Tranh dân gian Việt Nam, bảo tồn và phát huy giá trị. Đó là chủ đề của tọa đàm do Bảo tàng Hà Nội phối hợp với Bảo tàng Gốm sứ tổ chức diễn ra vào ngày 18-8 vừa qua, tại Bảo tàng Hà Nội. Tọa đàm xoay quanh những vấn đề lịch sử hình thành và sự phát triển của các dòng tranh dân gian, đồng thời đề ra một số phương hướng bảo tồn và phát huy giá trị của tranh dân gian Việt Nam. Cuộc tọa đàm với sự tham gia của nhiều nhà nghiên cứu mỹ thuật, hội họa đến từ 3 miền Bắc, Trung, Nam.
Tranh dân gian Việt Nam nổi tiếng với các dòng tranh: Tranh Đông Hồ, Tranh Kim Hoàng, Tranh Hàng Trống, Tranh Thập vật, Tranh làng Sình… Tuy nhiên, cùng với thời gian và những đổi thay của xã hội, nhiều giá trị của các dòng tranh dân gian đang dần bị phôi pha, biến dạng, nhiều tranh và bản khắc độc đáo đã không còn nguyên bản, lưu lạc, thất tán trong dân gian.
Cuộc tọa đàm với sự tham gia của nhiều nhà nghiên cứu mỹ thuật, hội họa đến từ 3 miền Bắc, Trung, Nam.
PGS, TS Trương Quốc Bình, Ủy viên Hội đồng Di sản văn hóa quốc gia cho rằng, những năm gần đây, thị trường tranh dân gian thưa vắng, vì vậy, những người làm tranh dần chuyển sang sản xuất các hàng hóa khác có lợi nhuận kinh tế cao hơn, vì thế để duy trì hoạt động của các làng nghề là điều rất khó khăn. Bên cạnh đó, những nguồn cung cấp nguyên liệu để làm tranh dân gian cũng đang mai một nên chất liệu tranh dân gian cũng có sự biến đổi về chất. Truyền nghề làm tranh dân gian cho các thế hệ trẻ cũng đang là một thách thức lớn đối với ông cha ta.
Phát biểu tại buổi tọa đàm, Phó giáo sư, tiến sĩ Phan Thanh Bình, Hiệu trưởng Trường Đại học nghệ thuật Huế cho biết: Tranh làng Sình đã trở thành nhu cầu của đời sống văn hóa, là thành tố của mỹ thuật cổ truyền và hợp thành văn hóa truyền thống xứ Huế. Cùng với các loại hình tranh dân gian khác, Tranh làng Sình đã tạo nên những giá trị mỹ thuật dân gian truyền thống quý giá. Nhưng, hiện nay, để tìm được truyền nhân yêu nghề và tâm huyết với nghề là điều rất khó; những bức tranh và bản khắc của dòng tranh này hiện cũng rất hiếm.
Một số dòng tranh dân gian Việt Nam đang được trưng bày tại Bảo tàng Hà Nội. Đây là cơ hội cho công chúng, đặc biệt là thế hệ trẻ thêm hiểu về tranh dân gian của ông cha.
Tranh làng Sình và tranh thập vật được coi là một trong những hiện vật vô cùng quý giá, nhưng để sưu tập mộc bản các bức tranh này là điều vô cùng khó khăn, các nghệ nhân dân gian tại các làng tranh truyền thống này còn lại không nhiều. Còn tranh Hàng Trống cũng đang loay hoay, vật lộn trên hành trình bảo tồn và phát triển, nhất là khi, dòng tranh này chỉ còn được lưu giữ bởi duy nhất một nghệ nhân Lê Đình Nghiên.
Đứng trước thực trạng nguy cơ mai một của tranh dân gian, khá nhiều đơn vị, người tâm huyết với tranh dân gian đã có các kế hoạch, dự án được triển khai để bảo tồn và phát huy giá trị tranh dân gian Việt Nam.
Thạc sĩ Nguyễn Thị Thu Hòa, Giám đốc bảo tàng Gốm sứ Hà Nội đang từng ngày kiên trì với việc sưu tầm, gìn giữ, phục chế lại nhiều dòng tranh dân gian truyền thống của Việt Nam, trong đó có dự án khôi phục tranh Kim Hoàng, một dòng tranh dân gian nổi tiếng của Hà Nội. Cái hay của dòng tranh này là vừa có nét hồn hậu chân quê của tranh Đông Hồ, lại vừa có nét tinh tế của tranh Hàng Trống, nhưng kể từ năm 1945, đã không còn ai làm tranh Kim Hoàng.
Nghệ nhân Nguyễn Đăng Chế của làng tranh Đông Hồ cũng đang tích cực vào cuộc để khôi phục lại làng tranh Đông Hồ. Nhờ chính quyền địa phương giúp đỡ, ông đã xây dựng "Trung tâm văn hóa dân gian truyền thống", nơi đây đã trở thành điểm du lịch quen thuộc của nhiều đoàn khách tham quan trong và ngoài nước, giá trị kinh tế lên tới cả chục tỷ đồng.
Tuy nhiên, theo nhiều nghệ nhân và nhà nghiên cứu, để duy trì, phát triển giá trị tranh dân gian phải có một chương trình nghiên cứu nghiêm túc lâu dài, tổ chức các cuộc hội thảo khoa học, giới thiệu tranh dân gian tại các Bảo tàng để thế hệ trẻ biết đến, kết nối những di tích hiện có của địa phương với bảo tàng về tranh dân gian, khu trưng bày, trình diễn nghề làm tranh... Bên cạnh đó, cần đưa nghệ thuật đương đại gắn kết với nghệ thuật dân gian, giúp nghệ thuật dân gian đến gần hơn với cuộc sống hiện đại . Đặc biệt, sự truyền dạy, truyền nghề và kế nghiệp các nghệ nhân đã, đang và vẫn sẽ là những thách thức không nhỏ cho công cuộc bảo tồn các di sản văn hóa này. Làm thế nào để nghệ nhân có thể cởi mở, nhiệt tình truyền dạy bí quyết thực hành nghệ thuật cả đời tích lũy? Làm thế nào để tuyển lựa đúng đối tượng theo học, giúp họ có môi trường phát huy? Điều đó đòi hỏi cách ứng xử khéo léo, cẩn trọng với một chế độ chính sách hợp lý, có lộ trình của những người thực hiện và cần có sự tham gia của chính quyền, ngành văn hóa.
Bài, ảnh: THÚY NGUYỄN