Góp sức để ra "trái ngọt"
Những ai theo dõi tường tận cả cuộc thi đều có chung nhận xét, đó là nếu nhà hát nào, đơn vị nghệ thuật nào được ngành, địa phương quan tâm đầu tư kinh phí rộng rãi, lãnh đạo đơn vị nghệ thuật tâm huyết, có trách nhiệm thì lực lượng diễn viên trẻ dự thi không những đông hơn, mà chất lượng cũng tốt hơn hẳn. Cuộc thi lần này vẫn gặp những trường hợp thí sinh, đơn vị tham gia dự thi vội vã rồi phải lập tức về ngay nhằm tiết kiệm kinh phí, nên ít ai có điều kiện được ở lại xem đồng nghiệp diễn để giao lưu và học hỏi. Trong khi đó, các nhà hát, như: Nhà hát Chèo Việt Nam, Nhà hát Tuồng Việt Nam không những chi toàn bộ kinh phí tập luyện cho thí sinh của mình dự thi, mà còn huy động các nghệ sĩ tên tuổi của nhà hát tham gia biểu diễn phụ trợ; rồi cả dàn nhạc đi phục vụ các diễn viên trẻ dự thi. Riêng Nhà hát Tuồng Việt Nam tạo điều kiện cho gần 30 học sinh đang học lớp đào tạo diễn viên, nhạc công tuồng do nhà hát phối hợp với Trường Đại học Sân khấu Điện ảnh Hà Nội đào tạo cũng được tham gia cuộc thi để có cơ hội học hỏi. Điều dễ nhận thấy, để có những tài năng trẻ lấp lánh cho đơn vị của mình, ngoài sự nỗ lực của cá nhân nghệ sĩ trẻ thì cũng phụ thuộc rất nhiều vào tầm nhìn của lãnh đạo, khi thường xuyên tạo môi trường rèn luyện cho nghệ sĩ trẻ từ việc giao vai cho tới việc mời thầy giỏi về tập luyện nâng cao trình độ cho họ.
Màn diễn dự thi “Lưu Bình Dương Lễ” của thí sinh Nhà hát Chèo Việt Nam.
23 nghệ sĩ được trao huy chương Vàng, 20 nghệ sĩ được trao huy chương Bạc là những cá nhân nổi trội hội tụ các yếu tố thanh-sắc-thục-tinh-khí-thần. Những vai diễn mẫu nổi tiếng trong tuồng, chèo được lựa chọn đi thi đều là những vai khó. Có rất nhiều cô Mầu trong “Thị Mầu lên chùa”, nhiều nàng Súy Vân giả dại trong “Súy Vân” và có rất nhiều nữ tướng anh hùng Đào Tam Xuân trong “Đào Tam Xuân đề cờ”... nhưng rõ ràng với mỗi cách thể hiện riêng thì tài năng được nổi trội từ giọng ca, gương mặt, nụ cười, ánh mắt cho tới từng động tác, cử chỉ đầy biểu cảm trên sân khấu.
Nỗi lo nghiệp dư hóa
Theo đánh giá của Hội đồng giám khảo, nhược điểm của cuộc thi lần này là không ít những trích đoạn và chương trình dự thi của một số đơn vị, cá nhân bộc lộ sự thiếu chuyên nghiệp. Nói thẳng hơn là tuồng, chèo đang có những biểu hiện nghiệp dư hóa. Cá nhân nghệ sĩ khi bước ra sân khấu đã bị trục trặc từ việc sử dụng micro cho tới hát chênh, phô làm mất đi hiệu quả thẩm mỹ nghệ thuật của vai diễn. Vai trò chỉ đạo nghệ thuật của một số đơn vị quá mờ nhạt, nảy sinh rất nhiều những bất cập như cảnh trí dàn dựng lộn xộn, cản trở diễn xuất của diễn viên, vai diễn phụ trợ diễn lấn át cả vai chính dự thi, đạo diễn dàn dựng dễ dãi khiến diễn viên thể hiện thiếu chiều sâu... NSƯT Lê Chức, Phó chủ tịch Hội Nghệ sĩ Sân khấu Việt Nam nhận định: “Tôi thấy một số đơn vị nghệ thuật địa phương chưa đầu tư đúng hướng. Vai trò chỉ đạo nghệ thuật cũng như lãnh đạo mờ nhạt. Khi có cuộc thi thì vội vã mời thầy dạy cấp tập đôi tuần là đi thi. Như vậy không chỉ xem nhẹ đơn vị mình mà còn làm nản lòng nhiệt huyết của diễn viên với nghiệp diễn vốn đang gặp quá nhiều khó khăn”.
Vào vai Thị Mầu trong trích đoạn “Thị Mầu lên chùa”, diễn viên Đặng Thị Thu Hà (Nhà hát Chèo Thái Bình) được đánh giá tốt ở cuộc thi. Thu Hà chia sẻ, theo nghiệp sân khấu truyền thống, người nghệ sĩ từng ngày, từng giờ như con tằm rút ruột nhả tơ. Cả nước hiện nay chỉ có 7 đoàn nghệ thuật tuồng, 16 đoàn chèo, mỗi đơn vị bình quân có khoảng 50 người, số lượng đâu có nhiều so với các ngành nghề khác. Vậy mà cho tới nay các chế độ lương bổng, đãi ngộ cũng như đầu tư để gìn giữ nghệ thuật truyền thống vẫn chưa phù hợp với những đam mê, nỗ lực cống hiến của người nghệ sĩ.
Nói đi thì cũng phải nói lại, nhiều đơn vị nghệ thuật địa phương cũng đang lâm vào cảnh khó, bởi việc sáp nhập các đoàn nghệ thuật truyền thống như tuồng, chèo, cải lương... thành mô hình nhà hát nghệ thuật, mặc dù biết đây chỉ là giải pháp tình thế nhằm tinh giản biên chế chứ không phải sáp nhập để đầu tư quy mô. Ngay tại Thanh Hóa, nơi đăng cai tổ chức cuộc thi, nghệ sĩ của 3 đơn vị tuồng, chèo, cải lương cũng đang tâm tư khi tỉnh nhà quyết định cho hợp nhất ba đơn vị thành nhà hát nghệ thuật, nguồn kinh phí dựng vở mới đã tạm dừng...
Những nỗi niềm mà các đơn vị nghệ thuật truyền thống cũng như nghệ sĩ tuồng, chèo đưa đến cuộc thi lần này còn là sự mong mỏi: Nhà nước đã quan tâm cần quan tâm hơn nữa, để chọn lọc, tìm ra những đơn vị nghệ thuật tiêu biểu, có vị trí trong đời sống xã hội để đầu tư trọng điểm, thay vì đầu tư dàn trải và phó mặc cho địa phương tách nhập một cách cơ học khiến nhiều thương hiệu nghệ thuật bị mất đi hoặc bị nghiệp dư hóa như thời gian qua. Nâng cao đời sống và thu nhập của người nghệ sĩ sân khấu truyền thống, các đơn vị nghệ thuật tuồng, chèo cần được đầu tư xứng đáng để tạo vị thế trong xã hội... Rõ ràng “có thực mới vực được đạo”, có môi trường và điều kiện để tỏa sáng tài năng bằng những vai diễn và những đêm diễn thì mới có thể giữ chân được những tài năng trẻ gắn bó và cống hiến cả cuộc đời với nghệ thuật truyền thống.
Bài và ảnh: CHÂU XUYÊN