Công trình Công viên Văn Lang ở TP Việt Trì, tỉnh Phú Thọ vừa được gắn biển bàn giao cách đây ít lâu thuộc quần thể Khu du lịch Văn Lang. Khát vọng biến giá trị văn hóa, lịch sử trở thành động lực phát triển của lãnh đạo địa phương đã được sự tiếp sức bởi chuyên gia tư vấn quy hoạch, kiến trúc sư Nguyễn Thế Khải. Từ một khu đầm lầy, nay đã trở thành một công viên độc đáo, gắn với văn hóa, lịch sử thời Hùng Vương, có giá trị thu hút du lịch và giáo dục truyền thống sâu sắc.
Ông Nguyễn Thế Khải là kiến trúc sư lâu năm của Viện Quy hoạch đô thị và nông thôn, Bộ Xây dựng, nay là Chủ tịch HĐQT của Công ty Cổ phần Quy hoạch và Kiến trúc Việt Nam. Ông tốt nghiệp khóa kiến trúc sư đầu tiên của Trường Đại học Kiến trúc Hà Nội và đã quy hoạch hàng trăm công trình từ Nam chí Bắc, từ những năm chiến tranh cho đến thời kỳ đổi mới. Trong đó, riêng với hai tỉnh Phú Thọ, Vĩnh Phúc, ông có rất nhiều đóng góp tư vấn quy hoạch khi tách tỉnh, mang lại sự đổi thay mạnh mẽ cho vùng đất Tổ. Ý tưởng quy hoạch Công viên Văn Lang của ông gắn liền với việc ông đã lập Đề án quy hoạch chung TP Việt Trì giai đoạn 1998-2015 và quy hoạch điều chỉnh giai đoạn 2003-2020, quy hoạch xây dựng TP Việt Trì trở thành "Thành phố lễ hội về với cội nguồn dân tộc Việt Nam". Ở đây, ông đã mạnh dạn kiến nghị chuyển Khu công nghiệp Nam Việt Trì ra khỏi thành phố và chuyển dần chức năng sản xuất công nghiệp sang du lịch-dịch vụ, mở rộng địa giới hành chính thành phố, đưa Khu di tích lịch sử Đền Hùng, Công viên Văn Lang và các xã có di tích lịch sử gắn liền với Đền Hùng vào thành phố, lấy Đền Hùng và các di tích văn hóa, lịch sử làm động lực phát triển đô thị.
Phối cảnh lầu kén rể ở khu Sơn Tinh-Thủy Tinh, Công viên Văn Lang.
Vào những năm cuối thập niên 1990, lãnh đạo tỉnh Phú Thọ, TP Việt Trì có yêu cầu xây dựng một công viên tại khu vực trung tâm thành phố. Đây là một phần khu đầm lầy có tên Đầm Cả với diện tích 28ha ở phường Tiên Cát, lấy tên là Công viên Tiên Cát. Không ít kiến trúc sư được mời tham gia tư vấn thiết kế. Hầu hết các đồ án đưa ra đều vẽ như các công viên đã xây dựng ở các khu đô thị nước ta. Khi được mời tham gia, kiến trúc sư Nguyễn Thế Khải đã khảo sát kỹ lưỡng địa điểm xây dựng, nghiên cứu lịch sử, văn hóa vùng đất Tổ. Ông nhận thấy nơi đây chính là kinh đô của nhà nước Văn Lang xưa. Ông cho rằng đây không chỉ là nơi nghỉ ngơi, vui chơi giải trí mà còn là lá phổi xanh, cải tạo khí hậu cho thành phố đang bị ô nhiễm bởi khu công nghiệp và đặc biệt phải đưa vào đó những giá trị lịch sử, văn hóa truyền thống để người dân thành phố cũng như du khách trong và ngoài nước hiểu rõ được phần nào về nhà nước Văn Lang của các Vua Hùng-nơi khởi nguồn của các dân tộc Việt Nam. Từ suy nghĩ đó, ông kiến nghị công viên được mở rộng ra hết Đầm Cả với ý tưởng khai thác các truyền thuyết thời Hùng Vương, đặt tên là Công viên Văn Lang. Đây chính là động lực góp phần phát triển đô thị.
