Được sáng tác bởi một nhà văn tên tuổi Pháp, Mi-sen U-lơ-bếch (Michel Houellebecq), ngay từ khi ra đời cuốn tiểu thuyết “Hạt cơ bản” được dư luận chú ý đã đành nhưng còn nổi danh bởi đã đề cập đến những vấn đề “nóng” trong cuộc sống cũng như trong văn chương đương đại. Đây là một trong số những tác phẩm từng “gây xáo trộn” trong dư luận Pháp thập kỷ 60-70, cuốn sách được coi là một “hiện tượng văn chương quốc tế, góp phần đưa nước Pháp trở lại hàng ngũ những “cường quốc văn chương trên thế giới” (The New YorkerNew York Times). Hiện nay, cuốn tiểu thuyết đã được dịch ra 30 thứ tiếng. Nhân dịp cuốn tiểu thuyết vừa được phát hành tại Việt Nam (tháng 12 năm 2006), qua bản dịch của Cao Tiến Dũng, tối 12-1 vừa qua, Trung tâm Văn hóa Pháp đã tổ chức buổi tọa đàm sôi nổi giữa các nhà thơ, nhà phê bình văn học Việt Nam và Pháp: Ni-cô-lát Xtê-đăng (Nicolas Stedam), Dương Tường, Nguyễn Chí Hoan, Cao Việt Dũng cùng đông đảo độc giả quan tâm đến sự kiện văn học đang gây xôn xao dư luận này

Một cuốn sách đầy “ám ảnh”

Tác phẩm là câu chuyện đời của hai anh em cùng mẹ khác cha, Bru-nô Clê-măng và Mi-sen Déc-gin-xki. Thông qua câu chuyện này, tác giả tìm cách lý giải các hiện tượng xã hội của nước Pháp và phương Tây trong những năm 60, 70 của thế kỷ 20, ảnh hưởng và tàn dư của lối sống đó lên cuộc sống hiện tại. Mở đầu bằng việc nhà khoa học Mi-sen Déc-gin-xki xin nghỉ làm tại Trung tâm khoa học Quốc gia Pháp sau 15 năm làm việc để dành thời gian tiến hành những nghiên cứu mang ý nghĩa lớn cho loài người, câu chuyện tiếp đó quay về những năm tháng tuổi thơ của hai anh em Mi-sen và Bru-nô, được đan xen với những trích đoạn cuộc sống sau này của họ. Ở Bru-nô khía cạnh nổi bật là ham mê tình dục đến mù quáng, còn Mi-sen lại là con người của lý trí, dịu dàng và luôn hướng tới một đạo đức theo lối triết học Kăng. Giống nhau ở điểm cùng cô độc, từ tuổi thơ ấu đã không có chỗ dựa nào khác ngoài bà nội và bà ngoại già nua, số phận cả hai anh em họ dường như bị kết án không thể hạnh phúc, dù đã có lúc bên cạnh Bru-nô có Kri-xti-an dịu dàng và tinh tế, Mi-sen có An-na-ben kiều diễm. Bru-nô và Mi-sen như sống bên lề của những biến chuyển xã hội phương Tây, luôn thấy cuộc sống nhàm chán, trống rỗng và đáng căm ghét. Thông qua cuộc đời họ, người ta nhận ra sự xuống dốc của các giá trị phương Tây, cơn cuồng loạn của chủ nghĩa tiêu dùng, sự đe dọa của nhân bản vô tính, tính hủy diệt của các chuẩn mực tự do kiểu Tây phương, trong đó có ảnh hưởng không nhỏ của phong trào “Giải phóng tình dục” những năm 60 của thế kỷ 20.

Độc giả tìm mua cuốn “Hạt cơ bản” (ảnh: Internet).

