Thực trạng nguồn lực văn hóa ở Hà Nội
Trong nhiều năm trở lại đây, Hà Nội đã kiên trì với chủ trương xây dựng người Hà Nội thanh lịch, văn minh. Chủ trương này đã tạo môi trường, điều kiện thuận lợi cho phát triển văn hóa Hà Nội. Những quyết tâm chính trị cho thấy, Hà Nội luôn nỗ lực để trở thành trung tâm văn hóa của cả nước, do đó, đầu tư cho văn hóa Hà Nội luôn là một chủ trương nhận được nhiều sự ưu tiên.
Việc trở thành thành phố đầu tiên của Việt Nam gia nhập mạng lưới các Thành phố sáng tạo của UNESCO, hay việc Thành ủy Hà Nội ban hành Nghị quyết số 09-NQ/TU về phát triển các ngành công nghiệp văn hóa trên địa bàn Thủ đô giai đoạn 2021-2025, định hướng đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045, cùng rất nhiều kế hoạch hành động cho phát triển văn hóa chính là sự cụ thể hóa chủ trương này. Nhờ có sự thông thoáng trong chính sách và môi trường phát triển văn hóa, sự phát triển các ngành công nghiệp văn hóa ở Hà Nội đã thực sự được tạo động lực phát triển và đã lan tỏa tích cực sang các lĩnh vực khác.
|
|
PGS, TS Bùi Hoài Sơn, Ủy viên Thường trực Ủy ban Văn hóa, Giáo dục của Quốc hội. Ảnh: quochoi.vn |
Với đặc điểm là trung tâm chính trị, văn hóa và kinh tế của đất nước, Hà Nội là nơi tập trung của rất nhiều các trường đại học, trung tâm sáng tạo, đổi mới, tổ chức văn hóa nghệ thuật của đất nước. Với khoảng 100 trường đại học, trong đó có nhiều trường đại học liên quan đến sáng tạo, nghệ thuật, cả công lập và ngoài công lập, trong nước và nước ngoài, nhiều sự kiện sáng tạo đã được tổ chức như tuần lễ thiết kế - sáng tạo, tuần lễ thiết kế... do Đại học RMIT, Asui, Grapevine hay nhiều tổ chức văn hóa nghệ thuật khác tổ chức là một trong những điển hình cho sự chung tay, góp sức của toàn xã hội đối với sự phát triển thương hiệu Thành phố sáng tạo. Bên cạnh đó, Hội Liên hiệp văn học nghệ thuật Thành phố Hà Nội cũng có gần 3.800 hội viên, sinh hoạt trong 9 hội chuyên ngành.
Thành phố đã hỗ trợ tài chính cho các hoạt động văn hóa nghệ thuật bằng cách đầu tư từ ngân sách cho xây dựng các thiết chế văn hóa, gián tiếp hỗ trợ các hoạt động nghệ thuật thông qua chính sách về thuế. Việc đầu tư tài chính từ hình thức hỗ trợ gián tiếp đã huy động nguồn kinh phí đáng kể cho sự phát triển văn hóa nghệ thuật. Đồng thời, cho vay vốn trung, dài hạn với các hình thức lãi suất thấp đối với các đầu tư cho hoạt động văn hóa. Hỗ trợ tài chính đối với các loại hình hoạt động nghệ thuật truyền thống, khuyến khích các loại hình văn hóa nghệ thuật tìm kiếm các nguồn tài trợ khác.
Hà Nội đã có hệ thống thiết chế văn hóa, thể thao phục vụ cộng đồng khá đầy đủ, từ nhà văn hóa, khu thể thao tại các thôn, tổ dân phố, các trung tâm văn hóa, thể thao xã, phường, thị trấn, tới các trung tâm văn hóa thông tin và thể thao quận, huyện, thị xã, trung tâm văn hóa Thành phố, đến các thiết chế đặc thù như Cung văn hóa thể thao thanh niên Hà Nội, Nhà văn hóa học sinh, sinh viên Hà Nội, hay các thiết chế văn hóa khác thuộc quản lý của Sở Văn hóa và Thể thao... Đây là hệ thống tương đối toàn diện, giúp tổ chức các hoạt động, các sự kiện văn hóa, văn nghệ gắn với đời sống văn hóa của nhân dân, thu hút đông đảo người dân tham gia sinh hoạt, giao lưu, biểu diễn văn hóa nghệ thuật, thể dục thể thao... Nhiều thiết chế văn hóa được Thành phố quan tâm đầu tư cơ sở vật chất, trang thiết bị thiết yếu và nguồn nhân lực. Đến nay, toàn Thành phố Hà Nội có 30 thiết chế văn hóa thể thao cấp thành phố, 57 thiết chế văn hóa thể thao cấp huyện, 136 trung tâm văn hóa, thể thao cấp xã, 4.277 nhà văn hóa, điểm sinh hoạt cộng đồng tại các thôn, tổ dân phố. Trong đó, có 2.283 nhà văn hóa thôn, đạt 97%; 1.993 nhà văn hóa, điểm sinh hoạt tổ dân phố (đạt 65,5%).
