PGS, TS Đặng Văn Bài, Phó chủ tịch Hội đồng Di sản văn hóa quốc gia đã trao đổi với phóng viên Báo Quân đội nhân dân về nội dung này.
Bảo vệ sản nghiệp văn hóa của cha ông để lại
Phóng viên (PV): Ông đánh giá như thế nào về giá trị, thành tựu di sản văn hóa của Việt Nam?
PGS, TS Đặng Văn Bài: Bất kỳ một quốc gia nào giữ gìn được bản sắc văn hóa thì quốc gia đó sẽ phát triển. Việt Nam chúng ta coi những di sản văn hóa vật thể và văn hóa phi vật thể là sản nghiệp văn hóa. Ví dụ kinh thành Huế là một sản nghiệp cha ông để lại; 40 nghìn đình, đền, chùa trong cả nước cũng vậy, mỗi một ngôi đền bao nhiêu nghìn viên ngói, bao nhiêu mét khối gỗ, bao nhiêu triệu ngày công...
 |
PGS, TS Đặng Văn Bài. |
Giá trị cốt lõi của sản nghiệp văn hóa chính là những thông điệp văn hóa, những bài học lịch sử. Có 3 yếu tố tạo nên sức mạnh quốc gia là: Ổn định xã hội, trí tuệ, bản lĩnh và khát vọng của dân tộc. Đồng thuận ổn định xã hội thì mới thuận lợi làm ăn, người ngoài mới đến bắt tay hợp tác. Để ổn định xã hội thì yếu tố cơ bản đầu tiên là lòng dân và sự đồng thuận xã hội. Muốn có lòng dân và đồng thuận xã hội thì phải có độc lập. Nước độc lập, dân có tự do và được dân chủ. Nền tảng đó có rồi thì trí tuệ của dân tộc soi sáng. Trí tuệ của dân tộc ta nhìn vào từng giai đoạn lịch sử đã có những bài học in dấu trong các di sản văn hóa. Trong trí tuệ có tư tưởng của những tầng lớp tinh hoa, có tri thức bản địa, tri thức dân gian, tri thức khoa học do các nhà khoa học làm nên, có tư tưởng của các danh nhân văn hóa... Nước Việt Nam trải qua nhiều cuộc chiến tranh, thiên tai mà ta vẫn tạo nên nền văn minh lúa nước điển hình của Đông Nam Á; chúng ta vẫn tạo dựng không gian sinh tồn từ Bắc chí Nam, từ mũi Cà Mau đến địa đầu Móng Cái; chịu nghìn năm Bắc thuộc mà vẫn giữ được tiếng nói Việt Nam, không bị xâm lăng về văn hóa, độc lập về văn hóa. Chính vì tinh thần giữ bản sắc văn hóa mà chúng ta giữ được sức mạnh Đại Việt, đánh thắng được những kẻ thù mạnh hơn chúng ta rất nhiều lần cả về tiềm lực kinh tế lẫn quân sự. Đất nước đổi mới, hội nhập quốc tế, nâng vị thế của đất nước ta, bản lĩnh dân tộc ta. Khát vọng vươn lên chúng ta luôn luôn có. Việt Nam sẽ không sợ hãi trước bất cứ kẻ thù nào và sẵn sàng đối mặt với mọi khó khăn, thách thức để vượt qua. Huyền thoại 3 lần đánh thắng Nguyên-Mông, thắng lợi Điện Biên Phủ lịch sử, huyền thoại đường Trường Sơn-Đường Hồ Chí Minh, Đại thắng mùa Xuân 1975, xóa đói giảm nghèo, hội nhập..., đó là những thành tựu văn hóa rất lớn, là di sản-tài sản quốc gia.
Bảo tồn di sản văn hóa không mâu thuẫn với phát triển kinh tế-xã hội
PV: Di sản văn hóa ngày càng giữ vai trò quan trọng, là động lực phát triển bền vững của mỗi quốc gia. Phải làm thế nào để bảo vệ, phát huy giá trị di sản văn hóa có hiệu quả, thưa ông?
PGS, TS Đặng Văn Bài: Người ta vẫn lầm tưởng giữa bảo tồn di sản văn hóa và phát triển kinh tế-xã hội có hàm chứa các mặt mâu thuẫn. Câu hỏi đặt ra là, chúng ta sẽ bảo tồn di sản văn hóa như thế nào, bằng phương tiện nào nếu không có cơ sở vật chất, kỹ thuật cũng như nguồn đầu tư cần thiết do phát triển kinh tế-xã hội đưa lại. Do đó, phải coi việc bảo tồn di sản văn hóa là vì mục tiêu tăng trưởng kinh tế và cũng là nhu cầu tự thân của ngành quản lý văn hóa. Có nghĩa, di sản văn hóa phải được tiếp cận theo một tinh thần hoàn toàn mới: Không chỉ bảo tồn một cách bất biến các giá trị của di sản mà phải thiết lập các hình thức quản lý hoạt động bảo tồn, để các giá trị nhân văn trong di sản trở thành “một bộ phận hiện đại” của xã hội mới, phù hợp với yêu cầu phát triển bền vững.
PV: Vấn đề bảo tồn và phát huy di sản văn hóa được đề cập nhiều qua việc ứng dụng công nghệ số, số hóa di sản. Vậy đây có phải là bước tiến phù hợp với yêu cầu phát triển bền vững không, thưa ông?
 |
Di sản kinh thành Huế chứa đựng những giá trị văn hóa vô giá của Việt Nam.Ảnh: NHẬT ANH. |
PGS, TS Đặng Văn Bài: Ứng dụng công nghệ thông tin, số hóa di sản văn hóa được coi là phương tiện lưu trữ và quảng bá di sản. Nhưng tư tưởng sáng tạo, năng lực sáng tạo của con người trong việc áp dụng công nghệ đó mới quyết định thành công hay bền vững. Sự kết hợp này sẽ trở thành cánh tay nối dài phát huy di sản. Chẳng hạn mới đây, Viện Văn hóa nghệ thuật quốc gia Việt Nam (Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch) đưa vào sử dụng nền tảng trực tuyến Ichlinks “Phát triển cơ sở dữ liệu di sản văn hóa phi vật thể và nội dung số ở Việt Nam” mang đến một ứng dụng hữu ích, một bước tiến mới trong bảo vệ và phát huy di sản. Người xem không chỉ biết đến hình ảnh di sản đó, mà được nghe câu chuyện di sản, được bình luận về nó... và đôi khi ngược lại còn gợi mở sáng tạo cho người quản lý. Những đổi mới về cách tiếp cận di sản này giúp ta thực hiện quyền văn hóa của con người rất tốt. Vì quyền văn hóa là quyền được tiếp cận, hưởng thụ, quyền được tham gia, sáng tạo văn hóa.
Mặt khác, đã số hóa thì sức mạnh của tài nguyên di sản-tài nguyên giáo dục mở rộng tới mọi người, mọi tầng lớp xã hội, mọi thời gian, mọi nơi đều có thể mở ứng dụng để tiếp cận. Tính liên kết không chỉ trong phạm vi quốc gia mà rộng ra quốc tế để người ta có thể thấu hiểu lẫn nhau, đồng thuận với nhau trong vấn đề mình cùng liên quan, như thế thì họ sẽ đến thăm và tạo động lực phát triển du lịch, tạo sự kết nối để phát triển kinh tế-xã hội.
PV: Trân trọng cảm ơn ông!
VƯƠNG HÀ (thực hiện)