Hát xoan Phú Thọ là trường hợp đầu tiên và duy nhất trong lịch sử của UNESCO đến nay được đặc cách chuyển từ giai đoạn bảo vệ khẩn cấp sang ghi danh là Di sản văn hóa phi vật thể đại diện của nhân loại. Các biện pháp bảo tồn và phát huy di sản hát xoan được coi là kinh nghiệm quý báu của Việt Nam trong việc bảo vệ di sản văn hóa của thế giới.

Giữ “linh hồn” cho ngày hội đất Tổ

Những ngày này, các làng cổ quanh quần thể Khu di tích lịch sử Đền Hùng (Phú Thọ) đang tất bật tập luyện và chuẩn bị cho lễ giỗ Tổ Hùng Vương. Với những nghệ nhân hát xoan lại càng náo nức, chộn rộn hơn bởi họ sẽ là “linh hồn” của ngày hội.

Theo chân nhà nghiên cứu âm nhạc dân gian Nguyễn Quang Long, chúng tôi tìm đến đình Thét của làng Thét (xã Kim Đức, thành phố Việt Trì). Đình Thét đã có hàng thế kỷ nay, gắn liền với việc diễn xướng từ buổi sơ khai của phường xoan Thét-một trong 4 cái nôi của xoan Phú Thọ (cùng An Thái, Kim Đái và Phù Đức). Tiết trời cuối xuân mát mẻ, các nghệ nhân trải chiếu giữa sân chuẩn bị cho buổi hát. 6 đào xoan diện áo dài truyền thống, chít khăn mỏ quạ. 2 kép trống cũng áo dài, khăn đóng chỉnh tề. Các đào kép làm lễ bên trong đình trước giờ diễn.

Dưới sự dẫn dắt của trùm phường-người đứng đầu một phường hát xoan-Bùi Thị Kiều Nga, họ lần lượt giới thiệu một số bài tiêu biểu của hát thờ, hát quả cách và hát hội-3 chặng chính của loại hình di sản này. Bài "Đóng đám" thuộc chặng hát thờ, xưa kia thường hát cho vua và quan viên nghe mỗi khi mở hội làng; bài "Đối dãy cách" thuộc chặng hát quả cách, ca ngợi quê hương, đất nước và con người lao động ở tất cả ngành nghề sĩ-nông-công-thương; bài "Bỏ bộ" thuộc chặng hát hội-hát giao duyên trai gái.

leftcenterrightdel

Nghệ nhân phường xoan Thét (xã Kim Đức, thành phố Việt Trì, tỉnh Phú Thọ) biểu diễn hình thái nguyên bản của hát xoan mà các thế hệ xưa truyền lại. 

Không nhạc đệm, chỉ có tiếng trống, lời hát và các điệu múa đơn giản nhưng làm rộn cả một góc sân đình. Các nghệ nhân cho biết, đó chính là hình thái nguyên bản của hát xoan mà các thế hệ từ xa xưa truyền lại.

Nghệ nhân Ưu tú Bùi Thị Kiều Nga (61 tuổi), trùm phường xoan Thét cho biết, buổi biểu diễn là một trong những hoạt động quen thuộc của phường xoan Thét mỗi dịp lễ hội hay khi có khách từ xa tới. Phường xoan Thét hiện có hơn 80 người, trong đó 16 nghệ nhân được cấp danh hiệu. Các thành viên chủ yếu làm ruộng, công nhân, lái taxi, cắt tóc gội đầu... Vì đam mê và mong muốn bảo tồn nghệ thuật truyền thống nên họ tranh thủ thời gian tham gia phường hát.

Mỗi khi có lịch biểu diễn hoặc có các nhóm du khách tìm đến yêu cầu xem hát xoan, trùm phường Kiều Nga lại đôn đáo gọi điện tập hợp mọi người. Chỉ ít phút trước giờ hát, anh Nguyễn Văn Tuấn (39 tuổi) lái taxi về đỗ trước cửa sân đình sau một cuốc khách. Khoác lên mình bộ áo dài, khăn đóng, anh Tuấn trong phút chốc nhập vai kép xoan, đảm nhận gõ trống và dẫn cách cho các đào hát. Còn đào xoan Lê Thị Hoa (44 tuổi) đóng cửa spa đang quản lý để góp mặt trong buổi diễn. Chị Hoa kể, thấm những câu hát xoan từ thuở nhỏ, năm 2013, khi xã bắt đầu mở lớp học cộng đồng, chị đăng ký theo học.