Bên cạnh đó, 5.922 di tích, 1.793 di sản văn hóa phi vật thể, 1 di sản văn hóa thế giới (Khu trung tâm Hoàng thành Thăng Long); 1 di sản tư liệu thế giới (82 bia đá Tiến sĩ triều Lê - Mạc tại di tích Văn Miếu - Quốc Tử Giám); 2 di sản được UNESCO ghi danh là Di sản văn hóa phi vật thể đại diện nhân loại (Hội Gióng ở đền Phù Đổng và đền Sóc; Kéo co ngồi ở Hội đền Trấn Vũ và Kéo mỏ ở Hội đền Vua Bà - Hồ sơ đa quốc gia “Nghi lễ và trò chơi Kéo co”); 17 di tích quốc gia đặc biệt; 18 di sản được đưa vào danh mục di sản văn hóa phi vật thể cấp quốc gia, 1.206 lễ hội... cũng là nguồn lực quan trọng cho sự phát triển kinh tế-xã hội của Thủ đô.
Nguyên tắc đề xuất giải pháp
Phát triển thương hiệu Thành phố sáng tạo phải là một trong những ưu tiên hàng đầu của Thủ đô Hà Nội. Xây dựng thành phố sáng tạo cần được thực hiện có trọng tâm, trọng điểm, theo lộ trình, chuyên nghiệp, phát huy lợi thế của Thủ đô Hà Nội - trung tâm chính trị, kinh tế, văn hóa xã hội đi đầu cả nước. Các hoạt động cụ thể phải phù hợp với quy luật cơ bản của kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa, được đặt trong tổng thể phát triển kinh tế-xã hội của Thủ đô, đảm bảo tính đồng nhất, đồng bộ giữa các ngành, các khâu sáng tạo, sản xuất, phổ biến và tiêu dùng, đóng góp thúc đẩy tăng trưởng GDP Thủ đô.
Việc huy động nguồn lực cần được kết hợp hài hòa giữa nguồn lực Nhà nước và nguồn lực xã hội, trong đó nguồn lực Nhà nước được xem như “vốn mồi”, có tác dụng định hướng, điều tiết sự phát triển Thành phố sáng tạo.
Việc huy động nguồn lực cần gắn với việc quảng bá hình ảnh Thủ đô góp phần bảo vệ và phát huy bản sắc văn hóa dân tộc trong quá trình giao lưu, hội nhập và hợp tác quốc tế.
|
|
Huy động nguồn lực văn hóa trong phát triển thương hiệu thành phố sáng tạo.
|
Giải pháp huy động nguồn lực văn hóa trong phát triển thương hiệu Thành phố Sáng tạo
Đổi mới, nâng cao nhận thức, tuyên truyền
Đổi mới, nâng cao nhận thức, tuyên truyền về huy động nguồn lực trong phát triển Thành phố sáng tạo, trong đó, coi Thành phố sáng tạo là chủ trương lớn, xu hướng phát triển chính cho Hà Nội. Đẩy mạnh tuyên truyền, xúc tiến đầu tư phát triển các ngành công nghiệp văn hóa sẵn có lợi thế, tiềm năng như: Điện ảnh, nghệ thuật biểu diễn, quảng cáo, thủ công mỹ nghệ, phần mềm và các trò chơi giải trí, truyền hình và phát thanh, thời trang, du lịch văn hóa.
Kêu gọi các doanh nghiệp trong và ngoài nước đầu tư vào Hà Nội tập trung vào các hoạt động sáng tạo văn hóa, sản xuất các sản phẩm và dịch vụ văn hóa; phát triển mạng lưới doanh nghiệp, trong đó hình thành một số tập đoàn lớn về công nghiệp văn hóa ở các lĩnh vực truyền thông, điện ảnh, phát thanh và truyền hình, phần mềm và các trò chơi trực tuyến.
Hoàn thiện tổ chức, bộ máy để huy động nguồn lực
Thành lập một bộ máy quản lý, tổ chức các sự kiện nhằm phát triển công nghiệp sáng tạo ở Thủ đô và huy động nguồn lực cho Thành phố sáng tạo. Hà Nội nên thành lập một tổ chức hỗ trợ phát triển sáng tạo (có thể đặt tên là Creative Hanoi), trực thuộc UBND Thành phố, gồm đại diện của chính quyền Thành phố, các hiệp hội có liên quan như âm nhạc, điện ảnh, doanh nhân sáng tạo, bản quyền, sân khấu… Chính quyền Thành phố hỗ trợ ban đầu một khoản tiền nhất định và đặt ra chỉ tiêu cho tổ chức này trong việc tạo ra thị trường, việc làm, thiết lập mạng lưới cho các tổ chức và cá nhân sáng tạo, thúc đẩy tinh thần đổi mới ở Hà Nội.
