QĐND - Các nhà văn quân đội là những người có nhiều tác phẩm viết về chiến tranh và người lính, bởi trong chiến tranh hầu như chỉ có đề tài này. Tuy nhiên, khi hòa bình lập lại, nhiều vấn đề của xã hội, cuộc sống nảy sinh, các nhà văn quân đội cũng mở rộng đề tài “dân sự”, và với một số nhà văn, thành tựu văn học của họ được bạn đọc đánh giá khá cao ở mảng đề tài mới mẻ này. Tuy nhiên, có một nhà văn chỉ viết về đề tài người lính và chiến tranh, ngay cả sau 40 năm cuộc kháng chiến chống Mỹ toàn thắng. Đó là nhà văn Châu La Việt, tên khai sinh là Lê Khánh Hoài, sinh năm 1952 tại miền Trung nhưng tuổi thơ và lớn lên ở Hà Nội.

Năm 1969, khi cuộc kháng chiến chống Mỹ, cứu nước vào giai đoạn ác liệt, 17 tuổi, vừa tốt nghiệp phổ thông, anh tình nguyện làm người lính, khoác ba lô vào Trường Sơn. Vốn có gien nghệ sĩ (mẹ là ca sĩ Tân Nhân “lên ngôi” cùng ca khúc "Xa khơi" của Nguyễn Tài Tuệ, bố là nhạc sĩ Hoàng Thi Thơ), trước khi nhập ngũ, anh mới tập viết dăm vần thơ mơ mộng tuổi học trò, khi vào cuộc chiến, không chỉ cảm nhận sự ác liệt của chiến tranh, mà còn thấy vẻ hào hùng và lãng mạn. Bắt đầu anh làm thơ, đề tài là những cuộc hành quân, những trận chiến đấu và tình đồng đội của đơn vị cao xạ 37mm mà anh là một pháo thủ. Sau thơ đến bút ký, truyện ngắn… rồi đến khi thấy Đội Tuyên văn của binh trạm cần kịch để diễn thì anh chuyển sang viết kịch. Nhà thơ Hữu Thỉnh viết trong trường ca "Đường tới thành phố" có câu đại ý: “Không có sách, chúng tôi làm ra sách/ Chúng tôi làm thơ ghi lại cuộc đời mình”. Châu La Việt tâm sự: “Ở chiến trường, sách báo cực hiếm. May mắn lắm mới thấy quyển Văn nghệ quân đội, anh em chuyền tay nhau đọc cho nát ra, mà trong đó cũng chỉ có văn và thơ, còn kịch thì hầu như vắng bóng”. Thế là anh viết kịch, nhân vật toàn những người lính quen thuộc, từ sĩ quan chỉ huy đến chiến sĩ. Đọc 10 tác phẩm mà anh đã xuất bản, tôi thấy không gian nghệ thuật quen thuộc của anh là một trạm giao liên, một khẩu đội cao xạ, một trạm gác đường… và những cuộc hành quân. Nhân vật hầu hết là người lính, từ chính ủy, trạm trưởng trạm giao liên đến các cô nuôi quân…

Nhận xét này càng đúng với tiểu thuyết “Tiếng chim hót lảnh lót giữa rừng”, do Nhà xuất bản Lao Động ấn hành cuối năm 2014. Tiểu thuyết gồm 10 chương ngắn, đậm đặc chất lính. Nếu như tiểu thuyết “Chim vẫn hót cúc cu bên đồi” (xuất bản năm 2013) gần như một quyển tự truyện, thì quyển tiểu thuyết mới này giống tập truyện ký với những con người có thực từ Chính ủy Dư Cao đến các cán bộ trong Binh trạm 13, Mặt trận Đường 7. Trong ký ức của Châu La Việt về đồng đội mình thời binh lửa, ai cũng đẹp, cũng đáng mến phục, nên trong tiểu thuyết này không hề có nhân vật phản diện. Ngay cả hai quân nhân đào ngũ là Huân (nguyên mẫu từ bản thân tác giả) và Tiến, một tiểu đội trưởng công binh, nhưng cũng rất đáng yêu, không chỉ vì nguyên nhân dẫn đến sự đào ngũ đó, mà vì cả hai sớm nhận ra khuyết điểm của mình, sớm quay lại đơn vị, sẵn sàng chấp nhận kỷ luật của đơn vị...