Đồ án đã được lãnh đạo và nhân dân địa phương đón nhận, thông qua nhanh chóng với diện tích 138ha, trong đó có 58,8ha mặt nước, được chia thành 5 khu: Khu văn hóa, lịch sử khai thác các truyền thuyết thời Hùng Vương, tạo cảm giác cho khách được sống lại thời tiền sử. Khu đông bắc công viên sẽ dựng tượng đài Âu Cơ đứng giữa thảm hoa dân tộc, xung quanh có bọc trăm trứng và các tượng nhỏ đặc trưng cho từng dân tộc. Đặc biệt, Cung điện Lạc Long Quân là một thủy cung lớn nằm dưới hồ sẽ là nơi du khách xuống thủy cung, thăm phòng thiết triều, phòng ở của Hoàng tử, công chúa, Lạc hầu, Lạc tướng, hình ảnh đức Lạc Long Quân diệt Hồ Tinh, Mộc Tinh, Ngư Tinh bảo vệ con dân đất Việt; ngắm nhìn các lâu đài cung điện và những đàn cá nhiều màu sắc. Khu Sơn Tinh-Thủy Tinh với lầu kén rể sẽ có phim mô tả cuộc chiến giữa Sơn Tinh-Thủy Tinh với những loài thú trên cạn, thủy tộc dưới nước. Các cháu thiếu nhi được cưỡi trên lưng voi chín ngà, gà chín cựa, ngựa chín hồng mao. Dưới hồ có các nhà hàng nhỏ để du khách được thưởng thức “các tướng lĩnh của Thủy Tinh”, đó là các món đặc sản vùng đất Tổ (cá chiên, cá lăng, cá anh vũ, tôm, cua, ốc…). Đảo Mai An Tiêm có biểu tượng dưa hấu và chỉ bán toàn dưa hấu. Khu vườn cổ tích với sự tích Trầu Cau, bánh chưng bánh giầy, hạt thóc thần...
Đồ án đã giành giải thưởng Kiến trúc quốc gia năm 1998 nhưng khi đưa vào thực tế lại gặp không ít khó khăn bởi tầm nhìn và hạn chế kinh phí đầu tư. Nhưng cuối cùng, sau hai mươi năm kể từ ngày công bố quy hoạch, mới đây, Công viên Văn Lang đã được xây dựng, đưa vào sử dụng từng phần và gắn biển "Công trình chào mừng Đại hội Đảng bộ tỉnh Phú Thọ lần thứ XVIII".
Ông Vũ Mạnh Dương, người dân phường Thọ Sơn, TP Việt Trì, cho biết: “Công viên Văn Lang tạo ra một cảnh quan sinh thái rất đẹp, nó cũng thể hiện được nhiều nét văn hóa truyền thống, lịch sử đầy tự hào của người dân đất Tổ chúng tôi”. Kiến trúc sư Khải cho biết thêm, theo bản thiết kế kiến trúc của ông, còn nhiều hạng mục lớn chưa được triển khai nhưng tính khả thi của nó thì đã thu hút được các nhà đầu tư trong nước và quốc tế.
Đánh giá về công trình này, ông Lê Hồng Vân, Chủ tịch UBND TP Việt Trì, cho biết: “Công trình đã tạo ra một không gian đẹp với đầy đủ hạ tầng kỹ thuật đồng bộ, kết hợp với các công trình kiến trúc độc đáo mô phỏng lại thời đại Hùng Vương. Đây cũng là điểm nhấn để tỉnh Phú Thọ xây dựng TP Việt Trì trở thành "Thành phố lễ hội về với cội nguồn dân tộc Việt Nam". Chúng tôi sẽ tiếp tục hoàn thiện để công viên hoàn chỉnh hơn, đẹp hơn để xứng đáng với sự đầu tư của Nhà nước”.
Giờ đây, Công viên Văn Lang đã thật sự trở thành niềm tự hào của người dân đất Tổ.
Bài và ảnh: ĐỨC TUẤN - NGUYÊN MINH