Hoàn thiện cơ chế, chính sách huy động nguồn lực
Xây dựng và hoàn thiện cơ chế, chính sách, đặc biệt chính sách ưu tiên, hỗ trợ đối với doanh nghiệp trong giai đoạn khởi nghiệp, trong đó xây dựng cơ chế khuyến khích khai thác và phát huy những tiềm năng và giá trị đặc sắc của văn hóa Việt Nam, văn hóa Thăng Long - Hà Nội.
Cải cách thủ tục hành chính theo hướng tinh giản ngắn gọn, dễ hiểu, dễ thực hiện, áp dụng hệ thống quản lý chất lượng theo tiêu chuẩn quốc gia TCVN ISO 9001:2008 vào hoạt động của các cơ quan, tổ chức hành chính nhà nước hoạt động trong lĩnh vực quản lý văn hóa.
Khuyến khích hình thành các quỹ đào tạo, khuyến học, phát triển nhân tài, quảng bá văn học nghệ thuật, phát triển điện ảnh, hỗ trợ xuất bản... theo quy định, mang đặc thù, phù hợp với điều kiện của Thủ đô.
Tập trung xây dựng nguồn lực, thiết chế văn hóa để nâng cao chất lượng, hiệu quả hoạt động văn hóa. Tập trung xây dựng một số trung tâm biểu diễn nghệ thuật hiện đại, đa năng để có thể tổ chức được các chương trình nghệ thuật lớn trong nước và quốc tế. Hỗ trợ và tạo điều kiện cho các đơn vị, doanh nghiệp xây dựng phim trường và các rạp chiếu phim đạt chất lượng cao. Ứng dụng những tiến bộ của khoa học công nghệ vào việc quy hoạch, phát triển hệ thống các thiết chế văn hóa phù hợp với việc phát triển công nghiệp văn hóa.
Việc cụ thể hóa các chính sách khuyến khích phát triển các cơ sở ngoài công lập, như cho thuê, xây dựng cơ sở vật chất, giao đất... cho các đơn vị nghệ thuật xã hội hóa là một yêu cầu rất cấp thiết. Có như vậy thì các đơn vị mới chủ động hơn trong đầu tư, trong xây dựng kế hoạch hoạt động lâu dài. Đồng thời, đủ sức cạnh tranh với các đối tác nước ngoài trong giai đoạn mới.
Ban hành những chính sách cụ thể, tạo môi trường pháp lý thuận lợi, hỗ trợ đầu tư phát triển nguồn nhân lực, quảng bá, phát triển thị trường văn hóa, tạo mối liên kết thị trường về ngành nghề và khu vực, xây dựng thương hiệu quốc gia cho các ngành công nghiệp văn hóa; đa dạng hóa các mô hình đầu tư, đặc biệt mô hình hợp tác công tư (PPP); khuyến khích hình thành và phát triển các loại quỹ đầu tư trong lĩnh vực văn hóa, tạo thuận lợi cho các doanh nghiệp kinh doanh văn hóa thu hút các nguồn lực xã hội để phát triển.
Tạo điều kiện thuận lợi nhằm thu hút tối đa nguồn lực từ các doanh nghiệp và xã hội để phát triển các ngành công nghiệp văn hóa. Lâu nay, Nhà nước đã hỗ trợ tài chính cho các hoạt động văn hóa nghệ thuật bằng cách đầu tư từ nguồn ngân sách, cho xây dựng các thiết chế văn hóa, gián tiếp hỗ trợ cho các hoạt động nghệ thuật thông qua chính sách về thuế. Nhà nước cũng tạo môi trường pháp lý thuận lợi cho việc hình thành các loại quỹ văn hóa với các thể chế phi nhà nước và nửa nhà nước. Loại quỹ văn hóa phi nhà nước thuần túy huy động sự đóng góp của các cá nhân, doanh nghiệp, các tổ chức xã hội trong và ngoài nước… để đầu tư cho các hoạt động văn hóa theo nhu cầu của xã hội. Còn loại quỹ có sự đầu tư một phần của Nhà nước trong xây dựng các mục tiêu và quy định cho các hoạt động văn hóa nghệ thuật.
Tổ chức các sự kiện, hoạt động để huy động nguồn lực cho Thành phố sáng tạo
Phát triển một số các sự kiện và không gian sáng tạo như Lễ hội Thiết kế - sáng tạo Hà Nội, Festival âm nhạc Gió mùa (Monsoon), Tuần lễ phim quốc tế Hà Nội (Haniff) hay Tuần lễ thời trang quốc tế Việt Nam (Vietnam Fashion Week) hay chương trình biểu diễn và các không gian sáng tạo để tạo dấu ấn đặc sắc của Thủ đô.
Tổ chức những diễn đàn, mạng lưới sáng tạo văn hóa, mà thành viên là những người hoạt động trong ngành văn hóa nghệ thuật, kinh doanh, kỹ thuật… để họ đạt được sự hợp tác tốt nhất trong việc thực hiện mục tiêu chung vì sự phát triển công nghiệp văn hóa.
PGS, TS BÙI HOÀI SƠN, Ủy viên Thường trực Ủy ban Văn hóa, Giáo dục của Quốc hội