Huyện biên giới Kỳ Sơn có diện tích tự nhiên rộng lớn, địa hình chủ yếu là đồi núi dốc, thời tiết, khí hậu rất khắc nghiệt. Trên địa bàn có nhiều dân tộc thiểu số cùng sinh sống đoàn kết từ bao đời với đặc điểm cư trú, phong tục, tập quán, phương thức sản xuất khác nhau, tạo nên sự đa dạng về văn hóa. Trong đó, đồng bào dân tộc Mông chiếm 32,46% dân số toàn huyện, định cư chủ yếu ở những vùng núi cao hiểm trở. Từ xa xưa, trong điều kiện giao thông đi lại khó khăn, thiếu thốn về mọi mặt, người Mông đã có nhiều cách thích ứng với thiên nhiên khắc nghiệt, nhất là với cái lạnh của mùa đông. Đáng chú ý nhất là việc người dân đã xây dựng những ngôi nhà gỗ được lợp bằng “ngói gỗ” sa mu. Từ thực tế, phát hiện cây gỗ quý có lượng dầu cao, chống chịu được mưa, nắng kéo dài nên người dân đã khai thác, cưa cắt thành những tấm ván mỏng, xếp chồng lên nhau lợp thành mái nhà kiên cố. Những ngôi nhà lợp mái gỗ sa mu giúp cho người dân vượt qua được sự lạnh giá của mùa đông và cái nóng khi hè đến. Theo các già làng người Mông chia sẻ, nhà lợp mái gỗ sa mu có tuổi thọ hàng chục, thậm chí hàng trăm năm. Chính vì thế, trước đây, phần lớn các gia đình tại các bản làng đều chung tay, hỗ trợ nhau để xây dựng được ngôi nhà lợp mái bằng loại gỗ quý này.

leftcenterrightdel
 Những ngôi nhà cổ mái gỗ sa mu có tuổi đời hàng trăm năm của người Mông ở xã Tây Sơn, huyện Kỳ Sơn (Nghệ An) trước nguy cơ mai một. Ảnh: SÁCH NGUYỄN 

Trải qua thời gian, những ngôi nhà mái gỗ sa mu trở nên gần gũi, là nét văn hóa đặc trưng riêng của các bản làng có đồng bào dân tộc Mông sinh sống. Những ngôi nhà mái gỗ đặc biệt có niên đại hàng trăm năm tuổi, tạo nên sự thích thú cho rất nhiều khách du lịch khi đến địa phương biên giới tham quan, khám phá. Tuy nhiên, trên thực tế, do nhiều nguyên nhân khác nhau, những ngôi nhà mái gỗ sa mu đang dần biến mất tại các bản làng vùng cao. Theo khảo sát của chính quyền địa phương, hiện đồng bào dân tộc Mông đang sinh sống ở 73 bản/12 xã của huyện Kỳ Sơn nhưng chỉ còn 23 bản/6 xã lưu giữ được nhà cổ mái gỗ sa mu. Xã Tây Sơn, huyện Kỳ Sơn là một trong những địa phương có đông đảo đồng bào dân tộc Mông sinh sống từ lâu đời. Nhiều năm trước, khi đến các bản làng tập trung đồng bào dân tộc Mông sinh sống như: Huồi Giảng 1, Huồi Giảng 2 và Huồi Giảng 3 của xã Tây Sơn, có thể ghi nhận những ngôi nhà mái gỗ sa mu hàng trăm năm tuổi nằm san sát nhau. Nhưng hiện nay, số nhà lợp mái từ loại gỗ này đang giảm xuống nhanh chóng, chỉ còn khoảng 40% hộ gia đình giữ lại được. Ông Vừ Chống Dì ở bản Huồi Giảng 2 chia sẻ: “Gia đình tôi được thừa hưởng, sinh sống trong ngôi nhà lợp mái gỗ sa mu do ông bà để lại. Ngôi nhà không chỉ phù hợp với điều kiện thiên nhiên ở đây mà đã trở nên gần gũi, thiêng liêng với mỗi thành viên. Tuy nhiên, trải qua thời gian, mái nhà xuống cấp, bị mưa dột nên các con đang vận động tôi thay mái gỗ bằng tấm lợp fibro xi măng. Dù rất xót xa nhưng vì cuộc sống nên cũng không thể làm khác được”.

