Ấy thế nhưng chớ vội thờ ơ. Sau bao nhiêu cao lương mỹ vị, bụng dạ nặng trình trịch, người ta lại thèm món gì đó thanh đạm nhẹ nhàng. Lúc đó cháo đậu cà muối đích thị lên ngôi. Toàn những thứ nhà quê nhưng mà ấm bụng, lành dạ. Chẳng có mỡ màng, chất đạm mà sao vẫn thấy no, thấy khỏe.
Cháo đậu cà muối có ở Hà Nội từ bao giờ chẳng ai biết cụ thể. Đất kinh kỳ có món ăn phát sinh từ nội tại nhưng cũng có nhiều món theo chân khách thập phương đem đến góp lên sự phong phú về ẩm thực của chốn Hà thành phồn hoa. Cháo thì ở đâu cũng có. Nhiều khi chẳng đủ gạo nấu cơm, người ta múc nước mưa rồi thả vào đó vài lẻ gạo đun xình xịch lên thành cháo. Cà cũng vậy, muối mặn nén chặt làm thức ăn. Thêm miếng đậu rán vậy là đủ để cả nhà xì xụp, xuýt xoa đến no bụng. Với người Hà Nội dẫu là món bình dân thì cũng được nâng tầm để trở thành nét đặc trưng ẩm thực. Cháo đậu cà muối tuy là món có hơi hướng quê mùa nhưng vẫn được chăm chút cẩn thận giúp vừa miệng những thực khách sành ăn.
Lang thang trong con phố nhỏ, bà bán hàng rong đã ngồi nép mình trên vỉa hè. Dăm ba cái ghế con bày ra. Bà nhẹ nhàng múc quanh nồi cháo, rồi mới cắt đậu, gắp cà muối vào bát. Công thức bí quyết từ đời bà, đời mẹ truyền lại qua mấy chục năm vẫn vậy. Khách thì toàn người quen, cứ nhìn mặt là đong đếm ra bát, chẳng cần hỏi han nhiều. Tính tình xởi lởi, bà chẳng ngại ngần chia sẻ chuyện nghề: “Vất vả lắm chú à! Mẹ gọi con, bà gọi cháu từ nửa đêm gà gáy. Cả nhà cứ tất bật cả lên cho kịp buổi mở hàng”.
Cái món đơn giản nhưng không vì thế mà làm vội, làm ẩu được. Cháo ngon là ở gạo tốt. Gạo tẻ lẫn chút gạo nếp cái được ninh cho nở như hoa. Rồi thêm cả đậu xanh hoặc là đậu đen ninh cùng. Bao nhiêu tinh chất từ trong lòng hạt gạo, hạt đậu bung ra để nồi cháo sánh mịn. Cháo ninh phải từ từ, nước lửa phối hợp nhịp nhàng để nồi cháo không bị bùng lên mà trào hết chất tinh túy hay bị khê nồng khen khét. Để có cà bán, bà bán quán phải lọ mọ muối cà pháo nén chặt trong vại sành. Quả cà ngấm muối săn lại méo mó nhưng giòn tan sừn sựt, mặn vừa phải, nhai kỹ có vị ngọt hậu. Riêng đậu, người Hà Nội chọn đậu mơ và phải rán trong mỡ nóng già. Miếng đậu bơi trong mỡ phồng lên vàng ruộm. Nước chấm pha đủ vị chua, cay, mặn, ngọt, hành hoa cắt khúc xong xuôi mới thả những miếng đậu nóng hổi vào. Bao nhiêu cái đậm đà cứ thế lặn vào trong. Miếng đậu trở nên đượm vị, ngoài giòn mà trong beo béo, ngầy ngậy.
Giữa tiết trời man mát, bát cháo múc ra rạng cả mặt người. Dăm ba quả cà trắng ngà, mấy miếng đậu vàng cắt nhỏ để lên trên. Người bán trao bằng hai tay. Người ăn hồ hởi đón lấy. Câu chuyện cứ thế rì rầm trong con ngõ nhỏ. Ăn món thanh đạm thì đâu cần xô bồ, vồ vập. Người ta cứ nhẹ nhàng lượn thìa quanh vòng bát là đủ miếng cháo sánh mịn. Thêm quả cà, miếng đậu đưa vị. Bấy nhiêu cái ngon và lành quyện vào nhau đánh thức vị giác, gợi lại bao điều trong tâm tưởng. Ăn có thể là nhớ những ngày gian khó, ăn có khi là để cho lòng thư thái, nhẹ nhàng. Vào những ngày tuần rằm quán thường đông khách. Là bởi món cháo đậu cà thuần chay hợp với người ăn chay, ăn kiêng.
Cháo đậu cà muối chẳng để dành cho riêng ai. Giữa lòng phố Hà Nội, món ăn ấy vẫn lặng lẽ đứng cùng bao nhiêu thức ngon phục vụ thực khách. Hãy đến và cảm nhận một Hà Nội bình dị, yên lành từ món ăn dân dã và tình người lan tỏa nơi góc phố thân yêu.
THƯ NGỌC