rồng vẫn nằm đó, bảo vệ viên ngọc và Ngọc Hoàng thì đã lâu quên mất chúng rồi.
Viên ngọc đó có thể là hai ngôi làng bé nhỏ này, có thể là quê tôi, hoặc rộng hơn là thế gian này. Giờ đây, có những điều thật giản dị, thân thương đã hoàn toàn biến mất. Chín con rồng của tôi cũng không thể làm được gì cho viên ngọc, khi mà chính một trong số chúng, dải núi đá vôi ấy, đã bị người ta khai thác, và sắp hoàn toàn biến mất. Tôi lặng ngắm dải núi biếc xanh đang đắm chìm trong muôn giọt nắng vàng mùa hạ. Và tôi, chỉ biết lưu giữ chúng trong ký ức của mình, như những giọt thủy tinh trong suốt còn lại nơi cỏ biếc.
Tản văn của SONG NGƯ