Nhà văn Châu La Việt không phải là người giàu trí tưởng tượng, mà chi tiết anh lấy từ trong cuộc sống, nên nói về mặt bố cục và hư cấu của “Tiếng chim hót lảnh lót giữa rừng”, có thể còn cần bàn thêm, tuy nhiên chi tiết về chiến tranh và ngừơi lính thật sống động và trung thực, những người lính sinh ra thời hậu chiến đọc sẽ hiểu được khá nhiều hiện thực chiến trường mà cha ông mình đã trải và những nhà văn thế hệ 8X trở về sau có thể lấy tư liệu từ tiểu thuyết này để làm giàu thêm sự hiểu biết về chiến trận để xây dựng tác phẩm mới của mình. Không chỉ riêng tiểu thuyết “Tiếng chim hót lảnh lót giữa rừng”, mà các tác phẩm văn xuôi của Châu La Việt, mức độ khác nhau, đều có chung tính chất ấy.

Châu La Việt là người đa cảm. Khi nhắc lại kỷ niệm một thời, gặp lại vùng đất anh từng sống những năm tháng ác liệt như: Nậm Tiền, Nậm Mật, Đèo Đất, Đèo Đá… bản Phu La Nhích… anh đã khóc. Anh tâm sự: “Bao sự tích hào hùng cùng vẻ đẹp cao quý của người lính những ngày tháng ấy, lẽ nào theo con suối kia, theo ngọn gió cánh rừng kia, một đi không trở lại? Không, không! Nước có thể trôi, gió có thể bay, nhưng chiến công và cuộc đời các anh- những cán bộ Binh trạm 13 sẽ còn đọng lại mãi…Và văn học sẽ làm được điều này…”. Đó là lý do tại sao anh viết “Tiếng chim hót lảnh lót giữa rừng”.

Cách đây hơn 45 năm, tôi đã được đọc truyện ngắn “Dưới tán cây săng lẻ” của anh viết về chuyện chiến đấu, sinh hoạt, tình cảm của những người lính trẻ ở rừng Trường Sơn. Khi tìm hiểu, tôi biết được anh là con của hai nghệ sĩ nổi tiếng nhưng phải gánh chịu hoàn cảnh éo le do đất nước chia cắt hai miền. Có một thời tôi đã nhầm về anh vì nghĩ rằng, những người như anh, khi cuộc chiến chấm dứt thì sẽ chuyển một cách “triệt để” về mối quan tâm mới trong xã hội thời hậu chiến mà sớm quên đi khoảng thời gian ác liệt của chiến tranh mình từng vật lộn. Với anh hoàn toàn khác. Anh luôn khắc ghi tình đồng đội, trân trọng từng giọt máu mà đồng chí, đồng bào đã đổ xuống cho Tổ quốc thống nhất. Là người lính nguyên vẹn trở về sau chiến tranh, anh luôn có cảm giác mình mắc nợ, mà với anh, đã mắc nợ thì phải trả. Với văn chương, anh viết đủ các thể loại, hoặc trực tiếp về người lính, hoặc dấu ấn người lính in đậm nét trong tác phẩm. Anh là người có tài đạo diễn, tổ chức những đêm biểu diễn để tưởng nhớ và tri ân người lính như các chương trình về văn nghệ sĩ, liệt sĩ quân đội. Ngay ở Nhà hát Lớn Hà Nội, tôi được mời dự hai chương trình thơ nhạc, một về Đại tá, nhà văn quân đội Xuân Thiều, một về liệt sĩ Lê Nam, người sĩ quan từng là cán bộ chỉ huy từ hồi đánh trận đầu vào đồi Him Lam mở màn cho Chiến dịch Điện Biên Phủ, và thời chống Mỹ đã hy sinh trên chiến trường Trị Thiên. Không chỉ chương trình văn nghệ, mà anh còn tổ chức bản thảo xuất bản nhiều tập sách có giá trị về hai sĩ quan quân đội này.

Đối với một số người, khi cuộc chiến lùi xa, ký ức cũng mờ dần, nhưng với Châu La Việt thì không thể. Anh tâm sự, có những ngày công việc đời thường của thành phố cuốn hút anh, nhưng về đêm, trước giấc ngủ, trong căn phòng yên tĩnh, là ký ức thời chiến lại hiện về, với hình ảnh những đồng đội mà có người đã ngã xuống giữa chiến trường, nhìn anh như muốn nói một điều gì. Thế là anh lại viết và viết về họ như là câu trả lời cho những ánh nhìn kia!

Đó là lý do để những tác phẩm viết về người lính nối nhau ra đời. Đáng trân trọng biết bao tấm lòng của nhà văn nặng tình đồng đội.

Xuân, 2015

VƯƠNG TRỌNG