Cuốn sách như một thiên tiểu sử về một con người quá đỗi phong phú và kỳ lạ đến mức không tưởng. Chúng ta liệu có khả năng hiểu được, hiểu đúng cái trực giác tiểu thuyết của nhân vật Mi-sen hay không? Theo nhà thơ, nhà phê bình văn học Dương Tường thì: “Tác giả cuốn sách cho chúng ta thấy thế giới quan của ông, cái nhìn thấm đẫm tính phê phán chua cay chĩa vào các mối quan hệ người với người bằng một lối viết lạnh lùng đến tàn nhẫn. Với lối “văn phong dao mổ”, tác giả đã bóc tách những hỗn loạn của thời đại chúng ta đang sống, phơi bày sự suy tàn của một nền văn minh mà chúng ta biết quá rõ. Với một ý thức đầy ám-ảnh-tận-thế về thời đại, về cái sống và cái chết, tác giả suy ngẫm lại và khiến chúng ta cùng suy ngẫm lại, lịch sử và thời đại chúng ta đang sống: một thế giới thiểu não, nơi mỗi người đều cách biệt đồng loại mình hàng năm ánh sáng, “cái thế giới này nhất định phải làm lại”. "Hạt cơ bản" là một cuốn sách đã huy động cả những ý tưởng cực đoan sâu sắc, những ý tưởng bảo thủ, thậm chí là phản động, đó cũng là một trong những lý do chia rẽ bạn đọc của nó làm nhiều “phe phái” đối nghịch nhau.

Công chúng đã tiếp nhận “Hạt cơ bản” như thế nào?

Nếu ở nước Mỹ sự tiếp nhận của công chúng khi cuốn tiểu thuyết ra đời là một thái độ lạnh nhạt (tờ “New York Times” đã đánh giá nó là “cuốn sách đáng kinh tởm một cách sâu sắc”), thì ở nước Anh các tờ báo chào đón nó như một “tiểu thuyết ý tưởng” quan trọng và như một chân dung trung thực về một xã hội đang “trong cơn khó ở”. Nhà phê bình của tờ “The Observer” đã tiên đoán rằng: “Nó sẽ trở thành một cuốn sách được sùng bái”. Một nhà văn Anh, Giu-li-an Ban rất mê văn hóa Pháp đã không ngần ngại khi đưa "Hạt cơ bản" lên tận “mây xanh” khi gọi nó là “cuốn sách của năm” và tả nó như “một cuốn tiểu thuyết dám đi săn con thú lớn trong khi những tiểu thuyết khác loay hoay nhằm bắn thỏ”...

Cuốn tiểu thuyết này đã đề cập đến khía cạnh biểu tượng hóa ý niệm về “Hạt cơ bản” với tư cách là “điểm nhìn” của một thế giới khoa học mới mẻ, rộng rãi phổ quát. Nội dung nói về một vấn đề đạo đức từ rất sớm, tất cả được bắt nguồn từ những năm trung học, khi Mi-sen đọc được những cuốn truyện phiêu lưu lịch sử và ý thức được rằng “tất cả đều xoay quanh một đạo đức chung”, tất cả đều sợ cái thế giới mà “chỉ tôn trọng tuổi trẻ, con người dần dần bị ăn mòn” (tr.154).

Tại buổi tọa đàm, rất nhiều độc giả trẻ đã băn khoăn khi đặt câu hỏi: “Với một cuốn sách đề cập đến nhiều vấn đề xã hội đặc biệt là khía cạnh tình dục, vậy các nhà văn cần có định hướng gì cho giới trẻ khi tiếp xúc những tác phẩm “gai góc” như thế này?”. Nhà thơ, nhà phê bình văn học Dương Tường đã khẳng định: “Văn học phải bày ra trước mắt những sự thật “trần trụi”, ám ảnh tình dục là một sự thật trong cuộc sống con người, chúng ta phải nhìn thẳng để rút ra những bài học giúp mình tránh phạm phải (chứ hoàn toàn không phải là xúi bẩy cho giới trẻ). Khi đọc tác phẩm này, nếu chỉ quan tâm đến yếu tố tình dục thì dễ lạc đường vì Mi-sen nói với chúng ta một vấn đề sâu sắc hơn nhiều: sự suy thoái đạo đức ở một xã hội văn minh, từ đó ông hy vọng tìm ra một con đường nào đó để làm lại thế giới này. Tôi tin rằng bạn đọc Việt Nam chẳng thể nào không thấy ở cuốn tiểu thuyết này những ám ảnh của cái xã hội hoang mang, trong đó ngày càng hiện rõ ra cái nguy cơ một khuynh hướng Tây hóa mù quáng, bất kể mọi tổn thất với những giá trị tinh thần...”.

THANH HÒA