Giữa năm 2016, chị đi xuất khẩu lao động nhưng những câu hát vẫn theo bên mình. “Khi làm việc ở nước ngoài, tôi vẫn rất nhớ hát xoan, thi thoảng lại mở YouTube ra để học hoặc xem các chương trình ở quê nhà”, chị Lê Thị Hoa chia sẻ. Cuối năm 2022, chỉ 3 ngày sau khi về nước, chị trở lại sinh hoạt cùng phường xoan. Nay chị Hoa còn vui hơn khi con gái Lê Thị Thảo (18 tuổi) cũng theo mẹ hát xoan. Năm nay Thảo thi tốt nghiệp trung học phổ thông, ngoài giờ học, Thảo tranh thủ ra đình diễn phục vụ du khách.

Góp sức lan tỏa sức sống hát xoan

Ở phường xoan Thét, định kỳ mỗi tuần, các nghệ nhân dành hai buổi tối đào tạo con em. Đến nay, có tới 4, 5 thế hệ trong làng cùng hát xoan. Nghệ nhân Ưu tú Lê Thị Nhàn (67 tuổi) cho biết, trong gia đình bà, con gái, cháu nội, cháu ngoại đều biết hát xoan. Phường xoan Thét hiện có tới 30 truyền nhân dưới 18 tuổi vẫn đang học hỏi để tiếp nối và lưu truyền di sản hát xoan của ông cha. Ngoài lễ hội đầu xuân, phường còn đi biểu diễn giao lưu văn hóa ở Bắc Ninh, Cao Bằng, Hà Nội...; diễn phục vụ các đoàn khách đi lễ hội Đền Hùng ghé qua thưởng thức văn hóa dân gian.

Gắn bó với các phường xoan nhiều năm, nhà nghiên cứu Nguyễn Quang Long ấp ủ thu âm, đăng tải các bài xoan gốc lên mạng với mong muốn di sản hát xoan được lan tỏa rộng rãi hơn, vượt ra khỏi lãnh thổ nước Việt, đến gần hơn với những người Việt xa xứ và người nước ngoài yêu văn hóa Việt Nam, cùng với đó giúp nhiều người có thể tiếp cận các bài xoan chuẩn mực, thưởng thức hoặc khai thác làm tư liệu phục vụ công tác nghiên cứu.

Từ năm 2022, anh đã bắt tay với nhà sản xuất âm nhạc Phan Thanh Cường, nhạc sĩ Tùng Lâm, MC Hoàng Chung thực hiện Dự án “Giới thiệu di sản âm nhạc hát xoan”, dành cả năm 2023 để thực hiện và ra mắt dịp Xuân Giáp Thìn trên kênh YouTube dân ca và nhạc cổ truyền. Bên cạnh việc giới thiệu phần chính là âm nhạc với 16 bài xoan, bao gồm 3 bài thuộc chặng hát thờ và 13 bài thuộc chặng quả cách thì phần nội dung còn có thêm một clip “Về đất Tổ nghe xoan”, ghi lại cuộc trò chuyện gần gũi và dân dã giữa các nhà nghiên cứu với nghệ nhân, đào xoan, kép đàn, góp phần hé mở cánh cửa cho những ai yêu hát xoan có thể tiếp cận dễ dàng hơn, hiểu hơn về thể loại này.

 “Đến các phường xoan, nhớ nhất là cách các phường duy trì nhân sự cho mình. Càng ngày lực lượng trẻ, mới càng đông hơn. Như thế cũng có nghĩa, những người làm công tác nghiên cứu như chúng tôi khá yên tâm về sức sống của hát xoan”, nhà nghiên cứu Nguyễn Quang Long chia sẻ.

leftcenterrightdel
Thế hệ trẻ Phú Thọ tiếp nối hát xoan. Ảnh: TRUNG KIÊN 

Trao đổi với phóng viên Báo Quân đội nhân dân, ông Nguyễn Đắc Thủy, Giám đốc Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch tỉnh Phú Thọ cho biết, những năm qua, tỉnh Phú Thọ luôn chú trọng thực hiện công tác bảo tồn di sản hát xoan gắn với phát triển du lịch, khai thác bền vững giá trị của di sản này bằng cách dựa vào cộng đồng. Tất cả 31 bài xoan cổ được các nghệ nhân lão thành trao truyền cho lớp nghệ nhân kế cận, được tư liệu hóa và số hóa đầy đủ; tỉnh đã xuất bản cuốn “Tổng tập nghiên cứu về hát xoan Phú Thọ” làm tài liệu nghiên cứu, truyền dạy và phổ biến.

Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch đã phối hợp với Sở Giáo dục và Đào tạo tổ chức tập huấn hát xoan cho giáo viên dạy âm nhạc trong các trường học trên địa bàn tỉnh... Đến nay, 100% trường ở các cấp học đã đưa nội dung hát xoan vào chương trình giáo dục thông qua bộ môn âm nhạc và chương trình ngoại khóa với các bài hát xoan phù hợp.

HÀ VƯƠNG - ĐÌNH CHUNG

* Mời bạn đọc vào chuyên mục Văn hóa xem các tin, bài liên quan.