Trước đây, trên địa bàn các xã biên giới Nậm Càn, Na Ngoi (huyện Kỳ Sơn) có rất nhiều hộ gia đình đồng bào dân tộc Mông sinh sống trong ngôi nhà cổ được lợp bằng gỗ sa mu. Nhưng giờ đây, số nhà lợp bằng loại gỗ quý tại các địa phương này cũng chỉ còn đếm được trên đầu ngón tay. Ông Vừ Bá Rê, Phó chủ tịch UBND xã Tây Sơn cho biết: “Trải qua thời gian dài, những ngôi nhà mái gỗ sa mu có tuổi đời hàng trăm năm cũng bị xuống cấp, ảnh hưởng đến cuộc sống, sinh hoạt của người dân. Trong khi đó, Nhà nước có chủ trương cấm khai thác gỗ rừng, không có gỗ để bổ sung, sửa chữa nhà. Người dân dù rất tiếc những mái nhà cổ nhưng vẫn thường lựa chọn những vật liệu mới, rẻ tiền để thay thế mái lợp”. Bên cạnh xu hướng chung, vẫn có một số hộ gia đình đồng bào dân tộc Mông quyết tâm gìn giữ bằng được nhà cổ do tổ tiên để lại. Trường hợp gia đình ông Vừ Lầu Phổng ở bản Huồi Giảng 1 là một trong số đó. Khi mái nhà được lợp bằng gỗ sa mu hàng trăm năm tuổi bị hở, dột nước, gia chủ đã chọn cách khắc phục tối ưu. Ông Phổng đã tháo mái gỗ sa mu, trải lên mái nhà một lớp tấm nhựa trong suốt, rồi lợp lại “ngói gỗ” sa mu cũ ở trên. Cải tạo ngôi nhà theo phương án này đã giúp gia đình ông cải thiện đời sống và giữ được gia tài vô giá do tổ tiên để lại. Tuy nhiên, không phải gia đình nào ở vùng cao cũng đủ điều kiện về kinh tế để thực hiện được mong muốn đó. 

Trao đổi với chúng tôi, đồng chí Nguyễn Viết Hùng, Chủ tịch UBND huyện Kỳ Sơn cho biết: “Qua khảo sát cho thấy bà con đều rất muốn cải tạo, gìn giữ ngôi nhà cổ được lợp mái gỗ sa mu có tuổi đời hàng trăm năm. Chúng tôi mong muốn có chính sách hỗ trợ bà con nhưng huyện nghèo nên không có nguồn kinh phí để thực hiện. Trước mắt, chính quyền địa phương cũng chỉ biết động viên bà con nỗ lực để gìn giữ nét văn hóa đặc sắc này. Bên cạnh đó, huyện Kỳ Sơn cũng đã có văn bản đề nghị Sở Khoa học và Công nghệ tỉnh Nghệ An xác lập hồ sơ khoa học hệ thống di sản nhà cổ ở 23 bản/6 xã thuộc huyện. Trên cơ sở đó, xây dựng các luận cứ khoa học để hướng đến làm hồ sơ công nhận hệ thống nhà cổ của đồng bào dân tộc Mông ở Kỳ Sơn là di sản văn hóa vật thể cấp quốc gia, quốc tế. Có như vậy mới có nguồn kinh phí thực hiện việc bảo tồn”. Thiết nghĩ, việc gìn giữ, bảo tồn những ngôi nhà cổ ở huyện biên giới Kỳ Sơn không chỉ có ý nghĩa về mặt văn hóa mà còn là động lực để thúc đẩy phát triển du lịch, nâng cao đời sống người dân địa phương. Chính vì vậy, mong rằng các cấp có thẩm quyền của tỉnh Nghệ An sớm vào cuộc, triển khai thực hiện.

VIẾT LAM

*Mời bạn đọc vào chuyên mục Xã hội xem các tin, bài liên quan.