TP Hồ Chí Minh với sự hội tụ của sắc thái văn hóa đa dạng từ các vùng, miền, lịch sử hình thành và phát triển hơn 300 năm đã tạo nên hệ thống đình làng độc đáo, có mặt ở khắp các quận, huyện, thành phố trực thuộc.

Theo thống kê của Hội Di sản văn hóa TP Hồ Chí Minh, trên địa bàn thành phố hiện có hơn 300 ngôi đình làng, nhiều công trình trong số đó có tuổi đời hàng trăm năm. Đó là những di sản văn hóa vô giá, nhiều công trình đã được Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch, UBND TP Hồ Chí Minh xếp hạng di tích cấp quốc gia và cấp thành phố. Đồng chí Lê Tú Cẩm, Chủ tịch Hội Di sản văn hóa TP Hồ Chí Minh cho biết: Đình là biểu tượng văn hóa có ý nghĩa hồn cốt của cộng đồng làng, xã. Đây không chỉ là nơi thờ vị thành hoàng của làng theo tín ngưỡng dân gian mà còn có chức năng hành chính, nơi hội họp để giải quyết việc làng, nơi diễn ra các hoạt động hội hè, sinh hoạt văn hóa của cộng đồng làng, xã. Tại TP Hồ Chí Minh, nhiều ngôi đình có kiến trúc nghệ thuật đặc sắc, mang giá trị di sản văn hóa phi vật thể về tập quán thờ cúng, tưởng nhớ người có công và là chứng tích của lịch sử đấu tranh chống giặc ngoại xâm, giải phóng dân tộc...

leftcenterrightdel
Đình Minh Hương Gia Thạnh trên đường Trần Hưng Đạo, quận 5, xây dựng năm 1789, một trong những di tích tiêu biểu về kiến trúc đình làng cổ, đang được bảo tồn nguyên trạng.

Trải qua thăng trầm lịch sử, sự bào mòn của thời gian và tàn phá của chiến tranh, việc bảo tồn được hơn 300 ngôi đình làng đến thời điểm hiện nay có thể nói là một thành tựu to lớn. Tuy nhiên, cho đến nay, đại đa số di tích đình làng ở TP Hồ Chí Minh mới chỉ phát huy tốt chức năng tín ngưỡng. Chức năng hành chính, do nhu cầu đời sống xã hội biến đổi, phát triển nên đã thu hẹp. Riêng chức năng văn hóa, nhiều hình thức sinh hoạt văn hóa truyền thống, hội hè... cũng đã và đang bị mai một.

Trong đời sống đô thị hiện đại, tìm giải pháp bảo tồn và phát huy giá trị đình làng, cả văn hóa vật thể và văn hóa phi vật thể, là nhiệm vụ vừa mang tính cấp bách, vừa là chiến lược lâu dài. Khi hệ thống đình làng bị “bủa vây” bởi cao ốc, nhà cao tầng, công trình xây dựng hiện đại, nếu không xác định đúng vai trò, tầm quan trọng của bảo tồn di sản, sẽ khó tránh khỏi tình trạng xâm phạm, lấn chiếm, sử dụng sai công năng, hư hỏng, phai nhạt sắc thái văn hóa truyền thống.

Trước thực trạng nhiều di tích ngày càng bị hư hỏng, xuống cấp, các cơ quan chức năng đã tham mưu cho UBND TP Hồ Chí Minh chỉ đạo, tăng nguồn ngân sách dành cho công tác bảo tồn di sản. Đó là giải pháp cần thiết để giữ cho hệ thống di tích đình làng vẹn nguyên giá trị văn hóa vật thể. Tuy nhiên, điều mong muốn của các chuyên gia ngành văn hóa, du lịch là hệ thống đình làng ở TP Hồ Chí Minh phải được phát huy như một thiết chế, sản phẩm du lịch tâm linh, du lịch tín ngưỡng trong xu thế phát triển. Muốn vậy, phải “đánh thức” sự liên kết hài hòa giữa chức năng tín ngưỡng và chức năng văn hóa. Nhiều ngôi đình trước đây được cha ông sử dụng để luyện binh, dựng cờ khởi nghĩa đánh đuổi thực dân cướp nước. Nhiều anh hùng dân tộc, dũng tướng khởi binh, xung trận diệt giặc cứu nước, đến nay vẫn được hậu thế thờ cúng, tri ân trong các đình làng. Nhiều loại hình nghệ thuật dân gian cũng được ươm mầm, phát triển trong không gian đình làng. Đây là những giá trị văn hóa phi vật thể cần được khôi phục. Những đình làng có không gian, điều kiện phù hợp, cần khôi phục lại các hình thức tập luyện võ thuật, liên hoan ca múa nhạc dân tộc, quảng bá, tổ chức lễ hội truyền thống... để tạo sản phẩm du lịch thu hút du khách.

Bài và ảnh: NGUYỄN PHÚC NY