Thế giới khâm phục, kính trọng tinh thần cầu thị và tự trọng trong kinh doanh của người Nhật. Có giám đốc doanh nghiệp không mũ nón cứ đứng dưới trời mưa cúi chào khách hàng. Công ty Honda (năm 1967) khai báo lỗi của sản phẩm trước nhà chức trách, dù chịu thiệt hại nặng nề để vừa giữ uy tín cho công ty, vừa bảo đảm an toàn cho khách hàng...

Với Việt Nam, giới doanh nghiệp nước ngoài đánh giá cao Bạch Thái Bưởi, Nguyễn Sơn Hà, Trịnh Văn Bô...

 Ảnh minh họa: Internet.

Bạch Thái Bưởi (1874-1932) xuất thân từ người bán hàng rong, rồi được xếp vào 4 người giàu nhất Việt Nam đầu thế kỷ 20 nhờ kinh doanh hàng hải, khai thác than và in ấn. Bài học văn hóa kinh doanh của ông là tinh thần tự tôn dân tộc. Mua lại tàu từ đối thủ nước ngoài rồi đặt lại bằng những tên Việt Nam gợi về dòng giống dân tộc vẻ vang: Lạc Long, Hồng Bàng, Lê Lợi, Hàm Nghi... Rất quan tâm đến đời sống giới thợ thuyền, ông dành chế độ an sinh cho nhân viên, trợ cấp du học cho học sinh nghèo... Ông tự học tiếng Pháp để sang Pháp tiếp thu kinh nghiệm kinh doanh phương Tây.

Nguyễn Sơn Hà (1894-1980) khởi nghiệp từ một hãng sơn dầu ở Hải Phòng với logo hình con tắc kè xanh bám 4 chân vào thân cây cổ thụ. Tắc kè gần gũi với người Việt, có nhiều màu sắc (sơn nhiều màu), chân có nhiều móng bám rất chắc vào tường nhà (như sơn Sơn Hà). Một logo thật ấn tượng! Sản phẩm có giá thành thấp hơn sơn ngoại, chất lượng tốt nên bán rất chạy. Ông tham gia các hoạt động xã hội như thành lập Ban Cứu tế, xây dựng các cơ sở từ thiện, mở trường học nuôi dạy trẻ lang thang, cơ nhỡ. Nhà cách mạng Phan Bội Châu tặng ông câu đối: “Hóa học bác Âu trường, tô điểm sơn hà tâm hữu tất/ Công khoa tồn Việt chủng, chuyển di thời thế thủ vi cơ” (tạm dịch: Lấy hóa học người Âu, điểm tô sông núi bởi lòng son/ Làm công nghệ đất Việt, đổi thay thế thời từ tay trắng). Gia đình ông hiến tặng số tài sản lớn (10,5kg vàng, bạc, đá quý) cho Chính phủ lâm thời do Hồ Chí Minh đứng đầu.

Trịnh Văn Bô (1914-1988), nhà tư sản theo chủ nghĩa dân tộc rất nổi tiếng chuyên buôn bán mặt hàng tơ lụa. Có học vấn cao, lại cần cù, biết tận dụng cơ hội và nắm bắt thương trường khu vực và quốc tế qua tiếng Anh, tiếng Pháp nên rất giàu có. Cách mạng ghi nhớ công ơn của ông và gia đình đã đóng góp cho Tuần lễ vàng (năm 1945) hơn 5 nghìn lượng vàng, gấp đôi ngân khố của Chính phủ lúc bấy giờ!

Các doanh nhân đó đã để lại những bài học bằng vàng về kinh doanh phải hướng tới mục tiêu cao nhất vì lợi ích dân tộc, cộng đồng và khách hàng. Chữ “Tâm” đi liền với “Tín” là nền móng của ngôi nhà nhân cách doanh nhân. Chữ “Tín” là tin, là trung thực, trung thực với mình, với người mua, với bạn bè, với cả pháp luật. Thượng tôn pháp luật là một khía cạnh của “Tín”!

Một đặc trưng của doanh nhân thời 4.0 không đơn thuần là nhà buôn bán, đầu tư, sản xuất, mà còn là sứ giả văn hóa (có điều kiện giao lưu với nhiều địa phương, với nước ngoài), là nhà quản lý, nhà tài trợ... Họ trở thành biểu tượng (như 3 doanh nhân nêu trên) được xã hội kính trọng.

Thế mà gần đây, một số doanh nhân có tiếng trong xã hội lại bị khởi tố, bắt giam. Lý do là họ đi ngược lại đạo đức kinh doanh, lừa dối Nhà nước, khách hàng, làm ăn kiểu chụp giật, lách luật, trốn thuế... Tóm lại là cả “Tâm” và “Tín” đều kém! Mới đây, một “đại gia” ở thành phố cảng Hải Phòng cũng vừa bị khởi tố vì ông ta đã ngang nhiên cho người phá phách, thậm chí ăn cướp tài sản của người khác. Điều này báo động một thực tế đáng ngại: Cái gốc đạo đức của một số doanh nhân thời nay đang mục ruỗng nghiêm trọng!

Biểu tượng thường bền vững. Những doanh nhân bị khởi tố, bắt giam là “giả biểu tượng”, tức là chỉ có lớp sơn hào nhoáng bên ngoài. Thời của trí tuệ nên chữ “Chân” (thật) rất được coi trọng, làm thật, sống thật, học thật thì mới tồn tại, phát triển bền vững. Đạo Phật đang được đề cao ở cấp độ toàn cầu nhờ tôn thờ chữ “Tâm” (chân tâm, chân thành, chân Phật pháp...) vì đó là chất keo dính tốt nhất gắn kết các nền văn hóa nói chung, gắn kết tình thương yêu con người nói riêng.

NGUYÊN THANH